Cửa để huy động vốn ngoại hiện nay rất lớn, nhất là với doanh nghiệp niêm yết.
Vốn ngoại rộng cửa
“Hiện nay, điều kiện của các ngân hàng thương mại nói chung về huy động vốn vay trong nước cho các dự án năng lượng tái tạo không hề đơn giản.
Doanh nghiệp ngoài việc phải có vốn đối ứng tương xứng, còn phải đáp ứng các quy định khác, trong đó có yêu cầu về việc có kinh nghiệm làm dự án năng lượng trước đó.
Mức lãi vay cũng khá cao. Rào cản này chính là lợi thế giúp công ty có thể tăng khả năng cạnh tranh, vì năng lực tài chính và kinh nghiệm triển khai của công ty đều tốt.
Tuy nhiên, công ty cũng đang làm việc với đối tác nước ngoài, mức lãi vay bằng EUR cho dự án điện gió có thể chỉ còn 0,25%/năm, tính cả phí các loại cũng ở mức dưới 2,5%/năm”, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG) chia sẻ tại buổi gặp các chuyên gia phân tích do Công ty vừa tổ chức.
Con đường mà Hà Đô đi cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp khác đang theo đuổi. Không phải ngẫu nhiên mà không ít doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán thời gian qua lựa chọn cách phát hành trái phiếu quốc tế, thay vì huy động vốn vay trong nước.
Thực tế hiện nay, có một số nhóm nhà đầu tư ngoại đang tích cực mời chào doanh nghiệp nội vay vốn. Trong đó, đáng chú ý là một nhóm nhà đầu tư ngoại thông qua đầu mối tư vấn là giám đốc một ngân hàng quốc tế, chi nhánh tại Singapore.
Ưu điểm lớn nhất của nhóm nhà đầu tư này là sẵn sàng cho doanh nghiệp Việt Nam vay, bất kể ngành nghề, hiệu quả kinh doanh ra sao, uy tín như thế nào…
Ngân sách cho vay lên tới hàng trăm triệu USD. Để được vay, điều kiện quan trọng là doanh nghiệp phải có đảm bảo bằng cổ phiếu và những ràng buộc khác. Tất nhiên, lãi suất ở mức cao.
Nhóm nhà đầu tư cho vay thứ hai, hoạt động với quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng rất tích cực, là các quỹ đầu tư. Nhóm này thường hướng đến các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt, hiệu quả kinh doanh có thể chưa cao nhưng có triển vọng, mời chào doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp.
Quy mô cho vay chủ yếu từ 10 - 50 triệu USD mỗi lần giải ngân, nhưng tổng mức sẵn sàng giải ngân cho thị trường Việt Nam lên tới cả tỷ USD.
Ngoài câu chuyện vốn vay, trái phiếu (gồm trái phiếu thường và trái phiếu chuyển đổi), dòng vốn ngoại đầu tư dưới hình thức mua cổ phần doanh nghiệp cũng đang hướng về Việt Nam.
Thống kê cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2018, có 5.275 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị 5,7 tỷ USD, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài tính đến cuối tháng 7/2018 là 34,2 tỷ USD.
Niêm yết là điểm cộng
Trong thời gian qua, một doanh nghiệp niêm yết huy động được vốn vay nước ngoài với chi phí thấp, trong khi trước đó không lâu, lãnh đạo doanh nghiệp này phải đi huy động vốn trong nước với mức lãi suất lên tới 25 - 30%/năm thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư.
Dù hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện nhiều, nhưng doanh nghiệp đã dừng được tình trạng huy động vốn lãi suất cao nhờ phát hành trái phiếu quốc tế, với mức lãi suất chỉ khoảng 5%/năm bằng đồng Việt Nam.
Việc huy động trái phiếu quốc tế đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho doanh nghiệp, giúp giảm các chi phí ngoài và doanh nghiệp có thể hoạch định chiến lược kinh doanh dài hơi hơn, dù con đường đi đến tình trạng tài chính thịnh vượng là không dễ dàng.
Hạn chế về tỷ lệ, quy mô vay nợ do lĩnh vực kinh doanh (như bất động sản) hoặc do quy mô hoạt động kinh doanh quá lớn, thiếu tài sản đảm bảo, lịch sử hoạt động có hiệu quả kinh doanh thấp, thậm chí mô hình/sản phẩm kinh doanh quá mới… là những lý do khiến các doanh nghiệp khó tìm đường huy động vốn.
Đó là chưa nói đến vấn đề mặt bằng lãi suất của Việt Nam cao hơn nhiều so với thế giới, nhất là so với EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thế nhưng, nếu niêm yết và minh bạch thông tin, quy mô kinh doanh đủ lớn và có triển vọng, doanh nghiệp sẽ luôn huy động được vốn với chi phí hợp lý.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều nhà tư vấn cho rằng, cửa để huy động vốn ngoại hiện nay rất lớn, nhất là với doanh nghiệp niêm yết, vấn đề là doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể đạt được thỏa thuận thành công.
Các yếu tố doanh nghiệp cần chuẩn bị chu đáo là hồ sơ tài chính, pháp lý đầy đủ; kế hoạch kinh doanh chi tiết, rõ ràng và khả quan; lãnh đạo doanh nghiệp am hiểu về ngành và tâm huyết với doanh nghiệp; sẵn sàng minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chuyên nghiệp trong cách hành xử với nhà đầu tư và quản trị doanh nghiệp thì càng dễ thành công.
Theo Đầu tư chứng khoán
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy