Trong bức thư mời họp Thượng đỉnh gửi đến nguyên thủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu – EU ngày 23/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết, các chủ đề chính sẽ được bàn thảo tại Thượng đỉnh EU cuối cùng trước khi nghỉ Hè bao gồm chiến lược phân phối vaccine cho các đối tác trên thế giới, chính sách nhập cư, các biện pháp phục hồi kinh tế hậu đại dịch, cùng các chủ đề đối ngoại quan trọng khác liên quan đến Thổ Nhĩ Kỹ, Nga, Lybia, Belarus.
Tuy nhiên, trọng tâm của Thượng đỉnh EU lần này sẽ là các thảo luận về chiến lược mới của EU trong quan hệ với Nga. Tại Thượng đỉnh EU tháng 5/2021, các nguyên thủ châu Âu đã giao trọng trách cho Ủy ban châu Âu xây dựng dự thảo chiến lược mới của EU trong quan hệ với Nga và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell dự kiến sẽ trình bày báo cáo chiến lược về Nga tại Thượng đỉnh lần này.
Các đại biểu dự Thượng đỉnh EU 2021. Ảnh: Euractiv.
Trong cuộc họp báo tuần trước tại Brussels, ông Josep Borrell đã lên tiếng cảnh báo các nước EU cần chuẩn bị cho các khó khăn mới trong quan hệ với Nga, bởi quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, báo chí châu Âu đưa tin, trong cuộc họp trù bị của Đại sứ các nước EU chiều ngày 23/6 nhằm chuẩn bị cho Thượng đỉnh EU, hai nước Đức và Pháp bất ngờ đưa ra các đề xuất mới về Nga, theo đó, EU cần duy trì một quan hệ đối thoại chặt chẽ hơn với Nga, đồng thời, dự định tổ chức lại Thượng đỉnh EU-Nga, mời Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Thượng đỉnh, hoạt động vốn đã bị gián đoạn từ năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraina.
Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel là người đứng sau đề xuất này và được Pháp ủng hộ. Trước thềm Thượng đỉnh EU lần này, trong vòng 1 tuần qua, bà Merkel đã lần lượt tiếp Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Italia, Mario Draghi và nguyên thủ Đức-Pháp-Italia được cho là đã thống nhất quan điểm về Nga. Trong cuộc gặp với ông Macron tại Berlin tuần trước, bà Merkel cũng tuyên bố rất rõ rằng, EU phải duy trì bằng được đối thoại với Nga.
“Nga là một thách thức lớn cho châu Âu nhưng Nga cũng là một quốc gia láng giềng của Liên minh châu Âu và có thể nhận thấy rằng, tất cả chúng ta đều bị tổn thương bởi các cuộc tấn công hỗn hợp từ Nga. Dù vậy, chúng ta có lợi ích trong việc duy trì đối thoại với Nga nếu muốn có an ninh và ổn định tại châu Âu, dù đối thoại đó có khó khăn đến mức nào”, bà Merkel nhấn mạnh.
Trên thực tế, trong số các nước EU, hai cường quốc Đức-Pháp từ trước đến nay vẫn luôn giữ quan điểm cho rằng, châu Âu cần duy trì một đối thoại thẳng thắn với Nga nếu muốn duy trì một cấu trúc an ninh ổn định tại châu Âu.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, các nước Đức-Pháp đã đẩy mạnh các đề xuất tiếp cận gần hơn với Nga sau khi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga kết thúc mới đây cho thấy, chính quyền Mỹ cũng đang muốn duy trì quan hệ hòa hoãn với Nga nhằm kéo Nga khỏi quỹ đạo của Trung Quốc.
Điều này thể hiện rõ trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đến Đức trong ngày 23/6 khi ông Blinken ca ngợi Đức là “người bạn tuyệt vời nhất của Mỹ trên thế giới”, đồng thời không còn quyết liệt phản đối dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2” mà Đức và Nga hợp tác triển khai.
Tác giả: Quang Dũng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy