Tin liên quan
VEIL không phải là quỹ duy nhất trên thị trường cơ cấu lại danh mục để có tiền đầu tư mới. Rất nhiều các tổ chức khác cũng đang làm như vậy vì huy động vốn mới từ bên ngoài ngày càng khó, gần như không tiến triển gì.
Với số tiền cũ, các quỹ đầu tư đang xoay xở tìm kiếm lợi nhuận bằng cách quay vòng nhanh hơn. Nguồn hàng cả niêm yết và IPO, hoặc chuẩn bị IPO đang dồi dào. Đấy đa phần là các doanh nghiệp tầm cỡ, không chỉ vốn chủ sở hữu, doanh thu, lợi nhuận cao, mà họ còn chi phối lĩnh vực nhờ vị trí dẫn đầu ngành nghề. Dòng tiền trong thị trường đang nhìn vào đó, ngắm nghía, như thể những cổ phiếu mới này “à la mode”.
Câu chuyện mang tính nền tảng của chứng khoán Việt Nam hiện nay không nằm ở những gương mặt hàng hóa mới, mà chính là ở... tiền! Hàng hóa nhiều, chất lượng cao và sắp tới có thể còn tốt hơn khi những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế cổ phần hóa. Nhà đầu tư tổ chức có nhu cầu mua tỷ lệ cổ phần để nắm quyền chi phối cũng sẽ được đáp ứng. Nhà nước đã sẵn sàng thoái hết vốn ở nhiều doanh nghiệp cỡ Vinamilk, Sabeco, Habeco. Câu hỏi là tiền đâu? Nếu không thu hút được tiền vào mua dưới các hình thức khác nhau và thay đổi phương thức bán cổ phần linh hoạt, các đợt thoái vốn và IPO có thể không bán hết được khối lượng mang ra đấu giá.
Hiện tại khối ngoại đang sở hữu 20-25% giá trị chứng khoán niêm yết. Tiền của khối ngoại đang vào thời kỳ chạy vòng quanh, bán chỗ này mua chỗ kia. Chứng khoán chưa có một thay đổi căn bản nào trong những năm qua để hấp dẫn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Bây giờ thu hút tiền ngoại sẽ càng khó vì thị trường chứng khoán ở Bắc Mỹ, châu Âu tiếp tục tăng như diều gặp gió. Dòng tiền quốc tế đang chảy ngược về chính quốc. Giữ chân tiền ngoại đang ở Việt Nam không ra đi là không dễ dàng, huống hồ mời họ vào thêm.
Câu chuyện mang tính nền tảng của chứng khoán Việt Nam hiện nay không nằm ở những gương mặt hàng hóa mới, mà chính là ở... tiền!
Vì thế công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước giờ đây cần được xác định trông cậy chủ yếu vào nội lực. Làm sao để tiền nhàn rỗi không nhất nhất gửi ở ngân hàng. Chỉ cần 10% tiền gửi tiết kiệm được người dân đầu tư mua cổ phần doanh nghiệp là quá đủ để thị trường tài chính bùng nổ. Tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn đang vận hành chứng khoán theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, thì bao giờ thị trường mới phát triển được?
Nhìn vào báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, tổng số dư cho vay giao dịch ký quỹ từ 2-3 năm trở lại đây hầu như không giảm bất kể sự thay đổi của lãi suất, luôn thường trực ở mức 1 tỉ đô la Mỹ. Cần phải nhấn mạnh lãi suất cho vay margin bình quân luôn cao nhất so với tất cả các loại hình tín dụng, hiện khoảng 12-13%/năm và chưa bao giờ về dưới 10%/năm. Khoảng 1 tỉ đô la Mỹ tiền giao dịch ký quỹ này thực tế là tiền ảo và nó chi phối rất mạnh sự lên xuống của thị trường. Trong khi để có thể thu hút những nhà đầu tư mới tham gia, những người có nguồn tiền nhàn rỗi thực sự và lâu dài, chứng khoán cần ổn định.
Với tiền cũ san sẻ cho hàng hóa cổ phiếu mới, thực trạng của chứng khoán hiện tại ra sao?
Thứ nhất, sự phân hóa đang tiến đến giới hạn cuối cùng mà bất kỳ một sự đi quá thêm đáng kể nào qua ranh giới cuối cùng đó cũng có khả năng gây ra đổ vỡ. Những cổ phiếu đã có mặt trên sàn nhiều năm, thuộc dạng smallcap và midcap đã và đang bị dòng tiền bỏ qua hoàn toàn. Thị giá của chúng thấp hơn giá trị thật và giao dịch với thanh khoản thấp. Chúng gần như chìm vào trạng thái “hôn mê sâu”, niêm yết mà cũng như không. Tấm gương của chúng sẽ không khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa niêm yết, tức tìm cơ hội huy động vốn qua thị trường chứng khoán trong khi ai cũng biết rằng công ty nhỏ và vừa mới là lực lượng doanh nghiệp chủ yếu của chúng ta.
Thứ hai, do eo hẹp và luôn trong tình trạng chực chờ rút ra nhằm tránh rủi ro do biến động thất thường của thị trường, dòng tiền chỉ tập trung giao dịch một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ cần “kiểm soát” giao dịch của những cổ phiếu lớn là có thể “điều khiển” được VN-Index. Từ đó nhiều thời điểm VN-Index diễn biến sai lệch, không phản ánh chính xác toàn bộ bức tranh thị trường. Thành ra VN-Index tăng điểm đấy, mà nhiều nhà đầu tư, kể cả tổ chức, vẫn thua lỗ. Khi thua lỗ họ có thể điều chỉnh danh mục hoặc cắt lỗ để tạm đứng ngoài thị trường. Giao dịch kiểu này tất nhiên không tốt cho thị trường. Một thị trường mà ở đó nhà đầu tư buộc phải rút chân ra, liệu nó có còn hấp dẫn?
Thứ ba, thanh khoản - một trong những yếu tố tiên quyết để chứng khoán Việt được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi - đang giậm chân tại chỗ và có dấu hiệu đi xuống. Giao dịch cả khớp lệnh và thỏa thuận tại Hose vẫn chỉ xập xình quanh 100 triệu đơn vị/ngày và không ít ngày rơi về 80 triệu đơn vị/ngày. Thanh khoản trên UpCom èo uột. Thanh khoản tại Hnx không cải thiện đã từ lâu. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã không còn hứng thú để mắt đến sàn Hà Nội. Thanh khoản trên Hose quanh đi quẩn lại xoay vần ở khoảng 10-15 mã. Không quá lời khi có thời điểm nhà đầu tư phàn nàn “thị trường như hết hơi”.
Tạo tiền cho thị trường là nhiệm vụ cần được nhìn nhận thấu đáo bây giờ. Một đồng nếu được quay vòng nhanh có thể trở thành hai, ba đồng. Cơ chế tạo tiền có thể xây dựng và áp dụng, nhưng trước hết và quan trọng là nhìn ra sự cần thiết của cơ chế đó và kiên quyết thực hiện.
Nên đọc
Theo TBKTSG
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy