Dòng sự kiện:
Tiền đổ vào chứng khoán ngày càng nhiều
08/11/2021 09:34:58
Từ đầu năm tới nay, thị trường này đã thu hút hơn 1 triệu tài khoản cá nhân trong nước mở mới. Tỷ trọng giao dịch của nhóm này cũng chiếm hơn 80% giá trị giao dịch toàn thị trường.

Từ đầu năm tới nay, cá nhân trong nước mở mới hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán

Cá nhân trong nước mở mới hơn 100.000 tài khoản/tháng

Thống kê của một số công ty chứng khoán (CTCK) cho thấy, độ tuổi của người mở tài khoản ngày càng trẻ, chủ yếu dưới 30 tuổi. Theo CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), khoảng 2/3 số tài khoản chứng khoán đã mở tại công ty này do những người trẻ từ 20 đến 30 tuổi sở hữu. Ngay tại các trường đại học, đặc biệt là ở khối ngành kinh tế, nhiều câu lạc bộ chứng khoán sinh viên thu hút cả trăm bạn trẻ gia nhập.

Còn tại các quán cafe, xung quanh khu công sở, câu chuyện, bàn luận về chứng khoán xuất hiện mọi lúc. Anh Nhật Bình (nhân viên ngân hàng, Hà Nội) cho biết, hầu như đồng nghiệp của mình đều quan tâm, nói chuyện về chứng khoán hằng ngày, thậm chí còn lập, rủ nhau tham gia các nhóm “phím hàng” để nghe ngóng thông tin trên mạng xã hội. Trong các nhóm mà anh Bình nhắc đến, quản trị viên thường là môi giới chứng khoán (broker), tạo cộng đồng cho thành viên thảo luận.

Theo tính toán của CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS), khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân phiên trong năm 2021 có thể tăng gấp 2,5 lần so với năm 2020 và đạt 900 - 950 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân phiên cũng được kỳ vọng tăng khoảng 4 lần so với trung bình năm 2020 và đạt 24.000 - 25.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Mỗi broker có thể nắm trong tay vài nhóm, lên tới hàng nghìn thành viên, chia làm các mục đích khác nhau: Khách hàng mới, khách quản lý tài khoản, khách VIP. Đội nhóm liên tục được mở rộng, nhưng sẽ giải tán sau 1 thời gian nếu khách hàng mới không mở tài khoản, hoặc không đóng phí vào nhóm VIP. Bằng nhiều nguồn khác nhau, số lượng tài khoản mở mới tăng đều đặn hơn 100.000 tài khoản/tháng trong suốt 8 tháng qua. Nếu tốc độ này được duy trì, hết năm 2021, số tài khoản trên thị trường chứng khoán sẽ vượt mốc 4 triệu (hiện là 3,8 triệu tài khoản).

Thị trường sôi động với sự gia nhập của cả triệu tài khoản mới góp phần đẩy thanh khoản liên tục phá kỷ lục. 4 phiên giao dịch trong tuần qua (2, 3, 4, 5/11), tổng thanh khoản toàn thị trường chứng khoán đạt trên 132.000 tỷ đồng, trong đó phiên 3/11 xác lập kỷ lục 52.000 tỷ đồng trao tay trên thị trường. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần 5/11, VN-Index lập đỉnh 1.456,6 điểm. Cá nhân trong nước là nhóm mua ròng mạnh nhất với giá trị 3.079 tỷ đồng trên HoSE.

Hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) được đưa vào vận hành kể từ đầu tháng 7/2021 đã giúp giải tỏa “nút thắt” về thanh khoản trong giai đoạn trước đó và khiến cho thanh khoản trung bình mỗi phiên trên HOSE tăng mạnh cả về giá trị và khối lượng giao dịch kể từ thời điểm đó. Thanh khoản HoSE tháng 10 đạt 22.139 tỷ đồng tăng gần 6% về giá trị so với tháng trước.

92.000 tỷ đồng “nằm chờ” tại các CTCK

Theo số liệu từ FiinGroup, 9 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng giao dịch của cá nhân trong nước chiếm hơn 80% toàn thị trường. Sự bùng nổ thanh khoản có yếu tố hỗ trợ từ dòng tiền cho vay ký quỹ (margin), trong đó, nhà đầu tư cá nhân được cho là đối tượng ưa thích dùng margin trong đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng ồ ạt tăng vốn để có thể tăng cho vay margin, trong bối cảnh dư địa cho vay còn lại của một số công ty đã khá hạn hẹp. Cụ thể, 30 CTCK có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021 thông qua các hình thức như cổ tức, quyền mua, phát hành riêng lẻ… với tổng số vốn thêm khoảng 24.339 tỷ đồng. Tháng 10/2021, hai CTCK là SSI và Mirae Asset đã hoàn tất tăng vốn. Mức vốn điều lệ tăng lên ở cả hai công ty là trên 1.130 tỷ đồng và đều từ nguồn tiền mới của cổ đông hiện hữu.

Thống kê báo cáo tài chính quý 3/2021 của hơn 70 công ty chứng khoán cho thấy, tính đến 30/9/2021, tổng dư nợ đạt trên 154.000 tỷ đồng, tăng 68% so với cuối năm 2020.

Theo tính toán của YSVN, quý 3/2021, tỷ lệ margin/vốn hóa đạt mức 2.75%, cao nhất kể từ năm 2014 đến nay. Mức tăng trưởng margin cao vượt trội so với mức tăng trưởng của thị trường phản ánh rủi ro trong sử dụng đòn bẩy tài chính gia tăng trên thị trường. Tuy nhiên, hết quý 3, tại các CTCK có tới 92.000 tỷ đồng - số dư tiền gửi của nhà đầu tư “nằm chờ” giải ngân.

Nhóm phân tích của YSVN cho rằng, việc mở cửa nền kinh tế đang là động lực tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán trong tháng 11/2021. Thông tin về gói kích cầu hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ giúp khôi phục nền kinh tế, khơi thông dòng vốn và kích thích tiêu dùng sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài. Bên cạnh đó, lãi suất vẫn trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn ngắn cho thấy, thị trường cổ phiếu vẫn là kênh tăng trưởng tốt nhất trong ngắn và trung hạn.

Ở kịch bản tích cực, YSVN cho rằng, VN-Index sẽ hướng thẳng về mức 1.534 điểm trong tháng 11, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, nhỏ vẫn thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, dòng tiền có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu nhờ vào sức hồi phục trong quý 4/2021, khi nền kinh tế dần hoạt động trở lại.

Tác giả: Việt Linh

Theo: Tiền Phong
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến