Dòng sự kiện:
Tiền ngoại sẽ trở lại
30/12/2021 16:10:56
Khối ngoại bán ròng là một trong những diễn biến nổi bật nhất của thị trường chứng khoán năm 2021, bên cạnh câu chuyện F0 và margin.

Không đáng ngại

Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập đỉnh về điểm số và thanh khoản, thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn miệt mài bán ròng suốt 2 năm qua. Tính riêng trong 10 tháng năm 2021, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 46.402 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Trong đó, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất vẫn là HPG với giá trị 16.000 tỷ đồng; tiếp theo là CTG với 6.991 tỷ đồng, VNM với 6.321 tỷ đồng, VIC với 6.104 tỷ đồng, VPB với 5.988 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, khối ngoại mua nhiều nhất STB, VHM, MWG và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Bóc tách nguyên nhân nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh có thể từ các lý do sau: Thứ nhất, đây là xu hướng chung của thị trường toàn cầu, diễn ra từ khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trên toàn cầu từ đầu năm 2020.

Tuy nhiên, với thị trường Việt Nam, có thể hiểu đây chỉ đơn thuần là hoạt động chốt lời của khối ngoại, khi thị trường chứng khoán Việt Nam là một trong những thị trường tăng tốt nhất thế giới trong năm 2021.

Thứ hai, lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất, khiến dòng tiền rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên để hướng đến các thị trường có mức sinh lời cao hơn theo nguyên lý tiền chảy chỗ trũng.

Thứ ba, một số thị trường châu Á diễn biến kém trong tháng 9, 10, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Hồng Kông do ảnh hưởng từ kinh tế vĩ mô và nỗi lo bom nợ của đại gia bất động sản Trung Quốc Evergrande cũng ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, kích hoạt hoạt động bán ra ở những thị trường khác trong khu vực.

Tuy nhiên, điều đáng nói, xu hướng bán ròng của khối ngoại không ảnh hưởng nhiều đến diễn biến hay tâm lý của thị trường trong nước.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), từ đầu năm 2021 đến nay, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng hơn 80% trên tổng khối lượng giao dịch.

Đây chính là dòng tiền đang đóng một vai trò rất quan trọng đối với thanh khoản, cũng như xu hướng chung của thị trường. Mỗi khi thị trường điều chỉnh, dòng tiền lớn này nhanh chóng nhập cuộc khiến thị trường không giảm sâu, mà chỉ tích luỹ, sau đó tiến lên thiết lập đỉnh lịch sử mới.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho biết, cũng như nhiều thị trường chứng khoán ở khu vực châu Á, thị trường chứng khoán Việt Nam bị nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh.

Tuy nhiên, nếu so tương quan với quy mô rút ròng tại một số thị trường trong khu vực trong 3 quý đầu năm 2021 như Malaysia, Philippines, Thái Lan, thì tỷ trọng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức trung bình.

Theo ông Phúc, việc khối ngoại bán ròng trong thời gian qua gần như không gây ảnh hưởng quá lớn đến thị trường, vì hiện nay giá trị giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 7 - 8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong mỗi phiên.

Trong khi đó, ở giai đoạn 2026 - 2018, quy mô giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chiếm xấp xỉ 20% tổng giá trị giao dịch mỗi phiên.

Kỳ vọng sự trở lại

Sau chuỗi ngày bán ròng kéo dài, nhà đầu tư nước ngoài đã có động thái mua ròng từ đầu tháng 11/2021, tập trung vào nhóm bluechips. Điều này khiến thị trường kỳ vọng về sự quay lại của dòng tiền ngoại, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), so với các năm trước, thị trường tháng 11/2021 có những điểm khác, đó là, một số quỹ mới được thành lập (quỹ Thái Lan) mua ròng và giải ngân. ETF cũng trở lại mua ròng, đặc biệt là ETF nội.

Quỹ Bualuang Vietnam Equity Fund (B-VIETNAM) của Thái Lan đã hoàn tất chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO) với số vốn huy động xấp xỉ 1,8 triệu Baht, tương đương hơn 1.192 tỷ đồng (khoảng 50 triệu USD).

So với quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, đây không phải là một con số lớn, nhưng việc quỹ này được Bualuang - một công ty chứng khoán nằm trong Top 10 của Thái Lan (chiếm khoảng 4 - 5% thị phần) thành lập cũng có tác động tích cực tới tâm lý của thị trường Việt Nam.

Trước đó, Bualuang chính là công ty chứng khoán phân phối chứng chỉ quỹ E1VFVN30 dưới dạng DR niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan. Công ty này còn cung cấp các bản tin về VN30 dưới dạng tiếng Thái. Điều này cho thấy, nhà đầu tư Thái Lan cũng rất quan tâm đến chứng khoán Việt Nam, sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Theo thống kê của HSC, trong tháng 10/2021, hoạt động rút vốn giảm đáng kể do lượng vốn bị rút ra khỏi các quỹ ETF nước ngoài giảm, trong khi các quỹ ETF trong nước thu hút được vốn.

Cụ thể, tổng lượng vốn bị rút khỏi các quỹ ETF nước ngoài khoảng 32,8 triệu USD, trong khi các quỹ ETF trong nước thu hút được lượng vốn đáng kể là 34,24 triệu USD (3 quỹ DCVFM VN30 ETF, DCVFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFIN Lead ETF). Như vậy, các quỹ ETF đã hút vốn ròng 1,4 triệu USD trong tháng 10/2021 (so với rút ròng 101 triệu USD trong tháng 9/2021).

Theo ông Huy, xu hướng bán ròng nhiều khả năng vẫn tiếp tục, vì đây là xu hướng chung toàn cầu, khi các quỹ cân nhắc giữa rủi ro và hoạt động chốt lãi. Tuy nhiên, áp lực bán sẽ vơi đi và cũng nên xem động thái của khối ngoại là một động thái bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Nghiên cứu khách hàng tư nhân của Công ty Chứng khoán MB cho rằng, xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn tiếp diễn, nhưng khả năng khối ngoại sẽ sớm quay trở lại mua ròng vào nửa đầu năm 2022, đây cũng là thời điểm Việt Nam có thể chống dịch thành công và kinh tế mở cửa hoàn toàn.

Hơn nữa, khối ngoại đã có những đánh giá lại triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong quý IV/2021, nên lựa chọn phân bổ, cũng như tích luỹ cổ phiếu trở lại để đón sóng vĩ mô.

Tác giả: Hoàng Anh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến