Dòng sự kiện:
Tích cực khai thác nguồn vốn ngoại
24/10/2018 12:00:50
Tính đến thời điểm này hàng loạt các ngân hàng như: SHB, OCB, VPBank, VIB, ABBank, TPBank, VietinBank… đều đã thành công trong các hợp đồng vay hợp vốn và nhận các khoản tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế.

Mới đây NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã nhận được 2 khoản vay từ 2 định chế tài chính lớn ở nước ngoài là khoản vay 20 triệu USD kỳ hạn 5 năm từ IIB (Ngân hàng Đầu tư Quốc tế - Nga) và 20 triệu EUR theo hợp đồng tín dụng khung với IBEC (Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế - Nga).


SHB cho biết, thỏa thuận vay vốn với IIB sẽ giúp ngân hàng có thêm nguồn vốn trung và dài hạn tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam, dự án liên quan đến DNNVV, năng lượng xanh… Trong khi đó, nguồn vốn từ IBEC được sử dụng để thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các nước thành viên của IBEC, hoạt động ngoại hối, huy động vốn…

Trước đó, hồi tháng 8, LienVietPostBank cũng đã nhận khoản vay 50 triệu USD từ JPMorgan Chase, kỳ hạn 3 năm nhằm giúp LienVietPostBank bổ sung nguồn ngoại tệ trung dài hạn, cải thiện cơ cấu huy động và đáp ứng một phần nhu cầu vay ngoại tệ của các DN trong nước. Hay như hồi tháng 4, ABBank vừa ký hợp đồng vay 40 triệu USD của hai đối tác DEG và Norfund nhằm mở rộng các dịch vụ cho vay DNNVV, đặc biệt ưu tiên các công ty do nữ làm chủ.

Trong năm 2017 nhiều ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm nguồn vốn dài hạn thông qua cách này. Chẳng hạn VPBank vay 100 triệu USD từ Deutsche Bank cho FE Credit, nhận 122 triệu USD từ IFC, 41 triệu USD từ Credit Suisse. Hay ABBank nhận khoản vay hợp vốn 150 triệu USD từ IFC cuối năm 2017.

Tính đến thời điểm này hàng loạt các ngân hàng như: SHB, OCB, VPBank, VIB, ABBank, TPBank, VietinBank, LienVietPostBank… đều đã thành công trong các hợp đồng vay hợp vốn và nhận các khoản tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế.

Không phải bây giờ mà những năm gần đây, các ngân hàng trong nước đã rất tích cực khai thác nguồn vốn từ các định chế tài chính quốc tế. Hoạt động này càng được đẩy mạnh kể từ khi lãi suất huy động đồng USD tại thị trường trong nước được đưa về còn 0% để chống đôla hóa, khiến nguồn tiền gửi ngoại tệ sụt giảm mạnh. Đến thời điểm này, khi tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn chuẩn bị được NHNN giảm xuống mức 40% (từ đầu 2019), thì hoạt động tìm kiếm vốn ngoại càng tăng lên và trở thành xu hướng phổ biến.

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc vay vốn ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài một mặt giúp các NHTM đẩy mạnh được hoạt động kinh doanh, đáp ứng được nhu cầu vay mượn ngoại tệ trong nước. Khi có được các nguồn vốn vay ngoại tệ từ các định chế tài chính quốc tế, các ngân hàng có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu ngoại tệ của khách hàng là các DN xuất - nhập khẩu. Từ đó, giữ chân nhóm khách này và thực hiện bán chéo thêm các sản phẩm khác. Chưa kể rằng, nếu chuyển ngoại tệ thành tiền đồng thì có thể cho vay trung dài hạn với mức lãi suất trung bình 10,5-11%/năm. Khi đó, biên độ lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất sẽ được kéo giãn.

Mặt khác, ở góc độ vĩ mô, các chuyên gia tài chính nhận định, việc liên tiếp các NHTMCP như: HDBank, VPBank, TPBank, VIB… thành công trong việc vay mượn vốn ngoại dài hạn cho thấy uy tín của hệ thống ngân hàng Việt đã được nâng lên đáng kể sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc.

Quả vậy, thời gian gần đây, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như Moody’s, Fitch Ratings liên tục nâng hạng tín nhiệm cũng như có những đánh giá hết sức tích cực về chất lượng tài sản, về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng nội. Đó là cơ sở để các ngân hàng trong nước nâng cao vị thế, uy tín trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế, từ đó khi thông dòng vốn ngoại để đầu tư trở lại vào cộng đồng DN, vào nền kinh tế. Đây là một nguồn lực vô cùng quý giá đối với một quốc gia đang phát triển cần rất nhiều vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn như Việt Nam.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến