Thông tin được đăng tải trên website của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tiếp theo sự kiện Standard&Poors (S&P) nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng "ổn định" hồi đầu tháng 4/2019, ngày 09/5/2019, Việt Nam lại đón nhận tin vui về xếp hạng tín nhiệm quốc tế khi Fitch công bố nâng triển vọng cho Việt Nam từ "Ổn định" lên "Tích cực" sau 1 năm thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng "Ổn định".
Lần gần nhất Fitch nâng hạng cho Việt Nam là vào tháng 5/2018; trước đó, tháng 11/2014, Fitch nâng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức “B+” lên “BB-“ với triển vọng từ “Tích cực” sang “Ổn định”.
Đồng quan điểm với S&P, Fitch cũng đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, thể hiện qua những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đó là thặng dư cán cân vãng lai được duy trì qua nhiều năm đã tăng cường đáng kể các mức đệm đối ngoại, giúp nền kinh tế giảm được tác động không mong muốn của các cú sốc từ môi trường quốc tế. Đó là việc giảm dần mức nợ của Chính phủ, lành mạnh hóa dần ngân sách nhà nước. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao được duy trì trong nhiều năm, trong khi đó, lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp hợp lý là một trong những lý do quan trọng giúp Fitch nâng triển vọng cho Việt Nam.
Theo nhận định của Fitch, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công, giúp nợ Chính phủ giảm từ mức đỉnh 53% GDP năm 2016 xuống mức 50,5% GDP năm 2018 và nhiều khả năng còn tiếp tục giảm xuống mức 46% GDP vào năm 2020. Nợ công của Việt Nam (bao gồm nợ Chính phủ và các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh-theo phạm vi tính toán của Fitch) cũng đã giảm mạnh xuống mức 58% GDP năm 2018 từ mức sát trần 65% GDP cuối năm 2016. Diễn biến này được củng cố bởi việc siết chặt các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh từ mức 9,1% GDP cuối năm 2017 xuống quanh mức 8% GDP vào thời điểm cuối năm 2018, đồng thời do tăng trưởng GDP danh nghĩa liên tiếp được duy trì ở mức cao, thâm hụt ngân sách thấp nhờ các khoản thu khá ổn định từ việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Chính phủ kiên định mục tiêu chính sách tập trung vào ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt được 7,1%, cao hơn mức 6,8% của năm 2017, trong khi đó lạm phát vẫn duy trì ổn định ở mức 3,5%, đạt được mục tiêu thấp hơn 4% do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng kinh tế được hỗ trợ mạnh mẽ từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến chế tạo, cũng như sự mở rộng của khu vực dịch vụ và khu vực nông nghiệp. Fitch dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 6,7%, trong miền mục tiêu từ 6,6-6,8% do Quốc hội đề ra.
Fitch nhìn nhận trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tạo áp lực lên dòng chảy thương mại khu vực và có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới các nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam vẫn duy trì được là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong nhóm các nước đồng hạng “BB”. Theo đánh giá của Fitch, dòng vốn FDI hướng vào lĩnh vực chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu vẫn tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài do lợi thế chi phí thấp, đồng thời nhiều khả năng được hưởng lợi do dòng vốn đầu tư tháo ra từ Trung Quốc dưới tác động căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Fitch ghi nhận cơ chế tỷ giá hối đoái được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành linh hoạt hơn kể từ tháng 1/2016. Tuy quy mô dự trữ ngoại hối là mỏng hơn so với các nước đồng hạng “BB” nhưng tỷ lệ thanh khoản đối ngoại của Việt Nam (tỷ lệ dự trữ ngoại hối tương đối so với nghĩa vụ nợ đối ngoại tới hạn trong năm tiếp theo) được duy trì ở mức cao hơn trung vị của các nước đồng hạng. Cùng với đó, xếp hạng tín nhiệm của đồng Việt Nam (VND) cũng được nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”.
Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam ở mức phân vị thứ 64, cao hơn mức phân vị trung vị thứ 60 của nhóm nước hạng “BB”.
Với nhiều nhận định mang tính tích cực, Fitch có thể tiếp tục cân nhắc nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam trong thời gian tới nếu kinh tế tiếp tục ổn định, các mức đệm đối ngoại tiếp tục được tăng cường, các chỉ tiêu tài khóa, tài chính, ngân hàng tiếp tục được cải thiện.
Mặc dù còn nhiều thách thức từ môi trường bên ngoài cũng như những điểm còn tồn tại chưa thể khắc phục ngay, nhưng với những nỗ lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian qua, chúng ta lại có quyền hy vọng vào một diễn biến tích cực sắp tới khi Moody’s sẽ có những đánh giá tích cực cho xếp hạng quốc gia Việt Nam và một tương lai xa hơn, sáng hơn cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.
PV
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy