Dòng sự kiện:
Thương vụ IPO lớn nhất trong năm 2023 có thể sắp lộ diện
22/08/2023 16:54:32
Arm đã nộp đơn đăng ký phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq vào tháng tới lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Đây được dự đoán sẽ là thương vụ IPO lớn nhất của năm.

Softbank Group được cho là đang tìm kiếm một mức định giá đem lại cho Arm giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 60 tỷ USD. (Nguồn: Reuters)

Arm, công ty thiết kế chip thuộc sở hữu của tập đoàn SoftBank Group, ngày 21/8 đã nộp đơn đăng ký phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) trên sàn Nasdaq vào tháng tới lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC), và đây được dự đoán sẽ là thương vụ IPO lớn nhất của năm nay.

Softbank Group được cho là đang tìm kiếm một mức định giá đem lại cho Arm giá trị vốn hóa thị trường ước tính hơn 60 tỷ USD.

Là một công ty có tên tuổi trong ngành bán dẫn toàn cầu, thương vụ IPO của Arm có thể thúc đẩy các công ty công nghệ khác “lên sàn.”

Arm chưa tiết lộ thông tin chi tiết về mức giá và số lượng cổ phiếu được chào bán trong đơn đăng ký.

Theo đơn đăng ký, khoảng 70% dân số thế giới đang sử dụng các sản phẩm có chip do Arm thiết kế.

Có trụ sở tại Cambridge, công ty thiết kế chip của Anh này ghi nhận tổng doanh thu đạt 2,68 tỷ USD trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3, giảm khoảng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi tăng 33% trong tài khóa trước đó.

Trong đơn đăng ký, Arm đã đề cập đến những rủi ro đối với hoạt động của công ty sau khi IPO.

Việc doanh thu của Arm tập trung ở thị trường Trung Quốc khiến cho công ty thiết kế chip này "đặc biệt dễ bị ảnh hưởng” trước những nguy cơ kinh tế và chính trị tác động đến Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Arm phụ thuộc vào quan hệ thương mại với Arm China, liên doanh của Arm ở Trung Quốc, để tiếp cận thị trường nước này. Đây là cách tiếp cận không ổn định. Khách hàng lớn nhất của Arm là Arm China chiếm gần 24% tổng doanh thu của công ty này trong tài khóa vừa kết thúc vào tháng Ba năm nay.

Ngoài ra, Arm cho biết một lượng lớn doanh thu của công ty này đến từ một số ít các khách hàng chủ chốt. Điều này sẽ khiến Arm chịu nhiều rủi ro hơn so với khi tệp khách hàng được đa dạng hóa.

Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã mua lại Arm với giá 24 tỷ bảng Anh (30,6 tỷ USD với tỷ giá hiện tại) vào năm 2016, và giá trị của công ty này ước tính đã tăng gấp đôi kể từ đó.

SoftBank Group đã từng sở hữu 75% cổ phiếu của Arm, phần còn lại thuộc quỹ SoftBank Vision Fund, một quỹ chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ trên toàn thế giới.

SoftBank Group sau đó đã mua lại 25% cổ phần của Arm do SoftBank Vision Fund nắm giữ với giá 16,1 tỷ USD và hiện đang nắm quyền sở hữu hoàn toàn đối với công ty này.

Khi Arm được niêm yết, các “ông lớn” công nghệ như Apple, Samsung Electronics, Nvidia và Intel được dự đoán sẽ nắm giữ cổ phần của công ty này với tư cách là những nhà đầu tư dài hạn.

Arm là một phần quan trọng trong danh mục đầu tư của SoftBank.

Trước đó, tập đoàn Nhật Bản này đã đồng ý bán Arm cho Nvidia với giá 40 tỷ USD vào năm 2020, nhưng thương vụ này đã thất bại do bị các cơ quan quản lý phản đối. Kể từ đó, SoftBank đã hướng Arm trở thành một công ty đại chúng./.

Tác giả: Khánh Ly

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến