Dòng sự kiện:
Ứng phó với tín dụng đen: Coi chừng chữa trâu lành thành trâu què!
24/02/2019 12:09:36
Việc nhà nước quan tâm đến đời sống của người dân là cần thiết. Tuy nhiên, cần hiểu rõ cơ chế thị trường và những trục trặc của nó để có được chính sách phù hợp. Nếu không, rất dễ chữa trâu lành thành trâu què.

Gói tín dụng 5.000 tỉ đồng ứng phó với tín dụng đen, nếu không khéo sẽ là một chính sách như vậy.

Tín dụng đen đã có từ thời cổ xưa và tồn tại dai dẳng đến ngày nay.

Tại sao tín dụng đen dai dẳng tồn tại?

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành ngân hàng sẽ thấy rằng những người cho vay tiền hay cho vay tự do (moneylender) mà Việt Nam hay gọi là cho vay nặng lãi/tín dụng đen đã có từ thời cổ xưa và tồn tại dai dẳng đến ngày nay.

Những kẻ cho vay nặng lãi là tiếng xấu mà cộng đồng người Do Thái đã phải gánh chịu từ rất lâu. Tuy nhiên, trên thực tế, họ thuộc những người biết làm ăn nhất thế giới.

Ngay từ ngày xưa, khi thấy các nhà thờ hay chùa chiền có của cải được các tín đồ thờ cúng để không thì một số người đã có ý tưởng mượn chúng rồi cho người khác vay với một mức lãi suất nào đó. Xuất phát điểm của ngân hàng là vậy.

Theo thời gian, do bất cân xứng thông tin (một bên có nhiều thông tin hay kiến thức hơn bên kia) nên kinh doanh ngân hàng xảy ra nhiều trục trặc làm người gửi tiền bị mất và khủng hoảng xảy ra. Do vậy, nhà nước có các quy định rất chặt chẽ trong hoạt động ngân hàng và các ngân hàng thường thận trọng trong việc xét duyệt và cho vay.

Tuy nhiên, nhu cầu của xã hội rất đa dạng và có những loại hình mà các ngân hàng hay tổ chức cung cấp tín dụng chính thức khó mà thẩm định được khách hàng. Các hoạt động kinh tế phi chính thức và kinh tế ngầm thuộc dạng này. Do vậy, những người cho vay tiền tự do hay tín dụng đen vẫn tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế giới (kể cả các nước phát triển).

Tại sao lãi suất của tín dụng đen rất cao?

Với mặt bằng lãi suất cho vay thông thường khoảng 12%/năm thì lãi suất cầm đồ vào khoảng 3%/tháng hay 42%/năm (tính lãi kép). Tín dụng đen còn cao hơn rất nhiều. Theo tài liệu của Ngân hàng Thế giới về tín dụng đen vào năm 1990 - thời điểm tổ chức này đã có những nghiên cứu về nguyên nhân thất bại khi nhà nước can thiệp hay có những chính sách đối với vấn đề này - thì có những nơi lãi suất cho vay lên đến 75%/năm và có những lúc người vay không thể vay với bất kỳ mức lãi suất nào.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân cơ bản làm cho lãi suất của cho vay tự do rất cao. Thứ nhất, các khoản vay này thường ngắn hạn nên mức lãi nằm trong khả năng chi trả của người đi vay. Ví dụ, vay 5 triệu đồng trong 3 ngày với lãi suất 1% (lãi suất kép gần 240%/năm) thì khoản lãi chỉ có 50.000 đồng.

Thứ hai, suất sinh lợi của những khoản vay này thường rất cao. Ví dụ, một người phải cuốc đất trên mảnh vườn của mình nếu mua được con trâu để cày thì năng suất và hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Do vậy, lãi suất đi vay vẫn thấp hơn hiệu quả tạo ra trong nhiều trường hợp.

Thứ ba, liên quan đến rủi ro không thu hồi được nợ mà người cho vay gặp phải. Trên thực tế, tín dụng đen thường gắn với các thành phần “bất hảo” như cờ bạc, cá độ... Do vậy, việc đòi nợ một cách tử tế không phải là việc dễ dàng. Điều này làm cho người cho vay phải lấy một mức lãi suất rất cao để bù đắp cho rủi ro không thể thu hồi nợ hoặc chi phí cho đội ngũ đòi nợ thuê.

Nghiên cứu của Stiglitz - nhà kinh tế đoạt giải Nobel về vấn đề bất cân xứng thông tin cùng với các đồng sự của mình còn chỉ ra rằng, lãi suất cho vay trong trường hợp này còn thấp hơn mức cân bằng của thị trường để có thể sàng lọc, loại bớt một số đối tượng quá rủi ro.

Thứ tư, sự độc quyền của người cho vay cũng là một nhân tố làm cho lãi suất cao. Thực tế, những người cho vay tự do chỉ hoạt động trong một phạm vi nhỏ trong cộng đồng quen biết lẫn nhau chứ ít khi vượt ra các “lãnh thổ” khác vì khả năng mất vốn là rất cao.

Trong bốn vấn đề trên, độc quyền là yếu tố nhà nước cần can thiệp trực tiếp. Tuy nhiên, yếu tố này không nhiều vì nhiều người trong một địa phương/cộng đồng có thể cung cấp tín dụng dạng này. Trong khi các nguyên nhân khác là do cấu trúc của thị trường mà chính sách công can thiệp trực tiếp về cơ bản không mang lại hiệu quả và rất khó can thiệp.

Gói 5.000 tỉ đồng sẽ được hoạt động như thế nào?

Như đã phân tích ở trên, tín dụng đen thường gắn với nền kinh tế phi chính thức và các hoạt động không hợp pháp. Những thông tin truyền thông phản ánh đa phần là những trường hợp bị các đối tượng đòi nợ thuê khủng bố do dính đến các vấn đề này, đã vay vốn để “gỡ” nhưng ngày càng lún sâu vào nợ nần và không có lối thoát. Tháng Giêng thường là thời điểm hoạt động rầm rộ nhất của tín dụng đen.

Những trường hợp rơi vào bước đường cùng như nhà có việc hệ trọng cần phải vay tiền ngay để trang trải cũng có, nhưng không phải là đối tượng chính của tín dụng đen. Nói cách khác, đây chỉ là một bộ phận nhỏ, trong khi những người làm ăn căn cơ biết tính toán, ngại rủi ro rất ít khi dính phải tín dụng đen vì hiểu được cái giá phải trả.

Với hai nhóm đối tượng nêu trên, rất khó hình dung là cơ chế giải ngân của gói tín dụng 5.000 tỉ đồng sẽ được thực hiện như thế nào.

Đối với những người liên quan đến các hoạt động không hợp pháp nêu trên, không thể cho vay vì khả năng mất vốn và những người vay dính vào lao lý (nếu quy định làm chặt) là rất cao. Trái lại, nếu làm lỏng lẻo thì đây lại là một cơ hội cho tham nhũng và trục lợi. Biết cho vay không trả được và trước sau gì sẽ được xóa nợ thì người cho vay rất dễ làm bậy. Không khéo lại lợi bất cập hại, tiếp tay cho tín dụng đen hoạt động rầm rộ hơn.

Đối với những trường hợp nhà có việc cũng không phải là vấn đề đơn giản. Làm sao chứng minh được để vay tiền? Khi đó sẽ phải có rất nhiều thủ tục cần thiết nếu muốn làm chặt. Nếu không thì rơi vào tình trạng như trên.

Đâu là giải pháp?

Gói tín dụng 5.000 tỉ đồng nêu trên nếu xét ở góc độ xã hội để trấn an dư luận là cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai là rất khó với nhiều rủi ro và nhiều cái vướng như phân tích ở trên. Do vậy, trong tình huống này, các chính sách gián tiếp nên được xem xét.

Thứ nhất, một trong những vấn đề quan trọng là sự hiểu biết về tài chính (financial literacy) của người dân. Khi không có những hiểu biết hay hình dung đầy đủ về những vấn đề liên quan, thiếu khả năng quản lý tài chính cá nhân thì sẽ rất dễ “ăn phải quả đắng”. Do vậy, giải pháp cần làm là có những chương trình cung cấp kiến thức về tài chính cho người dân trên truyền thông.

Thứ hai, cần phát triển hệ thống tài chính vi mô mà nó gắn liền với các tổ chức cộng đồng và dân chủ ở cơ sở. Đây đang là khoảng không rất lớn ở Việt Nam. Các hoạt động của các tổ chức chính thức như Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khó có thể bao phủ toàn bộ. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để phát triển loại hình tài chính này

Cuối cùng, cần tạo ra các cơ hội kinh tế để người dân có công ăn việc làm với nguồn thu nhập ổn định và không phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế phi chính thức. Khi đời sống được nâng cao, nhận thức tốt hơn thì khả năng bị “dính” vào tín dụng đen cũng thường giảm theo.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến