Thủy sản Việt An: Cá tra chờ 'lên thớt'
21/01/2015 14:15:18
ANTT.VN – Kết thúc 2014, Công ty CP Thủy sản Việt An bất ngờ báo lỗ khủng 892,62 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ mới chạm đến con số 433,38 tỷ đồng. Theo quy định trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc, nếu Báo cáo Kiểm toán 2014 của Việt An không có gì thay đổi, “án tử” cho mã AVF là điều khó tránh khỏi.

Tin liên quan

 

Ngay từ những quý đầu năm 2014, tình hình kinh doanh thủy sản của Việt An đã có những dấu hiệu đầy trở ngại. Kết quả kinh doanh lỗ liên tục từ quý I lỗ 7 tỷ đồng, quý II lỗ 30 tỷ đồng, quý III/2014 lỗ 45,3 tỷ đồng . Và đỉnh điểm là đến quý IV/2014, doanh nghiệp đã từng nằm trong top 10 các Đại gia ngành thủy sản  này lại báo lỗ 735,7 tỷ đồng.

Xem xét kỹ các báo cáo của doanh nghiệp này đưa ra, doanh thu của Việt An chủ yếu thu được từ khoản chế biến, xuất khẩu cá tra fillet nhưng chỉ có 3 tháng đầu năm, mặt hàng này của AVF mới xuất được số hàng trị giá 46 tỷ đồng, sang đến quý II chỉ còn 3 tỷ đồng và không xuất khẩu thêm đơn hàng nào cả nửa sau năm 2014.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp nhiều khó khăn

Chính sự suy giảm doanh số xuất khẩu mặt hàng chính fillet cá tra  giảm mạnh so với năm 2013 là nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ liên tục của AVF trong năm nay. Doanh thu thuần cả năm 2014 giảm gần 10 lần từ 1.510 tỷ đồng năm 2013 xuống 155 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Việt An không có cách nào kiểm soát, tiết kiệm chi phí phát sinh trong năm, thậm chí còn tăng cao. Điển hình như chi phí quản lý doanh nghiệp của AVF bị đội lên gấp 2 lần, tăng 29,5 tỷ đồng so với năm 2013. Khoản lãi vay cũng là một gánh nặng mà doanh nghiệp này gặp phải, mỗi năm Việt An phải chi ra 100 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay 1.110 tỷ đồng ngắn hạn.  

Từ những ngày đầu thành lập, Việt An đã đi qua những thăng trầm trong ngành thủy sản. Anvifish đã đưa sản phẩm fillet cá tra, basa đi khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ và Nga. Để thâm nhập vững chắc vào các thị trường này, AVF đã liên kết thành lập các công ty Anvifish - Australia, Anvifish - Europe hình thành nên mạng phân phối rộng lớn và đa dạng với trên 100 khách hàng lớn thường xuyên - gắn bó lâu dài; đặc biệt là các khách hàng đang sở hữu hệ thống đại lý, siêu thị ở châu Âu và châu Mỹ.

Trong báo cáo kiểm toán bán niên 2014 của Công ty, Deloitte đã nhấn mạnh về “khả năng hoạt động của Công ty trong tương lai” do “ vấn đề áp thuế chống bán phá giá sản phẩm cá tra phi-lê của Công ty xuất khẩu vào Mỹ lần thứ 8,9 và 10 của Bộ thương mại Mỹ sẽ dẫn đến hoạt động sản xuất của Công ty bị đình trệ và doanh thu sụt giảm đáng kể. Theo đó, khả năng tạo ra dòng tiền và thanh toán công nợ của Công ty sẽ bị ảnh hưởng”.

Gánh nặng tài chính dưới sự điều hành của HĐQT mà đứng đầu là ông Lưu Bách Thảo (đã miễn nhiệm từ ngày 30/6/2014) chuyển sang cho vị đương kim Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng thì tình hình càng trở nên trầm trọng.

Bảng thống kê giao dịch mã AVF 3 tháng qua

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (lỗ lũy kế) tại ngày 31/12/2014 là – 892,618 tỷ đồng vượt quá vốn điều lệ thực góp là 279,6 tỷ đồng căn cứ trên Báo cáo tài chính 2013 đã được kiểm toán của Công ty CP Thủy sản Việt An, đến hết năm 2014 mới có 433,38 tỷ đồng.  Theo Điểm đ Khoản 1 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/07/2012, nếu như báo cáo tài chính 2014 được kiểm toán của AVF không có gì thay đổi thì mã chứng khoán này thuộc diện chứng khoán bị hủy niêm yết.

Trước đó, theo quyết định số 377/QĐ-SGDHCM ngày 30/9/2014 của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Mình về việc đưa cổ phiếu AVF và diện kiểm soát đặc biệt từ ngày 7/10/2014, Ban lãnh đạo Công ty CP Thủy sản Việt An giải thích: ‘Tình hình nhân sự trong HĐQT và Ban Tổng Giám đốc có sự thay đổi lớn, Công ty đang sắp xếp để đi vào ổn định. Ngoài ra, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty từ đầu năm đến nay gặp khó khăn”.

Hoa Liên

 
Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến