Dòng sự kiện:
Thủ tướng: Kinh tế có dấu hiệu đáng mừng, nông nghiệp được mùa, được giá
02/03/2021 12:36:19
Đợt bùng phát dịch lần thứ 3 tác động tới vùng kinh tế trong điểm phía bắc gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thủ tướng cho biết đến nay đã cơ bản kiểm soát được tình hình.

Sáng nay (2/3), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021.

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tiếp tục có những dấu hiệu đáng mừng trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm. Nông nghiệp được mùa, được giá. Đặc biệt, xuất nhập khẩu trong 2 tháng đạt gần 96 tỷ USD, tăng gần 25%, trong đó xuất khẩu tăng hơn 23%. Xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Tình hình doanh nghiệp cũng có một số dấu hiệu tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 4%, số vốn đăng ký tăng tăng hơn 52%.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Quốc Chính)

Nhấn mạnh việc nhanh chóng tiêm vắc xin cho các đối tượng mà Nghị quyết của Chính phủ đã quy định, Thủ tướng nêu rõ bảo đảm ngân sách và các mặt khác để mọi người được tiêm vaccine.

Thủ tướng lưu ý, cần tiếp tục khoanh ổ dịch ở Kim Thành, Hải Dương mạnh mẽ; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu kép tiếp tục được đặt ra để thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu ở mức cao nhất.

"Trong quý I này, phải có kết quả tích cực, trong đó, các cấp, các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 06 ngày 19/2/2021 của Thủ tướng về đôn tốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021" - Thủ tướng yêu cầu và nhấn mạnh tập trung quán triệt, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Các chỉ số kinh tế được nêu rõ tại cuộc họp: Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 0,64%. Tuy nhiên, CPI tháng 2/2021 tăng 1,5% so với tháng trước, đây là mức cao nhất của chỉ số giá tháng Hai trong 8 năm gần đây và tăng 1,56% so với tháng 12/2020.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm nay ước tính đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 48,6 tỷ USD, tăng 23,2%; nhập khẩu đạt 47,3 tỷ USD, tăng 25,9%. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,3 tỷ USD.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ tăng 7,1%). Nhiều sản phẩm tăng mạnh như tivi các loại tăng 61,5%; linh kiện điện thoại tăng 55,7%; thép cán tăng 47,3%...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ năm 2020 tăng 5,4%).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cả nước có 18.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký là 334,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 172,8 nghìn lao động, tăng 4% về số doanh nghiệp, tăng 52,2% vốn đăng ký.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 2/3 (Ảnh: Quốc Chính)

Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 tại phiên họp, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - kiến nghị các giải pháp nhằm thực hiện "mục tiêu kép".

"Khẩn trương ban hành hướng dẫn, quy trình thống nhất về sản xuất, lưu thông hàng hóa, phương tiện giữa vùng có dịch và không có dịch; có biện pháp hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa an toàn dịch bệnh, đặc biệt với các hàng hóa nông sản, có thời gian bảo quản ngắn…" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Theo Bộ trưởng KH&ĐT, dự báo dịch Covid-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vắc xin được phổ biến rộng rãi. Do vậy, cần duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính sách tiền tệ, tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các Bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát tình hình, phân tích, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch bệnh, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải…

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Theo: Dân Trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến