Dòng sự kiện:
Tín dụng tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu
25/02/2019 13:02:59
Các NHTM đưa thêm nhiều gói tín dụng chuyên biệt, trong khi đó diễn biến lãi suất và tỷ giá cũng đang tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu trong năm 2019.

Ngân hàng “chiều” nhà xuất khẩu

Cuối tháng 1 vừa qua, SHB tung ra sản phẩm chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu. Với sản phẩm này, ngân hàng sẽ nắm giữ bộ chứng từ xuất khẩu và thực hiện thu tiền từ bên thứ 3.

Ảnh minh họa

Theo SHB, đây cũng là một hình thức cấp tín dụng, bởi ngân hàng sẽ thực hiện ứng tiền trước cho DN xuất khẩu thông qua việc mua lại bộ chứng từ xuất khẩu chưa đến hạn thanh toán của DN. Việc áp dụng tỷ lệ thanh toán 98% giá trị trên chứng từ và thời gian chiết khấu kéo dài 6 tháng sẽ là cơ hội tốt cho các DN xuất khẩu kịp thời bổ sung vốn lưu động và tăng vòng quay vốn.

Không chỉ SHB, hiện nay hàng loạt các NHTM như: HDBank, TPBank, VPBank… cũng đang áp dụng hình thức tài trợ DN xuất khẩu thông qua sản phẩm cho vay chiết khấu bộ chứng từ. Tại TPBank các DN xuất khẩu được ngân hàng áp dụng hình thức thế chấp lô hàng hình thành từ phương án mở L/C với tỷ lệ 95%. Bên cạnh đó, DN được nhà băng hỗ trợ phát hành tất cả các loại L/C với tỷ lệ ký quỹ từ 0% - 15%.

Không chỉ vậy các DN chế biến hàng xuất khẩu từ nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu còn được hỗ trợ thông qua giải pháp thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (L/C UPAS) mà TPBank đang triển khai này và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía DN xuất nhập khẩu vì nó giúp DN thanh toán trước cho người thụ hưởng bằng ngoại tệ với lãi suất thấp mà vẫn được hưởng thời gian trả chậm tối đa lên tới 360 ngày, đồng thời giảm bớt sức ép về ngoại tệ và tiết kiệm chi phí cho DN.

Riêng đối với DN thu mua nguyên liệu trong nước, TPBank hiện đang tung ra một gói tín dụng trị giá 1.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn ưu đãi lãi suất. Theo đó, các DN có thể vay vốn thấp hơn 1% so với mức lãi suất thông thường để thu mua hàng hóa chế biến xuất khẩu.

Ở HDBank, tình hình cũng diễn biến tương tự. Nhà băng này ngoài việc tiếp tục triển khai các sản phẩm nhận đảm bảo bằng chứng thư xuất khẩu còn cam kết đưa ra một gói tín dụng trị giá 10.000 tỷ đồng. Với gói tín dụng này, HDBank áp dụng mức lãi suất thấp hơn 1% lãi suất thông thường và chấp nhận tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay tối đa 80% trong vòng 10 năm.

Bên cạnh đó, để chia sẻ đặc thù kinh doanh của từng lĩnh vực ngành nghề, HDBank cũng xây dựng các chương trình xuất khẩu kèm các giải pháp tài chính chuyên biệt. Trong đó, có những giải pháp tài chính dành riêng cho các DN ngành điều và ngành lúa gạo với khá nhiều ưu đãi.

Không lo lỗ tỷ giá và vay ngoại tệ

Trong bối cảnh các NHTM đồng loạt đưa ra nhiều sản phẩm hỗ trợ tài chính xuất khẩu, ghi nhận từ chính các DN xuất khẩu tại nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày và nông thủy sản, hầu hết các ý kiến đều khá lạc quan với kế hoạch kinh doanh trong năm 2019.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết, ngay trong những tháng đầu năm, lượng hàng trái cây xuất khẩu đi Mỹ của DN này đã đạt khoảng vài chục tấn. Nhờ sự tài trợ vốn từ các TCTD bên cạnh các giải pháp thanh toán thương mại, đơn vị đã có đủ nguồn lực hoàn thiện nhà máy dừa tươi tại Bến Tre với tổng công suất 25 triệu trái/năm. Nếu tình hình tiếp tục khả quan, kế hoạch tăng trưởng 2 con số trong năm 2019 của Vina T&T Group là hoàn toàn khả thi.

Trong khi đó ở lĩnh vực thủy sản, hầu hết các DN cỡ lớn (như Vĩnh Hoàn, Cửu Long) đều nhận định rằng với sự ổn định dòng tiền và nguồn đơn hàng như hiện tại thì việc đạt mục tiêu kinh doanh 2019 sẽ “dễ như ăn kẹo”. Thậm chí một số DN đang thua lỗ, từng phải tính đến các phương án thanh lý tài sản để trang trải các khoản nợ ngân hàng như Thủy sản An Giang, Thủy sản Hùng Vương… hiện nay cũng đã bắt đầu khởi sắc trở lại. Các khoản chi phí lãi vay và lỗ do chênh lệch tỷ giá đã bắt đầu có xu hướng nhỏ dần trong bảng cân đối tài chính.

Ở lĩnh vực dệt may diễn biến cũng đang khá thuận lợi. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thông tin rằng, kết thúc tháng 1/2019 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may đã đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, hầu như không có DN nào chịu thiệt khi phải chịu hoán đổi chênh lệch tiền tệ.

Theo phản ánh của các DN dệt may, hiện lãi suất vay USD ngắn hạn ở mức 2,8% - 4,7%/năm, vay dài hạn ở mức 4,5% - 6,0%/năm. Đây là mức chấp nhận được. Nhất là hiện nay các NHTM vẫn đang thực hiện cho vay ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên liệu (với các DN có đủ nguồn ngoại tệ thu về từ đơn hàng xuất khẩu để trả nợ - PV).

Nhiều DN nhận định rằng, nếu từ nay đến cuối năm tỷ giá VND/USD không quá biến động thì đa số các DN không phải quá lo lắng về chi phí lãi vay mà chỉ cần tập trung tranh thủ các đơn hàng là có thể đảm bảo kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận.

Tỷ giá tiếp tục có lợi cho xuất khẩu

Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng quân đội (MBS) trong năm nay, nhiều khả năng tỷ giá sẽ giảm nhẹ khi nền kinh tế Mỹ đã tạo đỉnh tăng trưởng trong 2018 (với dự báo tăng trưởng GDP 2019 là 2,3%) khiến FED sẽ phải giảm bớt cường độ tăng lãi suất. Điều này khiến sức ép lên VND không quá mạnh và do đó, tỷ giá VND/USD trong năm 2019 chỉ tăng nhẹ khoảng 1,5-2% nhằm cân đối hai mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tỷ giá trung tâm VND sẽ giảm giá không quá 3% trong năm nay. Với biến động tỷ giá dự báo khoảng 2%, trong năm 2019 các DN đang có nhiều nợ vay bằng đồng USD cũng như những DN nhập khẩu ròng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực. Ngược lại, việc này sẽ có lợi cho những DN xuất khẩu ròng và không có hoặc có ít nợ vay bằng đồng USD.

Theo Thời báo ngân hàng

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến