Dòng sự kiện:
Thủ tướng: “Tăng trưởng GDP trên 6,5% là khả thi”
28/11/2015 10:34:27
ANTT.VN – Đó là nhận định của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp thường kỳ tháng 11 của Chính phủ diễn ra chiều qua 27/11.

Tin liên quan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015. Ảnh: Chinhphu.vn

Tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ 2015

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bằng sự nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội tháng 11 tiếp tục đà chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Đảm bảo được sự ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế; các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, ngân sách, xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, giá cả… đều đạt kết quả và có những chuyển biến tích cực.

Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh; nông nghiệp tuy gặp khó khăn song sản lượng vẫn tăng, phát triển ổn định và thị trường lúa gạo tiếp tục được nỗ lực mở rộng. Hoạt động đầu tư nước ngoài, công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện và đạt nhiều kết quả.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông được tăng cường; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế không ngừng được mở rộng…

Từ những kết quả chung, khả năng, triển vọng tăng trưởng GDP trên 6,5% cho năm 2015 là khả thi, đây là mức tăng trưởng cao hơn năm 2014 và cao hơn kế hoạch đề ra, tạo đà, tiền đề, nền tảng để thực hiện nhiệm vụ năm 2016 với tăng trưởng GDP đề ra là 6,7%.

“Trên đà này chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao hơn; nỗ lực khắc phục những khó khăn, hạn chế, yếu kém; biến khó khăn thành thuận lợi, thời cơ… để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra cho năm 2015, một năm có ý nghĩa quan trọng, năm cuối của Kế hoạch 5 năm (2011-2015)”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; trước hết là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập siêu; thúc đẩy hơn nữa phát triển công nghiệp, nhất là những ngành công nghiệp thế mạnh, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, tạo giá trị gia tăng lớn…

Cân đối ngân sách, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí

Cùng với đó là phải đảm bảo cân đối thu chi ngân sách, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi, nhất là chi cho hội họp, đi nước ngoài; tập trung thu ngân sách theo tinh thần thu đúng, thu đủ, đúng pháp luật. “Những khoản thu còn nợ đọng, khoảng hơn 70.000 tỉ thì phải cố gắng thu, phải làm tốt việc thu này. Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế theo kiểu chây ỳ thì phải xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh và nêu rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay tới cuối năm.

Đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ phân bổ ngân sách cũng như xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2016, kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016-2020. Khẩn trương chuẩn bị, triển khai nhiệm vụ, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 ngay từ đầu năm. Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội 2016 theo kết luận chỉ đạo của Trung ương và theo Nghị quyết của Quốc hội vào cuối tháng 12/2015.

Một nội dung lớn nữa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là phải tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu kinh tế theo tinh thần “phải làm hiệu quả và phải làm liên tục”, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, nông nghiệp, sắp xếp lại các nông lâm trường gắn với công tác bảo vệ rừng, khai thác hiệu quả các tiềm năng, nguồn lợi từ rừng.

“Doanh nghiệp Nhà nước tập trung đẩy mạnh tiến độ lên, cái nào tư nhân mua được mà họ quản lý tốt thì các đồng chí bán luôn đi để chúng ta thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết, quan trọng khác, nhất là đầu tư vào hạ tầng để tạo điều kiện cho phát phát triển, đây cũng là đúng theo định hướng của Trung ương”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả công tác đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; giải quyết việc làm, chăm lo mọi mặt cho đời sống nhân dân.

Ngoài ra, nhấn mạnh Tết Nguyên đán sắp đến gần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu các bộ, ngành địa phương thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đảm bảo cung cầu hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán; thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động ngăn ngừa, trấn áp, đấu tranh phòng chống các loại hình tội phạm; làm tốt công tác phòng chống cháy nổ; tăng cường tuần tra, canh gác, giảm thiểu tai nạn giao thông vào dịp cuối năm.

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian vào tập trung phân tích, dự báo tình hình trong nước và quốc tế; cho rằng, trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu và ở mức thấp; tăng trưởng GDP tiếp tục đà phục hồi và ước đạt trên 6,5% trong năm 2015; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được bảo đảm… sẽ là điều kiện quan trọng để nền kinh tế nước ta tiếp tục có những bước phát triển cao hơn trong thời gian tới.

Từ dự báo tình hình; phân tích thuận lợi, khó khăn, nhất là nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ nhấn mạnh cần phải tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa các giải pháp khai thông, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu…

Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Văn Ninh nhấn mạnh cần khẩn trương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2016; thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là tiết kiệm trong dịp tổng kết cuối năm; đảm bảo cân đối ngân sách cho thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới…

P.V (t/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến