Thủ tướng Chính phủ: “Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế”
29/04/2016 16:39:56
ANTT.VN – "Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, chúng ta không cứu được mình thì ai cứu? Các đồng chí ở đây rất giỏi nhưng tôi biết rằng, trong cộng động doanh nghiệp, nhiều người chưa tự cứu được mình đâu" - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định trong “Hội nghị Diên hồng” giữa Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay.

Tin liên quan

Sáng nay (ngày 29/04), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước” với sự có mặt của 1.000 doanh nghiệp, đại diện cho khoảng 500.000 doanh nghiệp trên cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016

Phát biểu khai mạc Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Cách đây 41 năm, đoàn quân Giải phóng tiến vào đây, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bác Hồ đã nói sau khi thống nhất, chúng ta sẽ xây dựng đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Toàn quân, toàn dân cùng tham gia xây dựng đất nước nhưng tiên phong vẫn là đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam – lực lượng đóng góp rất lớn tạo ra GDP, giải quyết việc làm… Vậy người tiên phong cần được quan tâm, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển”.

Tinh thần của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới cách lãnh đạo. Chính phủ và các cơ quan bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp, của công dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường quốc tế.

Vì vậy phải tháo gỡ mọi rào cản, chống tiêu cực, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và tinh thần lớn nhất là “không hình sự hóa các quan hệ kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

"Hội nghị Diên Hồng" giữa Thủ tướng với Doanh nghiệp 

Về phía các doanh nghiệp, thay mặt cộng đồng DN, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã có báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, hiến kế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, lành mạnh và bình đẳng; kiến nghị giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Theo ông Lộc, hiện có hai việc cần làm ngay. Thứ nhất, phải có những giải pháp chính sách và hành chính quyết liệt để giảm mạnh rủi ro và chi phí, đặc biệt là chi phí không chính thức để bảo đảm an toàn và “khoan sức” được cho DN.

Bên cạnh đó vừa hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường với những đổi mới, động lực mới, vừa tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển DN.

Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam đề nghị Chính phủ 8 nội dung: Triển khai xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV, kiện toàn tổ chức chỉ đạo hỗ trợ DNNVV; xây dựng Luật về hội; xây dựng chương trình khởi nghiệp quốc gia; tạo cơ chế khuyến khích các hiệp hội, nhà đầu tư xây dựng kho ngoại quan cho DNNVV, tạo hậu thuẫn bằng cơ chế: Giảm thuế, lãi suất tái cấp vốn; có chương trình ưu đãi DNNVV tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế phát triển kênh phân phối; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu cụm công nghiệp đủ cơ sở hạ tầng cho DNNVV; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công…

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại cuộc gặp, “Ngân hàng Nhà nước cam kết hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng DN nhằm tạo ra hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất”.

Điểm qua những thuận lợi và những khó khăn phải đối mặt trong thời gian tới, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, tiền tệ, Thống đốc cho biết, thời gian tới NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Mới đây, NHNN đã họp với các ngân hàng thương mại lớn, yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí quản lý để giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng lớn đã cam kết giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung hạn trong thời gian tới.

Tham gia phát biểu tại “Hội nghị diên Hồng” giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà đề xuất hai nội dung chính: (1) Hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng, thúc đẩy doanh nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế; và một số giải pháp hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp.

Trong đó, chủ tịch BIDV cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ đối với các Doanh nghiệp bằng cạch tiếp tục xem xét giải pháp gia tăng vốn đầu tư và giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% - 1% và xử lý triệt để vấn đề nợ xấu…

BIDV cũng cam kết ngay từ hôm nay (29/4/2016) sẽ thực hiện giảm 0,5% lãi suất đối với các khoảnvay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, và mức cho vay trung và dài hạn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tối đa không quá 10%. Như vậy BIDV sẽ giảm doanh thu khoảng 400 – 450 tỷ để chia sẻ, hỗ trợ các Doanh nghiệp.

Nhiều đại diện các doanh nghiệp như bà Mai Kiều Liên – tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Ô tô Trường Hải, đại diện hãng hàng không Vietjet và các hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp cụ thể trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ ngày hôm nay.

Các ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề tại Hội nghị nhất trí cho rằng: Thời gian qua, môi trường đầu tư, kinh doanh có phần khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều rào cảo, trở ngại đối với doanh nghiệp.

Đó là sự băn khoăn về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp không đúng thời hạn (1/7/2016), có nguy cơ tạo “khoảng trống pháp lý”; thủ tục hành chính đã thông thoáng, thuận tiện hơn nhưng doanh nghiệp còn lo ngại về một bộ phận cán bộ, công chức có thái độ cửa quyền, “hành là chính”, còn có nhiều giấy phép con.

Hiện nay các doanh nghiệp phải chịu nhiều rủi ro và gánh nặng chi phí cả chính thức và không chính thức khá lớn. Việc nước ta đã, đang và sẽ tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được doanh nghiệp quan tâm, với băn khoăn về khả năng cạnh tranh của mình trước làn sóng hội nhập mạnh mẽ đó. Ý kiến của doanh nghiệp cũng cho rằng, chi phí vốn, lãi suất còn ở mức cao, chưa hợp lý; còn tồn tại nhiều khoản thuế, phí…

Các doanh nghiệp cùng kiến nghị: Cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa với mục tiêu chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân và đang làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ giảm lãi suất, miễn, giảm, hoãn một số khoản thuế, phí để “khoan thư sức dân”, tạo môi trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; coi “doanh nghiệp như đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý”.

Trong phần phát biểu kết luận hội nghị đầu giờ chiều nay (29/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình khó khăn của DN, mà có người thường gọi là "DN bị hụt hơi" đã phản ánh rất rõ trong kết quả tăng trưởng kinh tế vừa qua.

Tăng trưởng vừa qua của Việt Nam mặc dù có thành tựu những vẫn dựa vào chiều rộng. Chính sách của Chính phủ tới thực tế còn cắt khúc, thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự đồng bộ, chưa tạo được động lực cho phát triển nâng cao năng lực cạnh tranh, chưa đảm bảo được cho doanh nghiệp phát triển thuận lợi trong điều kiện kinh tế thị trường. "Chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tế này" - Thủ tướng nói.

Về những giải pháp phát triển DN, Thủ tướng nói, trước khi đề cập đến các hỗ trợ của Chính phủ thì chính bản thân các DN phải biết được bản thân mình phải làm gì. Theo đó, DN phải xây dựng được văn hóa DN, văn hóa doanh nhân, phải cắt giảm chi phí, hoạt động một cách liêm chính...

"Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu, chúng ta không cứu được mình thì ai cứu? Các đồng chí ở đây rất giỏi nhưng tôi biết rằng, trong cộng động doanh nghiệp, nhiều người chưa tự cứu được mình đâu" - Thủ tướng chia sẻ.

Với sự có mặt đông đủ của các thành viên Chính phủ, các lãnh đạo Nhà nước, Thủ tướng cho hay: "Tôi coi rằng những gì tôi nói hôm nay chính là thông điệp của Chính phủ. Tôi khẳng định, Nhà nước Việt Nam cam kết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, của người dân". Theo đó, người dân được phép kinh doanh nhưng gì luật không cấm, các DN được bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực từ tín dụng đến tài nguyên, đất đai...

Hiểu Minh

 

 

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến