Dòng sự kiện:
Tiền F0 lớn, nhưng quy mô thị trường cũng ngày càng tăng nên tỷ trọng không quá cao
30/07/2021 15:38:02
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital cho rằng nhà đầu tư F0 vào thị trường mang theo lượng tiền lớn. Tuy nhiên, quy mô thị trường ngày càng tăng nên với lượng ti

Ảnh minh hoạ.

Thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư về nền kinh tế nên thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2021 diễn biến rất tốt vì nhà đầu tư kỳ vọng vào nền kinh tế và chứng khoán.

Ở thời điểm cuối tháng 4 đầu tháng 5 khi mới bùng dịch thứ 4 thị trường cũng chưa có nhiều thay đổi, Vn-Index vẫn liên tiếp chinh phục điểm số của lịch sử. Tuy nhiên, đến đầu tháng 7, Vn-Index đảo chiều giảm mạnh gần thủng mốc hỗ trợ 1.200, dòng tiền mất hút với thanh khoản trung bình mỗi phiên lẹt đẹt 15.000 tỷ đồng.

Nhóm bán lẻ, dịch vụ, hàng không tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực

Lý giải về biến động thị trường, Tại toạ đàm Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021 sáng 30/7, bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital cho rằng, tháng 4-5 khi dịch bùng phát nhà đầu tư vẫn phản ứng tích cực bởi họ tin dịch bệnh lần này sẽ không quá lớn. Đồng thời, sử dụng kinh nghiệm từ các đợt bùng dịch trước, thị trường có giảm nhưng chỉ trong ngắn hạn. Ví dụ, vào cuối tháng 1/2021, sự sụt giảm của thị trường khoảng 16% trong 10 ngày và sau đó phục hồi nhanh.

Tuy nhiên, sau nhiều tuần, nhà đầu tư nhìn thấy diễn biến dịch bệnh khó lường, còn thị trường cũng đã lập đỉnh trên 1.400 điểm, cộng thêm kỳ vọng nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế chắc chắn đi xuống.

Đầu năm các công ty chứng khoán, quản lý quỹ đều kỳ vọng tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể lên đến 40% nhưng cho đến giờ những người tham gia vào thị trường kể cả những nhà đầu tư chuyên nghiệp như VinaCap cũng phải giảm kỳ vọng. Điều này ảnh hưởng chung đến chiều hướng của thị trường.

Ở hiện tại, thị trường đang giằng co, phân vân, nhà đầu tư đang cố gắng đưa ra dự báo lợi nhuận kỳ vọng với các doanh nghiệp niêm yết. Mặc khác, nửa đầu năm thị trường đi lên, tất cả công ty trong các lĩnh vực đều đi lên, lên nhiều nhất vẫn là ngân hàng, chứng khoán, thép, IT. Còn nửa sau của năm, thị trường sẽ phân hóa mạnh hơn, công ty có lợi nhuận của cả năm không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì giá cổ phiếu sẽ có tăng trưởng tốt hơn so với những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều.

"Những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều rất lớn trong thị trường ví như hàng không hay du lịch dịch vụ. Ngoài ra những công ty làm trong bán hàng bán lẻ chắc chắn chịu tác động khá nhiều", bà Thu nhấn mạnh .

Thị trường chứng khoán tuy nhiên lại là "leading indicator" của nền kinh tế. Nhiều người tin kinh tế phục hồi và quý 4 và cuối năm sau, thì thị trường chứng khoán cũng có những lý do để bắt đầu phục hồi lớn hơn.


Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và trái phiếu - VinaCapital.

Nhà đầu tư F0 đã sành sỏi hơn rất nhiều

Nhận định về làn sóng F0, theo bà Thu, nhà đầu tư F0 gần đây vào thị trường nhiều lý do bởi vì dịch bệnh lãi suất thấp, kênh đầu tư để họ dùng để đầu tư tiền nhàn rỗi không có nhiều dẫn đến ồ ạt mở đầu tư vào chứng khoán. Dù mở nhiều tài khoản, mức mở mới đạt kỷ lục nhưng số lượng tài khoản hiện chỉ chiếm 3% dân số Việt Nam trong khi Trung Quốc là khoảng 13%, Đài Loan - thị trường được so sánh giống với Việt Nam đã lên 8% rồi.

Nhận định về dòng tiền trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc Phân tích - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng: Trong bối cảnh vĩ mô khó khăn, thu nhập chính của người dân bị ảnh hưởng, nhà đầu tư còn thiếu vắng kênh đầu tư, lãi suất thấp như hiện tại thì tiền rẻ trở thành động lực chính đưa dòng tiền chảy vào chứng khoán. Tiền rẻ kích thích người dân tìm kênh đầu tư sinh lãi thì chứng khoán là lựa chọn khả dĩ.

Tính đến cuối quý 2 tổng tiền gửi nhà đầu tư tại công ty chứng khoán 86.000 tỷ đồng, cao nhất lịch sử nhưng chỉ bằng 0,8% tổng tiền gửi của dân cư và tổ chức quốc tế. Tổng tiền đầu tư của các nhà đầu tư trong nước cũng đã cân hết được lượng tiền rút ra của khối ngoại. Do đó, sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nhà đầu tư trong nước và nội lực trong nước nhiều hơn.

Nhà đầu tư F0 khi vào thị trường mang theo lượng tiền lớn. Tuy nhiên, quy mô thị trường ngày càng tăng thì với lượng tiền họ mang vào thì tỷ trọng cũng không quá cao hơn so với quá khứ.

"Hiện nay, các nhà đầu tư F0 trở nên sành sỏi hơn rất nhiều, họ có nhiều kiến thức đầu tư chứng khoán hơn so với trước đây. Tất nhiên làn sóng F0 vào cũng có nhiều rủi ro, mức độ dao động thị trường tăng lên bởi F0 hay Fn thì chúng ta không thể biết nhà đầu tư cá nhân họ là nhà đầu tư dài hạn hay ngắn hạn", bà Thu nói. Hiện nhà đầu tư trong nước chiếm 87-88% giao dịch, quy mô giao dịch gần 1 tỷ đô la, cao so với năm 2020.

Theo Giám đốc của VinaCapital, thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng nền kinh tế, chỉ cần nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi thôi là chứng khoán bật lại. Đây là điều tất yếu, còn bật lại thời điểm nào thì chưa xác định vì còn phụ thuộc vào nền kinh tế.

Bà Thu cũng cảnh bảo các nhà đầu tư cá nhân, F0 khi mới vào thị trường cần phải hiểu thị trường, chứng khoán là kênh đầu tư rất rủi ro, rủi ro cao lợi nhuận cao, tìm hiểu kỹ nhóm ngành, cổ phiếu định đầu tư. Với nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia vào thị trường nhưng không có cơ hội tìm hiểu cổ phiếu nhóm ngành thì có thể đầu tư vào quỹ.

Thứ hai, nhà đầu tư F0 nên tìm hiểu một công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp trên thị trường để giảm mức độ rủi ro. Mỗi quỹ có 25-30 cổ phiếu thì tức là không bỏ trứng vào một giỏ mà dàn trải ở lĩnh vực khác nhau.

Tác giả: Khánh Linh

Theo: Vneconomy
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến