Dòng sự kiện:
Tín dụng tiêu dùng báo lỗ, giảm lãi
07/09/2023 10:32:53
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến tiêu dùng sụt giảm, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng cũng khó tránh được vòng xoáy suy giảm trong nửa đầu năm 2023.

Ảnh minh họa

Báo lỗ 6 tháng đầu năm

Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đối mặt với những tác động tiêu cực từ Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, khó khăn với ngành tài chính tiêu dùng hiện rõ khi nhiều công ty tài chính có kết quả kinh doanh suy giảm.

Trong quý I/2023, VietCredit báo lãi trước thuế 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tuy nhiên, quý II/2023, Công ty bất ngờ báo lỗ khi công bố báo cáo soát xét sau kiểm toán, ghi nhận khoản lỗ 73,6 tỷ đồng nửa đầu năm 2023.

FE Credit vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023, với khoản lỗ sau thuế 2.996 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất này có lãi 144 tỷ đồng, nhưng lũy kế cả năm 2022 ghi nhận lỗ hơn 3.000 tỷ đồng. Theo đó, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit giảm từ 0,9% xuống còn -29,23%.

FE Credit cũng tiết lộ vốn chủ sở hữu giảm 35,6%, xuống còn 10.250 tỷ đồng; hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,02 lên 5,43; dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu tăng từ 14,45% lên 23,41%; tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành giảm từ 23% xuống còn 13,89%.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit đang là mức cao trong ngành tài chính tiêu dùng; chi phí dự phòng tăng mạnh, đạt 13.681 tỷ đồng (tăng 20%) trong năm 2022. Trong khi đó, VNDirect dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo VPBank nhận định, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là 6 tháng đầu năm. Ngân hàng kỳ vọng, hoạt động của FE Credit dần ổn định và có lãi vào quý III - IV/2023. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung chậm lại, nhưng được tập trung vào khách hàng ít rủi ro hơn.

Có thể thấy, trong bối cảnh tổng thể của ngành, việc các công ty tài chính tiêu dùng ghi nhận khoản lỗ và giảm lãi nửa đầu năm nay được xem là hệ quả tất yếu. Những khó khăn mà các công ty tài chính đang gặp phải, theo đánh giá, là hệ quả từ những khó khăn chung của kinh tế vĩ mô bắt đầu xuất hiện vào những tháng cuối năm 2022.

Khó tránh giảm lãi

Sau một năm lãi kỷ lục gần 1.200 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023, Home Credit Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 211 tỷ đồng. Tính đến cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu của Công ty là 6.571 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% so với ngày đầu năm.

Cùng với đó, tổng nợ phải trả của Home Credit gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 18.202 tỷ đồng, giảm 29% sau 6 tháng. Trong đó, dư nợ trái phiếu tăng không đáng kể, ở mức 1.117 tỷ đồng và chiếm 5% tổng nguồn vốn. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty tín dụng này gần 24.773 tỷ đồng.

Tương tự, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của HD Saison tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số của 6 tháng đầu năm 2022. HD Saison là một trong số ít công ty tài chính tiêu dùng tiếp tục ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương trong năm 2022, nhưng tới nửa đầu năm 2023, những tác động tiêu cực từ thị trường đã kéo giảm lợi nhuận của Công ty.

Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm trong khi tổng dư nợ vẫn ở mức cao là biên sinh lời (NIM) của HD Saison giảm từ 30,2% về 29,7% khi chi phí vốn tăng từ 6% lên 7,9%. Để bù đắp sự gia tăng từ chi phí vốn, HD Saison đã tiết giảm chi phí, đưa tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) - vốn liên tục giảm từ 61,4% vào năm 2017, tiếp tục giảm về 37,3% vào cuối tháng 6/2023.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ của HD Saison sụt giảm nhẹ so với cuối năm 2022, nhưng vẫn duy trì ở mức xấp xỉ cùng kỳ năm trước, với 15.590 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 7,1% (cuối năm 2022) lên 7,9%, với 1.234 tỷ đồng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5. Tổng tài sản của HD Saison cũng giảm nhẹ so với cuối năm trước, về 16.600 tỷ đồng.

Một trong những điểm sáng tích cực trong hoạt động của HD Saison là vẫn giữ vững được thị phần cho vay xe máy, một trong những thế mạnh của Công ty trong nửa đầu năm 2023, với thị phần 42%, tăng nhẹ so với mức 37% cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng cho vay xe máy chiếm 22,8% tổng danh mục cho vay của HD Saison.

Cùng với đó, cho vay tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng chính tại HD Saison, với 51,5% (con số tính toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước là 37,7% - dưới ngưỡng tối đa là 50%); cho vay điện máy chiếm tỷ trọng 25,3%. Ông Đàm Thế Thái, Phó tổng giám đốc HD Saison cho biết, Công ty vẫn hoạt động ổn định nhờ định hướng kinh doanh khá khác biệt so với các bên cho vay tiêu dùng khác và khó khăn hiện nay của ngành tài chính tiêu dùng chỉ mang tính chất tạm thời.

Tác giả: Vân Linh

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến