Dòng sự kiện:
Tín dụng được mở rộng đến đâu?
14/03/2019 07:00:16
Tín dụng 2 tháng đầu năm nay tăng trưởng khoảng trên 1%. Đó là mức tăng không cao, song theo các chuyên gia kinh tế là hoàn toàn phù hợp với diễn biến kinh tế 2 tháng đầu năm.

Nhiều năm qua, các ngân hàng đều nỗ lực đẩy mạnh tín dụng ngay từ đầu năm để tránh không để dồn toa vào cuối năm. Điều này cũng vẫn được duy trì trong những tháng đầu năm 2019. Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, ngay trong tháng 1/2019, tín dụng của ngân hàng này đã tăng trưởng 2%, thậm chí có ngân hàng đã tăng được 3%. Nỗ lực đó của ngành Ngân hàng thể hiện rõ qua sự nhập cuộc rất quyết liệt cho vay thu mua lúa gạo vùng ĐBSCL.

Tín dụng tăng bao nhiêu còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của người dân, DN

Ngay sau chỉ đạo của Chính phủ, NHNN yêu cầu các TCTD tập trung thu mua lúa gạo vụ Đông Xuân vào ngày 18/2. Tuần qua, tư lệnh ngành Ngân hàng tiếp tục có văn bản chỉ đạo yêu cầu các NHTM thực hiện các giải pháp đáp ứng nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp phục vụ sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, góp phần ổn định giá bán hợp lý cho nông dân… Sau thông điệp của NHNN, các NHTM có vốn Nhà nước Agribank, Vietcombank.

VietinBank… đã cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, DN trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ thóc gạo với lãi suất ưu đãi xuống mức 6%/năm. Với sự rốt ráo vào cuộc của hệ thống ngân hàng, trong tuần qua giá lúa gạo đã nhích lên. Theo một đại diện của Agribank hiện, các chi nhánh của ngân hàng này tại khu vực ĐBSCL được phép tăng hạn mức cho vay tín chấp đối với các DN thu mua lúa gạo tạm trữ cho người dân. Tại VietinBank, diễn biến khá tích cực khi các DN thu mua thóc gạo không chỉ được cung ứng vốn kịp thời, mà còn được xem xét tăng hạn mức vay vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo ngân hàng trên, tín dụng tăng bao nhiêu còn phụ thuộc ở khả năng hấp thụ của DN, của nền kinh tế. Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia ngân hàng cho biết, do tháng 2 chỉ có 28 ngày, lại có tới 9 ngày nghỉ Tết, nên các hoạt động kinh tế đều giảm. Bên cạnh đó lượng DN ốm, chết tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu tín dụng.

“Mặc dù 2 tháng đầu năm có gần 16 nghìn DN thành lập mới, song mới chỉ là đăng ký, chưa đi vào hoạt động nên cũng chưa phát sinh nhu cầu tín dụng. Trong khi số DN giải thể, ngừng hoạt động là gần 26,2 nghìn, đều là những DN đang hoạt động khiến cầu tín dụng giảm”, vị chuyên gia trên phân tích.

Tuy nhiên theo ông, việc nền kinh tế vận hành tốt hơn trong thời gian tới, cộng thêm yêu cầu mở rộng tín dụng của Thủ tướng, nên sắp tới tín dụng sẽ tăng trưởng tốt hơn. Đây là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các quý sau.

Song, cũng có ý kiến lo ngại việc mở rộng tăng trưởng tín dụng lặp lại chính sách tăng trưởng kinh tế dựa vào tín dụng trước đây sẽ tạo ra tăng trưởng nóng. Lo ngại trên là có cơ sở khi tỷ lệ đòn bẩy tín dụng của Việt Nam đã lên tới khoảng 130% GDP - cao nhất trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia ngân hàng, không nên quá lo lắng về chỉ đạo trên. Vì người đứng đầu Chính phủ chỉ yêu cầu mở rộng tín dụng, giảm lãi suất đối với lĩnh vực ưu tiên và “nhắc nhở” các ngân hàng rải đều tín dụng qua các tháng. Hơn nữa, các ngân hàng cũng không thể tăng tín dụng mạnh như những năm trước khi mà NHNN chỉ định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14%.

Không nên quá chú trọng đến vấn đề hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng là quan điểm của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. Theo ông Hùng, điều quan trọng đối với ngành Ngân hàng là phải đáp ứng đủ vốn cho sản xuất kinh doanh. Nếu cần thiết có thể linh hoạt tăng lên chứ không chốt cứng ở mức 14% như đề ra.

“Không phải NHNN đưa ra hạn mức là khống chế đầu tư. Việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát quan trọng nhưng không có nghĩa là không mở rộng cho vay. Điều quan trọng là vay đúng và trúng đối tượng sử dụng đúng mục đích, tạo ra sản phẩm. Qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. NHNN chỉ khống chế đầu tư vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán…”, ông Hùng nhắc lại quan điểm.

Trên giác độ của người trực tiếp kinh doanh vốn, CEO của một ngân hàng cũng thẳng thắn chia sẻ, dù có muốn tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên cao thì các nhà băng cũng phải cân đối với nguồn vốn hiện có của mình. Nhất là năm nay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo quy định của NHNN chỉ còn 40%, các ngân hàng phải căn ke chặt chẽ hơn khi cấp tín dụng. Đặc biệt là NHTM có vốn Nhà nước đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn khó có thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Chưa kể, phía trước còn là lộ trình từng bước chuẩn bị áp dụng Basel II với đòi hỏi yêu cầu đủ vốn cao hơn.

“Theo hạn mức tín dụng được giao, nếu các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào các lĩnh vực ưu tiên nhiều hơn thì buộc tín dụng cho các lĩnh vực khác nhất là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán... sẽ phải thu hẹp lại. Như vậy, chắc chắn sẽ không làm tín dụng tăng vọt”, vị CEO trên đưa ra quan điểm.

Ngay cả những ngân hàng tuân thủ Basel II trước hạn được cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung cũng tỏ ra thận trọng không để tăng trưởng tín dụng quá cao. Lý giải cho sự thận trọng này, vị CEO ngân hàng trên cho hay, khi tuân thủ Basel II cách tính toán hệ số an toàn vốn khác so với quy định Thông tư 36 theo hướng chặt chẽ hơn nhiều. Giả sử, với quy mô vốn của ngân hàng này theo quy định cũ chỉ cần 6.000 tỷ đồng có thể đảm bảo hệ số CAR là 11%; nhưng nếu tính theo chuẩn Basel II thì tỷ lệ này chỉ còn 9%.

Vì vậy, muốn tăng trưởng tín dụng cao hơn, ngân hàng phải tính toán cho phù hợp với sức khoẻ tài chính, đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng, chưa kể hệ thống quản lý danh mục tín dụng phải đảm bảo phân tán rủi ro chứ không thể tăng ồ ạt tập trung vào một ngành, lĩnh vực nào được.

Còn đối với định hướng giảm lãi suất của Thủ tướng, ngay từ đầu năm, sau lời kêu gọi của NHNN các NHTM lớn đã tiên phong đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, không nên kỳ vọng lãi suất cho vay có thể giảm trên diện rộng và mặt bằng lãi suất như hiện nay đang ở mức phù hợp; nếu ngân hàng nào có điều kiện thì giảm.

“Hiện tại các ngân hàng đang căng mình tuân thủ những quy định khắt khe hơn như chỉ được sử dụng 40% vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Xa hơn là đáp ứng chuẩn Basel II. Do vậy, nếu có giảm chỉ lãi suất tiết kiệm ngắn hạn giảm, còn dài hạn khó có thể kỳ vọng giảm thậm chí có thể tăng nhẹ. Ưu tiên hàng đầu của các ngân hàng hiện nay là đảm bảo các quy định về an toàn vốn, hoạt động lành mạnh”, vị này nhấn mạnh.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến