Dòng sự kiện:
'Thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19 vừa giữ đà tăng trưởng kinh tế'
03/02/2021 06:24:15
Thủ tướng yêu cầu các ngành không chủ quan với dịch bệnh, theo dõi sát tình hình có giải pháp ứng phó nhanh, mạnh; thực hiện mục tiêu kép, duy trì đà tăng trưởng GDP 6,5%.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm cùng với 3 nhiệm vụ trọng tâm khác là triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phòng chống dịch COVID-19 và chăm lo Tết cho nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu các ngành không chủ quan với dịch bệnh, theo dõi sát tình hình có giải pháp ứng phó nhanh, mạnh; kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu kép, duy trì đà tăng trưởng GDP 6,5%.

Thủ tướng nhấn mạnh, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021 đó là, thúc đẩy 3 không gian kinh tế gồm kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án về gói hỗ trợ thứ 2.

Đặc biệt, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ vướng mắc cho đầu tư mà nhiều năm qua chưa làm được.

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành hồi đầu năm, Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành. Chính phủ phấn đầu cả năm đạt mức tăng trưởng GDP là 6,5%, cao hơn 0,5 điểm % so với Quốc hội giao.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định trường hợp dịch được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng đầu năm nay, nền kinh tế tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 ước tính tăng tới 22,2% so với tháng 1/2020; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,7% so với tháng 12/2020, tăng 6,45 so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước và tăng ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động.

Bên cạnh đó, tổng số vốn đăng ký mới và đăng ký bổ sung của các doanh nghiệp tăng 10,5% so với tháng 1/2020. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 23,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Thị trường chứng khoán sau khi giảm do ảnh hưởng dịch COVID-19 đã ổn định trên kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin thị trường cao hơn. Nhiều chỉ số khác cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên của nền kinh tế so với tháng đầu năm trước.

Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối cơ bản ổn định, thanh khoản tốt, đáp ứng nhu cầu.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ; trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41%.

Kết quả thu ngân sách đầu năm 2021 ước đạt 134.000 tỷ đồng, đạt 12% so với dự toán, bằng 81,2% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu thô đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán. Thu nội địa đạt 131.550 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Khánh Vy (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến