Dòng sự kiện:
Thủ tướng Israel khẳng định không tìm cách chiếm đóng Dải Gaza
10/11/2023 20:00:16
Phát biểu với đài Fox News, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu rõ nước này không tìm cách kiểm soát hay chiếm đóng Dải Gaza mà muốn mang lại một tương lai tốt hơn cho cả vùng đất này và Israel.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại một cuộc họp ở Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chiến dịch chống Phong trào Hồi giáo Hamas mà quân đội nước này đang triển khai tại Dải Gaza diễn ra hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh Israel không có kế hoạch tái chiếm đóng vùng lãnh thổ của người Palestine.

Phát biểu với đài Fox News, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu rõ nước này không tìm cách kiểm soát hay chiếm đóng Dải Gaza mà muốn mang lại một tương lai tốt hơn cho cả vùng đất này và Israel. Ông cho rằng cần có một chính phủ dân sự hình thành ở Dải Gaza.

Israel muốn đảm bảo rằng sẽ không có cuộc tấn công nào giống như vụ việc ngày 7/10 lặp lại với Israel. Do đó, nếu cần thiết, sẽ có một lực lượng đáng tin cậy tiến vào Dải Gaza và xóa bỏ những mối đe dọa từ phong trào Hồi giáo Hamas.

Trước đó, ông Netanyahu từng đề cập rằng Israel sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh tại Gaza trong một khoảng thời gian chưa xác định. Mỹ, một đồng minh của Israel, phản đối nước này kiểm soát Dải Gaza sau khi xung đột chấm dứt đồng thời mong muốn Chính quyền Palestine (PA), hiện đang điều hành ở Bờ Tây bị chiếm đóng, sẽ trở lại quản lý Gaza.

Hamas đã giành quyền kiểm soát Gaza từ PA năm 2007. Nhiều quan chức cấp cao của Palestine, trong đó có Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, từng khẳng định việc PA trở lại Gaza cần đi kèm với một giải pháp chính trị chấm dứt sự chiếm đóng của Israel tại Bờ Tây.

Trong phát biểu mới, ông Netanyahu nêu rõ sau khi cuộc xung đột hiện nay kết thúc, Dải Gaza phải phi quân sự hóa, phi cực đoan hóa và được tái thiết.

Xung đột Hamas-Israel bùng phát và ngày càng leo thang từ ngày 7/10 khi Hamas bất ngờ tấn công, xâm nhập lãnh thổ Israel khiến 1.400 người thiệt mạng và bắt cóc hơn 240 người. Israel sau đó triển khai chiến dịch tấn công và phong tỏa Dải Gaza khiến tình hình nhân đạo tại dải đất này xấu đi nhanh chóng. Theo cơ quan y tế Dải Gaza, xung đột khiến hơn 10.800 người ở Dải Gaza thiệt mạng, trong đó có hơn 4.000 trẻ em.

Mới đây, Israel đã nhất trí thực hiện các đợt tạm dừng tấn công để tạo điều kiện cho các hoạt động hỗ trợ nhân đạo cho Dải Gaza. Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 9/11 đã hoan nghênh quyết định mà ông cho là hướng đi đúng đắn để giúp người dân sơ tán và đưa thêm hàng cứu trợ vào dải đất này.

Theo Nhà Trắng, Israel đồng ý tạm dừng tấn công miền Bắc Dải Gaza 4 tiếng mỗi ngày, thông báo về việc dừng tấn công sẽ được đưa ra trước 3 tiếng.  Một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết thỏa thuận về các biện pháp này sẽ được ấn định trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 10/11 đến  Israel.

Cùng ngày 9/11, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ mọi quyết định ngừng giao tranh giữa Hamas và Israel trên Dải Gaza vì mục đích nhân đạo cần được phối hợp với Liên hợp quốc và được sự đồng thuận của tất cả các bên tham gia để có hiệu quả thực tế.

Bên cạnh đó, cú sốc kinh tế xã hội của cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas có thể đẩy hàng trăm nghìn người Palestine rơi vào cảnh đói nghèo. Cảnh báo trên được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đưa ra trong báo cáo về nguy cơ xung đột Hamas-Israel tác động lâu dài tại Dải Gaza và Bờ Tây.

Cụ thể, UNDP ước tính sau 1 tháng xung đột bùng phát tại Dải Gaza, tỷ lệ nghèo đói ở các vùng lãnh thổ của Palestine dự kiến sẽ tăng từ 26,7% lên 31,9%. Điều này có nghĩa số người nghèo đói tại đây sẽ tăng thêm 285.000 người. Tỷ lệ này có thể tăng lên thành 35,8% nếu cuộc xung đột kéo dài thêm 1 tháng và tăng lên 38,8% nếu xung đột kéo dài thêm 2 tháng.

Báo cáo UNDP nêu rõ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, bùng phát hôm 7/10 đã gây ra "cú sốc nghiêm trọng đối với hoạt động kinh tế của người Palestine." Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các vùng lãnh thổ của Palestine có thể giảm từ 4,2-12,2%, hoặc khoảng từ 857 triệu USD đến 2,5 tỷ USD so với ước tính trước xung đột. Theo UNDP, con số này sẽ tùy thuộc vào thời gian nổ ra xung đột. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể tăng từ 5 đến 13 điểm phần trăm, từ mức 24,7% trước khi xung đột bùng phát.

Bốc dỡ hàng viện trợ cho người dân Gaza tại khu vực cửa khẩu Rafah ngày 2/11/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ước tính kể từ khi xung đột bùng phát, khoảng 182.000 việc làm đã bị mất ở Dải Gaza, trong khi con số này ở Bờ Tây là 208.000, do việc lưu thông hàng hóa bị hạn chế và người Palestine không thể sang Israel làm việc. Ít nhất 45% số nhà cửa tại Dải Gaza đã bị phá hủy hoặc bị hư hại, trong khi hoạt động kinh doanh và đất đai nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng. 

Trong một tuyên bố, Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner, nhấn mạnh "hậu quả của những gì đang xảy ra hiện nay thực sự là một cuộc khủng hoảng phát triển trong nhiều năm tới.” Theo ông, cuộc xung đột này có thể cản trở sự phát triển của các vùng lãnh thổ Palestine trong hơn 1 thập niên. Trong kịch bản xấu nhất, chỉ số phát triển con người - thước đo tuổi thọ, giáo dục, chất lượng sống - có thể quay lại mức năm 2007.

Do đó, cộng đồng quốc tế cần xem xét không chỉ tới vấn đề viện trợ nhân đạo mà cả những quan ngại về việc tái thiết, nhất là khi đã có những bài học trong quá khứ về quá trình tái thiết chậm chạp ở Gaza và sự phụ thuộc của dải đất này vào hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt là từ Israel. Đơn cử, cuộc xung đột hồi tháng 5/2021 giữa Israel và Hamas đã phá hủy 1.700 căn nhà, song 1 năm sau đó chỉ có 200 căn nhà được xây dựng lại.

Chính vì vậy, cần xem xét khả năng đẩy nhanh việc dọn dẹp sau xung đột cũng như đưa nguyên vật liệu vào. Giám đốc UNDP cũng kêu gọi lắp đặt các tấm pin Mặt Trời và các nhà máy khử mặn trong nước với quy mô khác nhau để người dân ở Dải Gaza duy trì cuộc sống. 

Theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội Tây Á (ESCWA), trước khi xung đột bùng phát hôm 7/10, khoảng 1,5 triệu người đã sống trong cảnh nghèo đói, theo đó tỷ lệ nghèo đói ở Gaza và Bờ Tây lần lượt là 61% và 30%.

Trong khi đó, cùng ngày, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết toàn bộ 2,3 triệu người ở Dải Gaza đang phải sống trong tình trạng thiếu thực phẩm và đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng. Kể từ khi xung đột bùng phát, viện trợ nhân đạo tới được dải đất đang bị bao vây này chỉ như "muối bỏ bể."

Theo WFP, tổ chức này cần 112 triệu USD để có thể đưa viện trợ đến 1,1 triệu người ở Dải Gaza trong 90 ngày tới./. 

Tác giả: Lê Ánh-Ngọc Hà

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến