Dòng sự kiện:
Tiền tệ xanh đây, tài khóa xanh đâu?
23/10/2018 13:00:57
Chính sách 'tiền tệ xanh' đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhưng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chống BĐKH thì rất cần thực thi cả chính sách 'tài khóa xanh'.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Gần đây, các chuyên gia nhận định BĐKH là rủi ro tài chính mới mà ngành tài chính - ngân hàng phải có giải pháp ứng phó.

NHTW Anh (BoE) vừa đưa ra yêu cầu các ngân hàng và công ty bảo hiểm phải có kế hoạch dài hạn ứng phó với BĐKH. BoE yêu cầu các định chế tài chính Anh phải đánh giá rủi ro từ tác động của BĐKH. BoE cho rằng, rủi ro có thể đến ngay ở các khoản đầu tư vào những quốc gia có thời tiết cực đoan…

Động thái của BoE được cho là sẽ khơi mào cho những hành động quyết liệt hơn của ngành tài chính - ngân hàng toàn cầu trong việc ứng phó với BĐKH.

Ảnh minh họa

Việt Nam là một quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH, đặc biệt là trước những hiện tượng thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra như hạn hán, bão, lũ lụt, và những hệ lụy như nước biển dâng, xâm nhập mặn…

Thực tế những gì đã, đang diễn ra cho ta thấy những hậu quả cụ thể từ BĐKH. Đơn cử, năm 2017, cả nước xuất hiện 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, 22 đợt thiên tai có cấp độ rủi ro từ cấp 3 trở lên, nhiệt độ cao nhất trong mùa hè là 42 độ C. Năm 2017, thiên tai làm 386 người chết và mất tích, hơn 8.100 ngôi nhà bị sụp đổ, 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng phải di dời, 364.000 ha lúa và hoa màu hư hỏng… gây thiệt hại 60.000 tỷ đồng. Trận mưa lũ tháng 7/2018 vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 33 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 500 tỷ đồng...

Tại Hội nghị lần thứ 21 của các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) các nước đã thống nhất: nguồn tài chính của các nước đang phát triển phải được hướng vào việc thực thi các chính sách, chiến lược, quy định và chương trình hành động nhằm hướng nền kinh tế theo hướng xanh hơn, giảm thiểu các tác động về môi trường.

Tại Hội nghị này Việt Nam cam kết đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Việt Nam cũng cam kết tự giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Việc thực hiện cam kết này rất quan trọng, không chỉ là uy tín quốc gia với cộng đồng thế giới mà còn vì mục tiêu tăng trưởng bền vững, vì lợi ích của chính mỗi người dân Việt Nam.

Xác định vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, nhiều năm qua ngành Ngân hàng đã khuyến khích phát triển tín dụng xanh. Đặc biệt, tháng 8/2018 Thống đốc đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam.

Đề án đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể: Từng bước tăng tỷ trọng vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực xanh cần ưu tiên hỗ trợ trong Danh mục dự án xanh do NHNN ban hành. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đi cùng với xây dựng thói quen thân thiện với môi trường cho khách hàng trong khuôn khổ các hoạt động ngân hàng; phát triển mạnh các kênh giao dịch điện tử, các dịch vụ, phương thức thanh toán mới trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Phấn đấu đến năm 2025: 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; Kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10 đến 12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh.

Có thể nói chính sách “tiền tệ xanh” đã và đang được triển khai mạnh mẽ, nhưng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, chống BĐKH thì rất cần thực thi cả chính sách “tài khóa xanh”. Các chuyên gia khuyến nghị, “cải cách tài khóa xanh” - Green Fiscal Reform (GFR) cần được thực thi mạnh mẽ hơn, bắt đầu ngay từ các biện pháp về thuế; chính sách chi tiêu quốc gia cho mục tiêu bảo vệ môi trường... Các công cụ tài khóa xanh cần được áp dụng nhiều hơn nữa theo hướng phát triển bền vững.

Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến