Thương xá Tax được bảo tồn thế nào?
27/12/2014 11:57:27
ANTT.VN – Chánh văn phòng UBND Tp.HCM - ông Võ Văn Luận cho biết thành phố đã thống nhất phương án bảo tồn Thương xá Tax theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Văn hóa – Thể thao Tp.HCM.

Tin liên quan

Theo báo Thanh Niên, tại cuộc họp báo thường kỳ cuối năm 2014 ông Võ Văn Luận  Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của UBND Tp.HCM nhận định: UBND thành phố nhìn nhận giá trị của Thương xá Tax không đơn thuần là giá trị công trình mà chính là địa điểm tích tụ và di truyền ký ức lịch sử văn hóa đời sống đô thị cho bao thế hệ dân cư đô thị nối tiếp nhau cho đến tận bây giờ.

Mỗi lần thay đổi diện mạo, chức năng đều gắn liền với từng giai đoạn đổi mới đô thị, gắn liền với sinh hoạt của người dân tại khu vực.

Thương xá Tax tọa lạc ngay góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi, quận 1, TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu (báo Thanh Niên)

Về nội dung hạng mục, giải pháp bảo tồn Thương xá Tax UBND thành phố thống nhất để nhà đầu tư đưa vào nghiên cứu ngay trong quá trình lập phương án thiết kế.

Cụ thể, các hạng mục cần bảo tồn: Phần bên trong công trình có không gian sảnh chính, cầu thang chính đi từ tầng trệt lên lầu một, các phần trang trí lót gạch mosaic trong không gian sảnh và cầu thang, các chi tiết trang trí, tay vịn, lan can... Phần bên ngoài bảo tồn mái che nắng dọc vỉa hè; các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ…

Về giải pháp bảo tồn, đề xuất theo hướng giữ lại các hạng mục cần bảo tồn và tích hợp vào công trình mới tại vị trí phù hợp. Phục chế, bổ sung, các chi tiết bị hỏng, thiếu ở phần bên trong công trình.

Theo báo điện tử Chính phủ, trả lời báo giới về việc liên quan đến phương án tổ chức thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe gắn máy tại Tp.HCM, ông Võ Văn Luận cho biết, chủ trương chung là sẽ giao cho UBND các quận, huyện tổ chức vận động người dân sinh sống trên địa bàn nộp phí; toàn bộ phí thu được sẽ không chuyển về ngân sách thành phố mà được lưu lại tại địa phương để tái đầu tư nâng cấp, bảo trì và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ người dân.

Phương án tổ chức thu phí là sẽ kết hợp với việc nộp thuế tại địa bàn các quận, huyện. Tp.HCM sẽ không thành lập lực lượng riêng để triển khai thực hiện công tác này nhằm giảm thiểu gánh nặng ngân sách.

Ngoại trừ xe đạp điện, xe máy điện thì tất cả các phương tiện xe gắn máy thuộc thẩm quyền quản lý của TP, cả những phương tiện ở các tỉnh chưa nộp phí đường bộ thì đều phải nộp phí tại Tp.HCM. Mức thu cụ thể là: 50.000 đồng/xe/năm đối với các loại phương tiện có dung tích đến 100 phân khối; 100.000 đồng/xe/năm với những xe từ 100 - 175 phân khối; và 150.000 đồng/xe/năm với phương tiện trên 175 phân khối.

Hiện đề án thu phí sử dụng đường bộ đối với phương tiện xe gắn máy đã được UBND Tp.HCM trình HĐND Thành phố và sẽ được xem xét thông qua vào ngày 30/12 sắp tới. Theo kế hoạch (nếu được HĐND Thành phố chấp thuận), Tp.HCM sẽ tổ chức thu phí đường bộ đối với phương tiện xe gắn máy từ ngày 1/1/2015.

Thiên Di (th)
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến