FLC City Hotel Beach Quy Nhơn. (Ảnh: TTXVN phát)
Sau vụ việc lãnh đạo Tập đoàn FLC, rồi đến Tân Hoàng Minh bị bắt tạm giam, quan hệ tín dụng của các ngân hàng với các công ty bất động sản, xây dựng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cổ đông ngân hàng.
Mùa đại hội cổ đông thường niên năm nay của các ngân hàng cũng đang trở nên “nóng” hơn với những thông tin liên quan đến các khoản nợ của Tập đoàn FLC và việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản.
Thu hồi nợ sớm hơn dự kiến
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Thương Tín (Sacombank) diễn ra tuần qua, không ít cổ đông bày tỏ lo ngại khoản nợ của Tập đoàn FLC và hệ sinh thái FLC tại Sacombank sau vụ việc ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam do thao túng cổ phiếu. Bởi Sacombank là một trong những chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn này tính đến cuối năm 2021.
Trả lời thắc mắc của cổ đông, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết, dư nợ của Tập đoàn FLC tại Sacombank là khoảng 3.200 tỷ đồng. Hiện, FLC đã thanh toán 2.600 tỷ đồng cho Sacombank và dự kiến một tháng nữa sẽ trả 600 tỷ đồng còn lại.
Theo ông Minh, đây là khoản tín dụng tốt, nhưng do dư luận nên ngân hàng đã thảo luận để thu hồi nợ sớm và phía khách hàng cũng hoàn toàn hợp tác.
Nói thêm về vấn đề này, Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc Sacombank cho biết, tổng dư nợ của nhóm FLC (bao gồm Hãng hàng không Bamboo Airways) là trên 5.000 tỷ đồng.
Việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái FLC diễn ra tại thời điểm phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc kích cầu du lịch và hỗ trợ các hãng hàng không sau đại dịch COVID-19. Các khoản vay được đảm bảo bằng cổ phiếu và nhiều dự án bất động sản ở Quảng Ninh, Hà Nội.
Cũng liên quan tới các khoản vay của FLC, tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) cho biết, do tính chất rủi ro sau sự kiện liên quan ông Trịnh Văn Quyết, OCB đang thương thảo với Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways để thu hồi nợ trước hạn.
Theo ông Tùng, OCB cho Tập đoàn FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 dự án bất động sản ở Quảng Ninh. Ngân hàng chỉ cho vay dựa trên dự án cụ thể.
Cả 2 dự án trên đều có đầy đủ điều kiện pháp lý, chỉ được cấp tín dụng sau khi FLC hoàn thành giải phóng mặt bằng, đấu thầu đúng quy định. Bên cạnh đó, OCB cũng cho Bamboo Airways vay khoảng 1.000 tỷ đồng với tài sản thế chấp bằng bất động sản.
Đại diện OCB cũng cho biết, các khoản cho vay FLC đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, với trị giá trên 2.000 tỷ đồng. Đất đai mà ngân hàng nhận là có sổ chứ không phải tài sản hình thành trong tương lai. Các dự án OCB tài trợ vốn cho FLC hiện vẫn đang tiếp tục triển khai.
Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng vào bất động sản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Theo các ngân hàng, trước thời điểm ông Trịnh Văn Quyết, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị bắt tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán, nghĩa vụ trả nợ gốc-lãi đã được doanh nghiệp này thực hiện nghiêm túc, chưa bao giờ chậm lãi, cũng như chưa bị chuyển nhóm nợ bao giờ.
Tuy nhiên, sự kiện trên là rủi ro lớn cho các đối tác nên các ngân hàng đang thương thảo để thu hồi nợ sớm hơn dự kiến.
Tín dụng vào bất động sản chưa đáng lo ngại?
Ngoài câu chuyện cho vay tại FLC, mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng năm nay cũng nổi cộm lên vấn đề cho vay vào lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, tại các ngân hàng có tỷ lệ cho vay bất động sản cao và được cho là có mối quan hệ “sân sau” giữa các lãnh đạo ngân hàng và công ty bất động sản, thì vấn đề này càng được nhiều cổ đông lo lắng và đưa ra chất vấn.
Trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) diễn ra cuối tuần qua, lãnh đạo Techcombank cho biết, tại Techcombank trong 5 năm qua chưa gặp vấn đề nào đối với các khoản vay bất động sản, tỷ lệ nợ xấu với danh mục tín dụng này gần như bằng 0. Do đó, ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì những định hướng với cho vay bất động sản.
Đại diện Techcombank cho biết thêm, những năm qua ngân hàng cho vay những người có nhu cầu mua nhà, tập trung các dự án tốt, hạn chế tối đa việc cho vay các dự án mang tính đầu cơ không mang lại giá trị. Trong số đó, các dự án bất động sản tốt còn kéo theo lĩnh vực xây dựng, vật tư, thiết bị... đem lại nhiều giá trị cho người dân và xã hội.
Tại Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ hiện nay tại ngân hàng chiếm 22% tổng dư nợ. Trong số đó, tỷ lệ cho vay bất động sản trong dân mua nhà, cho vay tiêu dùng chiếm 60%, cho vay doanh nghiệp chiếm 20%.
Còn dư nợ cho vay bất động sản doanh nghiệp khoảng 30.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ gần 400.000 tỷ đồng. Phần dư nợ này rất nhỏ và ngân hàng đang kiểm soát tốt cho vay bất động sản tốt.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, Techcombank và Sacombank là 2 ngân hàng thương mại có động thái tạm dừng cho vay vào lĩnh vực bất động sản. Riêng tại Sacombank, lãnh đạo ngân hàng đã có văn bản yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng cho các giao dịch bất động sản mới kể từ ngày 23/3 đến hết ngày 30/6/2022.
Quy định này không áp dụng đối với cán bộ nhân viên và người thân mua, xây, sửa bất động sản để ở.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank), lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết ABBank là một trong những ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước đánh giá tốt việc kiểm soát cho vay bất động sản, không nằm trong nhóm bị cảnh báo hay hạn chế. Do đó, ngân hàng này sẽ tiếp tục đẩy mạnh cho vay bất động sản thời gian tới.
Trong năm 2021, dư nợ bất động sản của ABBank có tăng, tuy nhiên, tỷ trọng chưa phải là cao, hiện chiếm khoảng 6% tổng dư nợ, còn cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng.
Còn tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), đại diện ngân hàng cho biết, hiện dư nợ cho vay bất động sản của SHB chiếm 6,75% trên tổng dư nợ và lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu là 6.600 tỷ đồng; trong đó có 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định các khoản đầu tư của SHB là an toàn tuyệt đối và thanh khoản cao.
Với những thông tin hé lộ tại cuộc họp cổ đông thường niên của các ngân hàng cho thấy, dòng tín dụng chảy vào bất động sản dường như vẫn đang được các ngân hàng thương mại kiểm soát tốt.
Tuy vậy, để hướng dòng vốn chảy vào sản xuất và hạn chế những trường hợp vỡ nợ như Evergrande (Trung Quốc), kể từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát tín hiệu sẽ giám sát chặt chẽ dòng tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản, nhất là những phân khúc đầu cơ, rủi ro của những dự án lớn.
Gần đây nhất, tại Công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT và BT và trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật…/.
Tác giả: H.Chung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy