Dòng sự kiện:
Thương vụ nghìn tỷ ở Kiên Giang của người kế nghiệp Tân Á Đại Thành
11/05/2021 12:00:16
Mua lại HUD Kiên Giang sẽ giúp Tân Á Đại Thành mở rộng quỹ đất, đặc biệt ở đảo ngọc Phú Quốc, đồng thời lấn sân sang lĩnh vực khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, gồm đá và xi măng.

Doanh nhân Nguyễn Duy Chính, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành. Ảnh: Báo Đầu tư.

Cách đây 3 thập kỷ, khi kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang còn ở thời kỳ sơ khai, bà Nguyễn Thị Mai Phương đã có quyết định táo bạo, là thành lập Công ty Sản xuất và Thương mại Tân Á (tiền thân của Tập đoàn Tân Á Đại Thành). Giai đoạn 1993-1996, bà chủ trương nhập khẩu hệ thống máy móc thiết bị và chính thức đặt nền móng để Tân Á Đại Thành bước chân vào lĩnh vực sản xuất bồn nước inox.

Để rồi, cho đến hiện tại, Tân Á Đại Thành là thương hiệu số 1 trong ngành, sở hữu hệ thống 19 công ty thành viên, 15 nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam và Lào.

Bên cạnh lĩnh vực truyền thống, cũng như phần đa các tập đoàn tư nhân khác, Tân Á Đại Thành không giấu diếm tham vọng lấn sân sang mảng bất động sản, với việc M&A, mở rộng quỹ đất trên quy mô toàn quốc, đồng thời thành lập CTCP Bất động sản Tập đoàn Tân Á Đại Thành cùng thương hiệu chính thức MeyLand.

Công ty này được thành lập vào ngày 3/4/2019, vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Theo giới thiệu, Tân Á Đại Thành hiện sở hữu quỹ đất hơn 1.000 ha với 27 dự án tại Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc, Nghệ An, Bình Thuận, Long An và mở rộng ra nhiều tỉnh thành phố khác, đặc biệt là Kiên Giang – một thị trường đang nóng lên trong vài năm trở lại đây.

Tháng 12/2020, Tân Á Đại Thành đã chi 1.185 tỷ đồng và vượt qua nhiều đối thủ lớn để trúng đấu giá 98,16% cổ phần CTCP đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (viết tắt HUDKG).

Là cựu thành viên của Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), HUDKG là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Kiên Giang trong các lĩnh vực phát triển bất động sản, xây dựng dân dụng và công nghiệp, vật liệu xây dựng và cơ khí, với doanh thu hàng năm luôn duy trì quanh 2.000 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 2.384 tỷ đồng. Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của công ty là 1.233 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 663,2 tỷ đồng.

HUDKG là chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Bãi Chén có diện tích gần 42.000 m2, và đáng kể hơn cả là dự án Khu dân cư, đô thị mới Suối Lớn có diện tích 90,17 ha ở Phú Quốc.

Ngoài "đất vàng", thương vụ M&A HUDKG còn giúp Tân Á Đại Thành mở rộng sang mảng khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, và cả cơ khí.

Cụ thể, HUDKG là công ty mẹ của 2 doanh nghiệp xi măng là CTCP Xi măng Hà Tiên Kiên Giang và CTCP Xi măng Kiên Giang, một doanh nghiệp khai thác đá là CTCP Sản xuất VLXD Kiên Giang cùng CTCP Cơ khí Kiên Giang.

Sau khi nắm quyền sở hữu, CEO Tân Á Đại Thành Nguyễn Duy Chính đã được bổ nhiệm làm Phó TGĐ HUDKG và được bầu làm Chủ tịch HĐQT của cả 4 doanh nghiệp thành viên nêu trên.

Ông Chính sinh năm 1985, là con trưởng nam của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Mai Phương - Chủ tịch Tân Á Đại Thành. Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Anh, ông về đầu quân cho Tập đoàn. Trải qua 4 năm công tác tại nhiều vị trí khác nhau, vào tháng 1/2015, doanh nhân tuổi Giáp Tý, ở độ tuổi 32 được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành.

Ngoài việc đảm nhiệm vị trí chủ chốt để chuẩn bị cho quá trình chuyển giao quyền lực tại Tân Á Đại Thành, ông Nguyễn Duy Chính còn là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội lần thứ V (nhiệm kỳ 2018 - 2023), Ủy viên ban Chấp hành phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Đặc biệt, mới đây nhất, CEO Tân Á Đại Thành đã được các cử tri nơi cư trú tín nhiệm 100% giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Tác giả: Khánh An

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến