Dòng sự kiện:
Thủy điện Hồi Xuân cầu cứu Chính phủ vì nợ nần và cạn vốn
18/12/2020 18:24:16
Là một dự án thủy điện trọng điểm của quốc gia, nhưng đã 13 năm kể từ ngày khởi công, dự án Thủy điện Hồi Xuân vẫn đang đắp chiếu, chưa thể vận hành.

Thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) có công suất 102MW, là công trình thủy điện lớn thuộc quy hoạch điện lực quốc gia. Dự án được triển khai đầu tư từ năm 2007, do Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) làm chủ đầu tư. Song, dự án phải ngừng thi công do thiếu vốn. 

Tháng 6/2014, Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính của Công ty Cổ phần xây dựng điện (VNCO) Hồi Xuân nắm giữ 91% cổ phần chi phối.

Dự án Thủy điện Hồi Xuân tại huyện Quan Hóa, Thanh Hóa

Để có vốn tiếp tục thực hiện dự án, chủ đầu tư đã được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, dự án được thi công trở lại năm 2017. Tuy nhiên, vì vẫn thiếu vốn, chủ đầu tư đã dừng thi công từ đầu năm 2019 đến nay.

Việc dự án liên tục chậm tiến độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh của người dân địa phương và gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. 

Theo báo cáo của VNCO Hồi Xuân, dự án đã thực hiện được khoảng 93% khối lượng công trình với giá trị thực hiện ước đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng. Dự án còn thiếu 280 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, xây dựng các hạng mục và đi vào vận hành nhà máy. 

Năm 2010 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá bán điện trung bình năm là 657 đồng/kWh. Do dự án thi công kéo dài, điều chỉnh thiết kế và điều kiện thủy văn khiến điện lượng giảm xuống, cùng với yếu tố trượt giá nên tổng mức đầu tư dự án tăng lên (khoảng 1.169 tỷ đồng).

Ngoài khoản vay 125 triệu USD từ ngân hàng của Mỹ, để dự án hoàn thiện, doanh nghiệp phải vay thêm vốn từ các tổ chức tín dụng. Song để vay được, điều kiện là phải có phương án giá điện chính ký với EVN để chứng minh tính hiệu quả tài chính, khả năng trả nợ của dự án. Tuy nhiên, với giá điện đã ký năm 2010 thì dự án không đảm bảo khả năng thu hồi vốn.

Dự án chậm tiến độ đã 13 năm

Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Thái Minh Dương, Giám đốc VNCO Hồi Xuân cho rằng: "Hiện chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để trả nợ các chi phí và lãi suất của các khoản vay cũng như thực hiện các nghĩa vụ với người dân và chính quyền địa phương. Các khó khăn mà dự án gặp phải là rất nghiêm trọng và cấp bách". 

Vì vậy, công ty kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, chấp thuận cho phép giãn tiến độ thực hiện hoàn thành dự án đến hết quý I/2021.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Công thương ban hành văn bản hướng dẫn cho phép EVN và công ty Hồi Xuân được thỏa thuận, ký hết hợp đồng mua bán điện theo phương án giá điện mà EVN và chủ đầu tư đã tính toán đủ trong 10 năm trả nợ, đó là “giá điện hàng năm trong 10 năm đầu tiên không vượt quá 1,7 lần giá điện bình quân đã được phê duyệt".

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 8/10/2020, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nêu: Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho dự án thủy điện Hồi Xuân đi vào vận hành phát điện từ tháng 7/2021 và có nguồn thu trả nợ khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép bộ này được ban hành văn bản hướng dẫn EVN và VNCO Hồi Xuân được phép thỏa thuận giá điện hàng năm trong 10 năm đầu tiên không vượt quá 1,7 lần giá điện bình quân đã được phê duyệt.

Trả lời Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản ngày 23/10 theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với nội dung: Bộ Công thương chịu trách nhiệm xem xét, quyết định về giá điện của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1810 ngày 7/7/2020.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công thương đã có văn bản ngày 10/11 đề nghị EVN và VNCO Hồi Xuân thực hiện đàm phán thỏa thuận giá điện từng năm của dự án với điền kiện bảo đảm giá cố định bình quân không thay đổi và tuân thủ theo các nguyên tắc: Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán giá từng năm do 2 bên thỏa thuận; Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các khoản nợ vay cho đầu tư xây dựng nhà máy theo thời hạn hoàn trả vốn vay.

Nếu việc thỏa thuận giá điện với EVN hoàn tất và vay được vốn để tiếp tục thực hiện dự án, dự kiến Nhà máyThủy điện Hồi Xuân sẽ phát điện vào tháng 7/2021.

 Lương Diễn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến