Dòng sự kiện:
Tiền thất thoát từ các 'đại án' ngân hàng đã thu được bao nhiêu?
16/05/2019 18:00:58
Các TCTD đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 10.843,44 tỷ đồng, 10,09 triệu USD trong tổng số tiền thất thoát là 62.797,37 tỷ đồng và 18,52 triệu USD.

Theo kết quả kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại NHNN của đoàn công tác số 3, từ năm 2013 đến tháng 9/2018, tổng số tiền các tổ chức tín dụng bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế gần 62.800 tỷ đồng, 18,52 triệu USD.

Đó là con số từ kết quả kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đo đoàn công tác số 3 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng thực hiện.

Kết quả kiểm tra cho thấy, Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo công tác quan triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, trong đó có nội dung thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước ban hành 2 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả thực hiện công tác phòng chống tham nhũng nói chung, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến hoạt động ngân hàng nói riêng. Đã lãnh đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và tội phạm ngành ngân hàng, lãnh đạo ban hành, tham mưu ban hành một số văn bản về thu hồi tài sản trong ngành ngân hàng; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan Thi hành án dân sự thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng lãnh đạo cơ quan chức năng phối hợp với Bộ Tư pháp kiểm tra công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tại một số địa phương.

Các tổ chức tín dụng đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án dân sự thu hồi được 10.843,44 tỷ đồng (đạt 17,26%), 10,09 triệu USD (đạt 54,48%).

Theo đánh giá của đoàn công tác, trong việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Ban cán sự đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn bộc lộ một số hạn chế. Đó là, số cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề về thu hồi tài sản còn hạn chế; nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài từ trước năm 2013 đến nay chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm.

Đoàn công tác kiến nghị Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo công tác phối hợp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản theo quy định; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự các cấp và các cơ quan liên quan để xử lý dứt điểm các tài sản bảo đảm có giá trị lớn, có nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các vụ còn tồn đọng kéo dài từ trước năm 2013.

Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác thẩm định cho vay; quản lý, xử lý tài sản bảo đảm, quản lý, khai thác các tài sản của tổ chức tín dụng được tòa án giao để tránh thất thoát, bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản cho các tổ chức tín dụng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng. 

Chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện tốt quy chế phối hợp với các cơ quan có liên quan trong phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế liên quan đến ngành ngân hàng; phối hợp cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng về tài khoản, tiền gửi liên quan phục vụ điều tra, xử lý các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế xảy ra trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng…

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án Dân sự, trong các đại án ngân hàng duy nhất vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức “Bầu” Kiên) xảy ra tại Ngân hàng ACB là đã thi hành xong toàn bộ các khoản thi hành án gồm án phí, tiền phạt và tiền truy thu sung công quỹ vụ án. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB phải hầu tòa năm 2014 vì cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế. Cùng ra tòa còn có 5 cựu lãnh đạo ACB “cố ý làm trái”.

Tổng số tiền thiệt hại do “bầu” Kiên gây ra được cơ quan điều tra xác định là gần 1.700 tỷ đồng, chưa kể hơn 400 tỷ lỗ kinh doanh vàng. Biến cố “bầu” Kiên khiến ACB lao đao trong một thời gian dài từ 2012, đến nay mới bắt đầu phục hồi.

Theo đại diện Tổng cục Thi hành án Dân sự, trong quá trình thi hành án, gặp rất nhiều khó khăn. Vì đây là những vụ án số tiền phải thi hành án là rất lớn. Tài sản cơ quan điều tra thu giữ hoặc kê biên trong quá trình điều tra không đủ để thi hành án. Hầu hết các đối tượng thi hành án trong trường hợp này không còn tài sản trực tiếp đứng tên, không phát hiện được các tài sản khác, do đó, không có điều kiện để xử lý. Trong các vụ việc có một số tài sản là cổ phiếu, chứng khoán cần có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan nên thi hành án phải có thời gian.

Thậm chí có những vụ có nhiều tài sản phát sinh tranh chấp, mua bán, chuyển nhượng thiếu rõ ràng, chưa hoàn tất, chưa đầy đủ nên khi cơ quan thi hành án đã phát sinh tranh chấp phải yêu cầu tòa án xử theo đúng thẩm quyền nên làm chậm việc thi hành án…

Linh Nhi

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến