Tin liên quan
Thật ấm lòng khi mục sở thị những mô hình thoát nghèo nhờ đồng vốn của VBSP đang "nở hoa" trên vùng đất Tây Nguyên. Nhiều hộ gia đình kinh tế trước đây rất khó khăn, nay nhờ sự tiếp sức đồng vốn của ngân hàng mà cuộc sống đã có nhiều đổi thay, từ thiếu ăn đến có của ăn của để. Cười tươi như hoa chị Rơ Chăm Nguong dân tộc Ê-Đê ở làng Pốk xã Ia Kươl, huyện Chư Păh chỉ tay vào vườn cà phê mà nói: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của VBSP từ năm 2013 với số tiền 20 triệu đồng trong thời gian 5 năm. Nhờ có nguồn vốn này, gia đình đã trồng được 300 gốc cà phê trên diện tích 15.000 mét vuông. Vườn cà phê năm nay đã cho thu hoạch được 20 triệu đồng, trừ đi các khoản tiền cho phân bón, cây giống, thuốc và các chi phí khác lãi được lãi 3 triệu đồng.“ Nơi tôi sinh sống, bà con còn nghèo lắm, không ai có tiền cho vay, từ khi được vay vốn của VBSP để trồng cà phê thì kinh tế gia đình hứa hẹn trong một vài năm tới sẽ bớt khó khăn. Sau 5 năm trả hết gốc ngân hàng thì gia đình sẽ có 300 gốc cà phê để tiếp tục canh tác trong những năm tiếp. Gia đình tôi sẽ vay thêm vốn để mở rộng canh tác và trồng thêm cà phê”, chị Nguong tâm sự.
Gia đình chị Rơ Chăm Nguong cũng chỉ là 1 trong hàng nghìn hộ nghèo ở Tây Nguyên được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng ưu đãi thông qua VBSP. Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc VBSP cho biết, trong 3 năm thực hiện Đề án, NH này đã giải ngân cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên với doanh số đạt 16.491 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 12.453 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đến ngày 31/10/2015 là 16.278 tỷ đồng, với gần 700 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2011, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 8,96%, trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%, cao hơn 1,2%.
Nói về thành công của Đề án, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ, chất lượng tín dụng chính sách tại Gia Lai được nâng lên rõ rệt, cụ thể tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,98% vào đầu năm 2012 đến nay còn 0,27%, giảm 0,71% so với đầu năm 2012. Qua 3 năm thực hiện Đề án, ngoài nguồn vốn tín dụng chính sách từ Trung ương, HĐND và UBND tỉnh, huyện đã ủy thác sang VBSP với số tiền 52,4 tỷ đồng để hòa chung với nguồn vốn VBSP mở rộng cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Còn ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, kết quả giảm nghèo của tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua có đóng góp rất quan trọng của từ nguồn vốn của VBSP, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,31% năm 2012 xuống còn 2,75% cuối năm 2014. VBSP thực sự là người bạn đồng hành, đáng tin cậy của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, là công cụ đắc lực của Đảng bộ, chính quyền trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội mà Đảng bộ tỉnh đã đề ra trong nhiệm kỳ 2010-2015.
Tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn
Qua 03 năm thực hiện Đề án, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đã tăng 4.883 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt gần 9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân toàn quốc là 1,3%/năm., góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên trong thời kỳ 2011-2014 giảm từ 18,92% xuống còn 11,22%; góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đại tướng Trần Đại Quang cho rằng, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội đã có chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là từ sau khi Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội được ký kết ghi nhớ giữa Ban chỉ đạo Tây Nguyên với VBSP được ký kết. ‘’Sự phối hợp giữa các đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn, trưởng buôn, làng trong việc bình xét cho vay được thực hiện công khai, qua đó nâng cao chất lượng quản lý, giám sát sử dụng vốn vay. Bà con vay vốn có chuyển biến về ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về trả nợ vay khi đến hạn”, Đại tướng nhấn mạnh.
Đại tướng cho biết thêm, cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Quan tâm chỉ đạo điều tra, rà soát để tạo điều kiện cho các đối tượng này được tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách. Tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Coi trọng chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch tại cơ sở; thực hiện công khai về các chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách.
Thay mặt lãnh đạo ngành Ngân hàng và Hội đồng quản trị VBSP, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng biểu dương thành tích đã đạt được của cả hệ thống VBSP trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, theo Thống đốc, để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi trong cả nước nói chung và tại vùng Tây Nguyên nói riêng, ngành Ngân hàng và VBSP sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Thứ hai, phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp để quán triệt và thực hiện có kết quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội nhằm hiện thực hóa chủ trương đường lối của Đảng vào cuộc sống của người dân Tây Nguyên.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Thứ tư, cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường nguồn vốn địa phương dành cho công tác giảm nghèo, tạo việc làm trên địa bàn. Cân đối nguồn lực để phân bổ nguồn vốn tín dụng theo phương châm ưu tiên đầu tư cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Nguyên, vùng có nhiều tiềm năng phát triển tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn sản xuất, tạo việc làm nâng cao đời sống, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Thứ năm, tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng thương mại, triển khai các chính sách tín dụng đặc thù cho các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm có thế mạnh nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Trong chuyến công tác tại Gia Lai, Thống đốc NHNN, Chủ tịch HĐQT VBSP Nguyễn Văn Bình và các cán bộ VBSP đã đến thăm và tặng quà cho các hộ gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ia Khươi, huyện Chư Păh. Trong đó, Thống đốc đã đến thăm và tặng quà hai hộ gia đình người đồng bào Gia Rai là hộ chị Phyên và hộ chị B’ Díu (buôn L Pốc, xã Ia Khươi). Đây là 2 hộ gia đình đang vay vốn chương trình cho vay hộ nghèo của VBSP với mức vay 20 triệu đồng/hộ và sử dụng vốn vay hiệu quả. |
Nên đọc
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy