Dòng sự kiện:
Tín dụng khó tăng mạnh tháng cuối năm
15/12/2023 16:55:36
Thị trường khó khăn, tín dụng khó bật tăng dịp cuối năm, nên tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 được dự báo đạt mức thấp hơn so mục tiêu ngành ngân hàng đưa ra.

Tín dụng khó tăng vì nhu cầu đầu tư, sản xuất, tiêu dùng khá thấp. Ảnh: Đức Thanh

Còn gần 638.000 tỷ đồng tín dụng

Thế số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.

Trước đó, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tuần cuối tháng 11, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng thêm gần 1%, tương đương tăng hơn 112.000 tỷ đồng.

Tuy bức tốc mạnh trong tuần cuối tháng 11/2023, nhưng tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước và kém xa mục tiêu NHNN đề ra hồi đầu năm. Với chỉ tiêu định hướng đầu năm (14,5%), ước tính dư địa mà các ngân hàng có thể cho vay thêm trong tháng 12 là gần 638.000 tỷ đồng.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu từ các yếu tố khách quan, như đầu tư, sản xuất, tiêu dùng giảm, dẫn tới cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp giảm tương ứng. Bên cạnh đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu, nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn.

Đồng thời, Phó thống đốc cho hay, khó khăn từ thị trường bất động sản tác động đến khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản, trong khi tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng lớn (khoảng 21% tổng tín dụng chung).

Ngoài ra, qua công tác thanh tra, giám sát, nhiều khách hàng vay có tình hình tài chính kém lành mạnh, sử dụng vốn vay sai mục đích, đầu tư, kinh doanh kém hiệu quả, dẫn đến không trả được nợ vay. Trong khi đó, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu của nền kinh tế; nợ xấu có xu hướng tăng tại một số tổ chức tín dụng, làm hạn chế khả năng cấp tín dụng; xử lý nợ xấu còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan, Phó thống đốc cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng. Đó là, mặc dù lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại còn ở mức khá cao. Một số ngân hàng cũng thiếu mạnh dạn cấp tín dụng, còn thận trọng, lo sợ nợ xấu tăng...

Không nên kỳ vọng đạt mục tiêu 14%

PSG-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, thanh khoản của ngân hàng khá dồi dào, trong khi doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện vay thì lại không muốn vay, vì không có đầu ra. Ngược lại, doanh nghiệp muốn vay lại khó đáp ứng đủ điều kiện tín dụng, nhất là sau đại dịch, kinh tế khó khăn, hết tài sản đảm bảo. Vì thế, việc giảm lãi suất lúc này cũng không hẳn là vấn đề mấu chốt để thúc đẩy hoạt động cho vay, nên khó kỳ vọng tín dụng tăng cao khi sức hấp thụ vốn còn yếu.

Đến ngày 30/11/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt khoảng 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022, thấp hơn so với cùng kỳ các năm.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tín dụng tăng trưởng vẫn thấp so với mục tiêu 14%, do không có đầu ra, tiêu chuẩn người đi vay chưa được đáp ứng, cho dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm so với đầu năm 2023. “Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, tín dụng/GDP lên tới 130%. Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển, thì tín dụng chỉ nên tăng ở mức 10-12%/năm, không nên ở mức 13-15% như hiện nay”, TS. Thành nói.

Cuối tháng 11/2023, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo việc nới room cho các ngân hàng công khai, minh bạch theo các nguyên tắc và tiêu chí cụ thể.

Theo đó, các tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo, thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những tổ chức tín dụng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, đối với vấn đề điều hành tăng trưởng tín dụng, NHNN xem xét, đánh giá lại toàn bộ quá trình điều hành chỉ tiêu room tín dụng. Đồng thời, trong thời gian tới, việc có tiếp tục duy trì room tín dụng hay không hoặc có lộ trình như thế nào sẽ trên tinh thần khắc phục hạn chế, tạo điều kiện đảm bảo tiêu chí kiểm soát được rủi ro tín dụng.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), động thái nới room tín dụng mang nhiều ý nghĩa tích cực về mặt tâm lý, chứ không giải tỏa căng thẳng của thị trường. Năm nay, tín dụng toàn ngành thấp, nhiều ngân hàng vẫn còn room tín dụng, chứ không giống như năm ngoái. Nếu phía cầu không có thì hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền. Do đó, theo ông Huân, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ đạt khoảng 12-13%.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến