Dòng sự kiện:
Thương vụ “vô tiền” của Vietcombank: 215 tỷ và hơn thế nữa…
11/05/2015 11:41:16
ANTT.VN – Với việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng thêm 1% và giao kết đầu tư 1 tỷ USD Trái phiếu Chính phủ với Bộ Tài chính đã được thực hiện trước đó không lâu, Vietcombank (HSX: VCB) nghiễm nhiên “thắng đậm” 215 tỷ đồng doanh thu tài chính, nhưng đó mới chỉ là một cái “lợi” dễ thấy trong nhiều cái “lợi” khó thấy hơn mà VCB đã gặt hái sau thương vụ.

Tin liên quan

Vietcombank đã "thắng lớn" trong thương vụ tỷ đô với Bộ Tài chính

“Thắng đậm” 215 tỷ đồng trong vài ngày ngắn ngủi

Thứ Ba, ngày 05/05/2015, báo chí đồng loạt loan tin Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đầu tư 1 tỷ USD Trái phiếu Chính phủ (TPCP) với lãi suất quanh mức 4,8%/năm và kỳ hạn 5 – 10 năm – một giao dịch chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam về cả quy mô và hình thức vốn, bởi, đây là lần đầu tiên Chính phủ phát hành riêng lẻ trái phiếu bằng ngoại tệ cho một nhà băng nội địa và khối lượng lại đặc biệt lớn đến vậy.

Chưa xét đến mục đích sử dụng (chưa có thông tin chính thức từ phía Chính phủ xem lượng vốn huy động trong thương vụ trên được dùng vào việc gì), việc Bộ Tài chính huy động một lượng USD lớn từ một tổ chức trong nước, tất nhiên sẽ làm dấy lên những e ngại về nguồn cung USD trên thị trường. Yếu tố cộng hưởng này vô hình chung làm cho câu chuyện tỷ giá vốn đã nóng lại càng thêm nóng.

Chưa đầy 2 ngày sau khi những tin tức về thương vụ được hé lộ, sáng thứ Năm 07/05/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bất ngờ thông báo điều chỉnh tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng thêm 1%, từ mức 21.458 VND/USD lên thành 21.673 VND/USD.

Làm một phép toán thuần túy, với 1 tỷ USD đem ra đầu tư trái phiếu ngay trước thời điểm đồng đô tăng giá, chỉ trong ít ngày ngắn ngủi, Viecombank đã “đại thắng” tới 215 tỷ đồng doanh thu tài chính (kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ của doanh nghiệp được quy đổi ra đồng nội tệ). Chỉ cần NHNN quyết định sớm lên vài ngày, hay giao kết giữa Vietcombank và Bộ Tài chính chậm đi vài ngày, mọi sự ắt hẳn đã khác.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là một cái “lợi” dễ thấy trong nhiều những cái “lợi” khó thấy hơn đối với Vietcombank sau thương vụ.

Lợi thế và lợi ích

Trước tiên, đối với bản thân nhà băng, việc gia tăng đầu tư TPCP là tương đối phù hợp với định hướng tối ưu hóa sử dụng vốn để cải thiện hệ số NIM (Net interest margin – tỷ lệ thu nhập lãi cận biên, được tính theo công thức: NIM = (Thu nhập cho vay và đầu tư CK - Chi trả lãi tiền gửi và nợ khác)/ Tổng tài sản có sinh lời bình quân).

Xét về nội lực, Vietcombank cũng hoàn toàn có đủ điều kiện và khả năng để thực hiện khoản đầu tư chưa có tiền lệ nêu trên. Cụ thể, theo Báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn luôn được duy trì ở một mức khá thấp khi chỉ đạt 71%; cùng với đó tỷ lệ đầu tư TPCP/tổng vốn ngắn hạn của ngân hàng cũng mới chỉ dao động trong khoảng từ 11,5% (số liệu của VCSC) - 13% (số liệu của VCBS), thấp hơn đáng kể so với mức trần 15% áp dụng cho các NHTM Nhà nước theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN; và đặc biệt, xét trên thị trường, Vietcombank luôn nổi trội về một nguồn lực ngoại tệ dồi dào.

Giá trị quy đổi sang VND các nguồn huy động bằng USD trong các ngân hàng dẫn đầu cuối năm 2014. (Đơn vị: Tỷ VND)

Hết năm năm 2014, huy động tiền gửi khách hàng bằng USD của Vietcombank đạt mức 4,06 tỷ USD, thậm chí đã cao hơn cả Vietinbank (1,34 tỷ USD) và BIDV (1,48 tỷ USD) cộng lại. Tính riêng trong năm ngoái, tổng huy động bằng USD từ hai nguồn (liên ngân hàng và tiền gửi) của cả Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều đạt khoảng 1 tỷ USD nhưng trong khi, VCB đạt được điều này phần lớn nhở tiền gửi khách hàng thì CTG và BID lại đạt được hoàn toàn từ tiền gửi liên ngân hàng, vốn chịu nhiều biến động hơn. Còn so với các ngân hàng còn lại trong top 10 ngân hàng dẫn đầu (không bao gồm Agribank và SCB), con số huy động bằng USD của Vietcombank cũng luôn cao hơn nhiều lần.

Theo Báo cáo tài chính, tỷ lệ LDR USD của VCB cũng chỉ mới chạm ngưỡng 70,6% vào năm 2014, thêm nữa, theo ước tính, ngân hàng còn có khoản thanh toán bằng đồng USD quy đổi giá trị khoảng 30.032 tỷ đồng từ Kho bạc Nhà nước. Khả năng thu xếp nguồn USD của VCB cũng không gặp nhiều trở ngại khi trong các tháng đầu năm, một số khoản vay USD lớn cho lĩnh vực dầu khí, xăng dầu đáo hạn giúp trạng thái ngoại tệ trở nên dồi dào hơn và ngân hàng có thể vay vốn từ các định chế tài chính quốc tế (như đối tác chiến lược Mizuho) cho mục đích đầu tư của mình.

Thông tin hé lộ trên báo chí cho thấy TPCP mà VCB đã mua có kỳ hạn từ 5 – 10 năm, tuy nhiên, căn cứ vào mức lãi suất quanh 4,8%, tương đương với đợt phát hành TPCP 10 năm trị giá 1 tỷ USD trên thị trường quốc tế vào cuối năm 2014, rất có thể toàn bộ số TPCP trong thương vụ “vô tiền” nêu trên sẽ đều có kỳ hạn 10 năm.

Nhiều khả năng toàn bộ số TPCP trong thương vụ tỷ USD của Vietcombank đều có kỳ hạn 10 năm

Mức lãi suất vẫn không được công bố chính thức và chi tiết, do đó vẫn còn tồn tại câu hỏi liệu lãi suất 4,8% sẽ được áp dụng cho toàn bộ thời hạn trái phiếu hay sẽ có những điều chỉnh nhất định tùy theo cấu trúc sản phẩm trái phiếu. Tuy nhiên, có thể nhận định, trong năm đầu tiên mức lãi suất sẽ được cố định ở 4,8%.

Nếu hiểu VCB mua số TPCP với giá mua bằng mệnh giá, lợi suất sẽ trùng với lãi suất trái phiếu. Với chi phí vốn bằng đồng USD thấp hơn nhiều so với VND mức lợi suất 4,8 % của trái phiếu USD có thể mang lại nguồn thu nhập lớn hơn so với việc đầu tư vào trái phiếu nội tệ 10 năm với lợi suất hiện tại khoảng 6,68% và như vậy thương vụ có thể khiển NIM của VCB sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ 2 điểm phần trăm.

Theo ước tính, chi phí tín dụng chung của VCB hiện rơi vào khoảng 0,63%. Các khách hàng vay tiền bằng USD có khả năng sẽ mất chi phí tín dụng trung bình thấp hơn so với các khách hàng vay tiền bằng VND. Đồng thời, cũng nên lưu ý rằng việc cho vay với lãi suất 4,8% theo phương thức “phi rủi ro” như vậy có lợi so với chi phí tổng giải ngân thông qua những chuyên viên quan hệ khách hàng doanh nghiệp và chi phí tín dụng phát sinh từ nguồn này. Với việc chi phí huy động bằng USD trung bình rơi vào khoảng 0,75%/năm và lợi suất tín dụng bằng USD trung bình là 4,8%/năm thì rõ ràng là hoạt động cho vay bằng USD có khả năng sinh lời cao hơn cho vay bằng VND.

Bên cạnh, giao dịch mua TPCP lần này nhiều khả năng cũng sẽ giới hạn lại những thương vụ mua trái phiếu của VCB từ nay đến cuối năm khi tỷ lệ đầu tư TPCP/tổng vốn ngắn hạn đã áp trần quy định 15% của NHNN.

Ninh Giang

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến