Dòng sự kiện:
Thủy sản Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ chiến sự tại Ukraine
08/03/2022 09:02:11
Nhiều hãng vận tải biển từ chối đơn hàng, nhu cầu thế giới tăng cao là các nguyên nhân khiến thủy sản Việt Nam gặp khó khi xuất khẩu sang thị trường Nga.

Xuất khẩu cá tra từ chối thị trường Nga

Năm 2021, Nga là thị trường đầy tiềm năng cho xuất khẩu cá tra Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, tình hình chiến sự và các lệnh cấm quốc tế đang khiến cho hoạt động xuất khẩu vào thị trường này gần như tê liệt.

Bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thị Vân Loan, Chủ tịch HĐQT công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang cho biết, nhiều đối tác phía Nga vẫn có nhu cầu nhập khẩu nhưng đơn vị đang tạm ngưng kí các đơn hàng cá tra xuất khẩu vào thị trường này.

“Đồng ruble Nga hiện đang mất giá mạnh, giảm gần 30% giá trị so với đồng USD khiến cho nhiều đối tác tìm mọi cách để kéo dài hoặc không muốn thanh toán. Hơn nữa, nhiều hãng vận tải biển cũng từ chối đơn hàng xuất khẩu vào thị trường này do lo ngại các lệnh cấm vận quốc tế. Đó là các nguyên nhân chính khiến chúng tôi tạm ngừng xuất khẩu cá tra vào Nga”.

Theo bà Loan, nhiều thị trường lớn khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra với số lượng lớn nhưng cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang khan hiếm khiến cho mức giá tăng cao, chạm mức 32.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp gặp khó trong việc thu mua dẫn đến không đủ nguyên liệu cho sản xuất, chế biến.

“Nhiều cơ hội xuất khẩu như vậy, đương nhiên doanh nghiệp sẽ không thể ưu tiên cho một thị trường đang bất ổn vì tình hình chiến sự căng thẳng”.

Tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Nga đạt 2,18 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2021, Việt Nam chiếm vị trí độc tôn cung cấp cá tra đông lạnh và là một trong 3 nước cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất vào Nga, chỉ sau Argentina và Trung Quốc.

Cá ngừ Việt Nam gặp khó khi giá nguyên liệu tăng cao

Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP cho biết, cả Nga và Ukraine đều là các nhà cung cấp dầu thực vật quan trọng của thế giới, năm 2021, Ukraine đã xuất khẩu khoảng 5,27 triệu tấn dầu hướng dương.

“Dầu hướng dương là một phụ phẩm quan trọng trong việc sản xuất và chế biến sản phẩm cá ngừ đóng hộp. Chiến sự giữa Nga và Ukraine đã đẩy loại dầu này lên mức giá cao chưa từng có từ trước tới nay”.

Nếu xung đột giữa hai nước tiếp tục leo thang sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến ngành sản xuất, chế biến cá ngừ, trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nga đã tăng 39 lần trong vòng 10 năm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 12/2021, Nga và Ukraine là hai thị trường lần lượt giữ vị trí 13 và 19 trong số 20 nước nhập khẩu nhiều nhất của cá ngừ Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ Việt Nam vào Nga đã tăng hơn 39 lần trong vòng 10 năm qua. Nếu năm 2012 giá trị xuất khẩu mới chỉ đạt 364 nghìn USD thì đến năm 2021, con số này đã nhảy vọt, ước đạt 14 triệu USD.

Trị giá xuất khẩu cá ngừ sang Nga năm 2021 chiếm 2% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của cả nước, tăng 58% so với năm 2020 và cao hơn cả so với năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Riêng tháng 1/2022, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng 427% so với cùng kỳ.

Ukraine là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 19 của Việt Nam, trị giá xuất khẩu cá ngừ đã tăng gấp 58 lần trong 10 năm, từ mức 115 nghìn USD năm 2012 lên 6,8 triệu USD năm 2021, tăng 106% so với năm 2020 và tăng gấp 3 lần so với năm 2019, chiếm tỷ trọng 1% tổng trị giá xuất khẩu cá ngừ của cả nước.

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến