Dòng sự kiện:
Tiết kiệm triệt để chi thường xuyên
22/02/2016 10:01:10
Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 là 1.273.200 tỷ đồng và mức bội chi 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP trong giả định mức tăng trưởng kinh tế và nguồn thu NSNN đạt được như kế hoạch dự toán.

Tin liên quan

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, nhiệm vụ và nhu cầu chi thường xuyên tăng liên tục, hiện chiếm khoảng 70% chi NSNN hằng năm, trong khi nguồn thu NSNN các cấp tiếp tục gặp áp lực từ giảm giá dầu thô và hàng xuất khẩu, giảm thuế theo cam kết hội nhập quốc tế; còn nợ công đang tăng cao và dịch vụ nợ công tiếp tục tăng. Ngoài ra, các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng tăng chóng mặt, với quy mô thành tiền lớn hơn 17 lần chỉ trong 5 năm qua, từ 317 tỷ đồng (năm 2009), lên 658 tỷ đồng (năm 2010); 708 tỷ đồng (năm 2011); 2.252 tỷ đồng năm 2012 và năm 2013 là 5.304,2 tỷ đồng… Vì vậy, tiết kiệm để giảm chi thường xuyên là mục tiêu và điểm nhấn nổi bật trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 vừa được ban hành.

Theo đó, tinh thần tiết kiệm cần được quán triệt sâu sắc và thực hiện quyết liệt, thiết thực, cụ thể ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương. Chính phủ yêu cầu, năm 2016 thực hiện cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia và công trình đặc biệt của địa phương; không bố trí đoàn ra nước ngoài trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; không đề xuất, phê duyệt các dự án và các khoản chi phát sinh ngoài dự toán NSNN đã phê duyệt, các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả, cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi. Các đơn vị thụ hưởng NSNN thực hiện bắt buộc tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương); tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi lễ hội, lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, khánh tiết, xe công, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào; phấn đấu tiết kiệm từ 10 đến 15% tổng mức đầu tư dự án xây dựng…;

Bên cạnh đó, tinh thần tiết kiệm cũng được thể hiện qua yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai, minh bạch trong chi tiêu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; tăng cường xã hội hóa, phân cấp và tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm phải trở thành nhận thức chung và cho từng đơn vị, cá nhân trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường quản lý biên chế hành chính và việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính chi NSNN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, cương quyết chống lãng phí, tiêu cực, xóa bỏ căn bệnh chạy đua các dự án “hoành tráng”, sự lạm dụng kẽ hở luật pháp và hành xử theo sự chi phối của lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm; kịp thời nhận diện và khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém trong Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng…

Chi thường xuyên là cần thiết, nhưng cần triệt để tiết kiệm, vừa để giảm áp lực cân đối NSNN, tăng khả năng đầu tư phát triển, vừa giảm gánh nặng đóng góp, nợ nần lên vai người dân và các thế hệ tương lai, thiết thực góp phần vào quá trình lành mạnh tài chính vĩ mô và phát triển bền vững đất nước.

Theo TS NGUYỄN MINH PHONG (Báo Nhân dân)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến