Dòng sự kiện:
Thực hư việc HDBS bán giải chấp 3 triệu cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết
24/03/2020 06:07:46
Trong ngày 23/3, HDBS thông báo bán giải chấp 3 triệu cổ phiếu ROS của ông Trịnh Văn Quyết. Tuy nhiên, đến cuối ngày thông báo này cũng đã được gỡ khỏi website hdbs.vn của công ty.

Chiều 23/3, Công ty cổ phần Chứng khoán HDB (HDBS) đã ra thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán cầm cố.

Cụ thể, HDBS dự tính bán giải chấp 3 triệu cổ phiếu ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) của ông Trịnh Văn Quyết từ hôm nay (24/3). 

Tuy nhiên, cuối giờ chiều 23/3 thông báo bán giải chấp này đã không còn xuất hiện trên website hdbs.vn của công ty chứng khoán HDBS.

Theo nguồn tin từ Tập đoàn FLC, trong chiều 23/3 tiền đã được chuyển bổ sung vào tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết và do vậy HDBS đã hủy thông báo bán giải chấp chứng khoán với cổ phiếu ROS.

Thông tin bán giải chấp được đưa ra sau khi cổ phiếu ROS bắt đầu giảm mạnh từ ngày 25/12/2019 (23,000 đồng/cp). Tính từ ngày đó đến nay, cổ phiếu này đã giảm hơn 80% xuống còn 4,880 đồng/cp.

Ước tính theo mức giá này, 3 triệu cổ phiếu ROS có tổng giá trị khoảng 14,6 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác thuộc "họ FLC" cũng giảm sàn trong phiên hôm nay gồm HAI, AMD, FLC, ART. GAB giảm 6,6% trong khi riêng KLF giữ sắc xanh 5%.

Diễn biến cổ phiếu ROS trong 6 tháng vừa qua. (Nguồn: Cafef)

Góp phần vào đà giảm của cổ phiếu, trong đợt cơ cấu gần nhất, quỹ FTSE ETF và VNM ETF đã quyết định loại cổ phiếu ROS ra khỏi danh mục.

Trong năm 2019, CTCP Xây dựng FLC Faros ghi nhận doanh thu hơn 4,840 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2018. Trong khi đó, lợi nhuận ròng lại giảm từ hơn 186 tỷ đồng (năm 2018) xuống 178 tỷ đồng, tức giảm 4%.

Hiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng FLC Faros là ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ hơn 291,2 triệu đơn vị ROS.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng FLC Faros

Cùng ngày, thông tin Bamboo Airways, hãng hàng không của đại gia Trịnh Văn Quyết bị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) yêu cầu thanh toán số tiền dịch vụ đến 205 tỷ đồng khiến giới đầu tư xôn xao.

Trong đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV. Số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways.

Bên cạnh các khoản trên, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.

"ACV đã liên tục có tới 24 văn bản đốc thúc, yêu cầu hãng thanh toán nợ đúng hạn theo quy định tại hợp đồng đã ký nhưng đến nay hãng vẫn chưa thực hiện chi trả", lãnh đạo ACV khẳng định.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến