Tin lời Vietjet bỏ hàng tỉ đồng sang Mỹ học phi công rồi… thất nghiệp
01/12/2015 17:49:40
Tốn hàng tỉ đồng sang Mỹ học phi công nhưng khi tốt nghiệp về nước, các phi công tương lai lại chịu cảnh thất nghiệp, ngồi nhà suốt 4-5 tháng qua.

Tin liên quan

Học viên đào tạo phi công đợt 1 của Vietjet trong ngày trúng tuyển - Ảnh do học viên cung cấp

Giấc mơ bay trên bầu trời, làm chủ “chim sắt” khiến nhiều bạn trẻ và gia đình không ngần ngại bỏ hàng tỉ đồng sang Mỹ học phi công. Sau khi tốt nghiệp về nước, những điều khoản hợp đồng đào tạo bất ngờ phát sinh với số tiền quá lớn khiến các phi công tương lai đành chấp nhận thất nghiệp.

Trường bị đóng cửa

Đầu năm 2014, hãng hàng không Vietjet thông tin rộng rãi sẽ phối hợp với hãng chế tạo máy bay Airbus và Trung tâm huấn luyện phi công Ahart (California, Mỹ)  để đào tạo phi công cho hãng. Thông tin ngay lập tức thu hút nhiều bạn trẻ. Nhiều người dù có công việc thu nhập ổn định nhưng cũng từ bỏ để tham gia khóa đào tạo của Vietjet.

Tháng 6.2014, Vietjet đã chọn 21 học viên (19 nam, 2 nữ) xuất sắc nhất trong số hàng trăm người thi tuyển để đưa đi Mỹ đào tạo. Vietjet cam kết sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo (kéo dài ít nhất 12 tháng, tùy năng lực của mỗi người), học viên sẽ được hãng nhận vào làm ở vị trí cơ phó với mức lương cứng 2.000 USD, cộng thêm 1.500 - 2.000 USD tùy theo giờ bay. Tổng cộng mức thu nhập sẽ là 3.500 - 4.000 USD/tháng.

Trước khi đưa học viên qua Mỹ học, Vietjet cử người sang kiểm tra trường Ahart nhưng cuối cùng trường này vẫn bị đóng cửa do có nhiều sai phạm - Ảnh do học viên cung cấp

Đổi lại, học viên phải tự túc chi phí học ở Mỹ để lấy các chứng chỉ phi công tư nhân (PPL) như bằng lái phi công thương mại (CPL), chứng chỉ năng định bay thiết bị (IR), chứng chỉ bay phối hợp tổ lái (MCC)… Vietjet dự kiến chi phí này tốn chừng 37.000 USD. Ngoài ra, học viên phải lo tiền ăn ở, chi phí sinh hoạt  suốt thời gian ở Mỹ. Người nào không đủ tiền có thể vay thế chấp tại ngân hàng HDBank. Vietjet còn thu mỗi học viên 4.000 USD gọi là phí quản lý.

Theo lời học viên, tại buổi giới thiệu khóa đào tạo phi công, Vietjet hứa sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo, hãng sẽ hỗ trợ học viên học chương trình chuyển loại phi công thương mại lên cơ phó máy bay A320.

Theo đó, Vietjet phối hợp với hãng Airbus đưa học viên học chuyển loại tại Toulouse (Pháp) với tổng kinh phí 35.000 USD, trong đó Airbus hỗ trợ 7.000 USD, học viên đóng 7.000 USD, 21.000 USD còn lại Vietjet cho vay sau đó trừ lương 500 USD/tháng.

Đợt đầu học viên đã đóng cho Vietjet 20.000 USD. Thậm chí khi sang trường Ahart dù điều kiện ăn ở không như mong đợi nhưng ai cũng hào hứng và tin tưởng vào tương lai. Lúc này ngoài việc đào tạo cho Vietjet, trường Ahart còn đào tạo khá đông học viên cho hãng Vietnam Airlines.

Tuy nhiên, học được một thời gian ngắn, các học viên phát hiện giấy phép huấn luyện đường bay của trường Ahart không được Cục Hàng không Việt Nam công nhận và sẽ hết hạn vào ngày 30.4.2014. Chưa kể học viên còn nhận được thông tin một thời gian nữa Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ niêm phong trường Ahart do trường này chuyển nhượng nhưng không tiến hành đổi chủ, nợ thuế, xăng dầu, tiền thuê sân bay, máy bay.

Chấp nhận thất nghiệp

Trước tình hình đó, nhiều học viên liên hệ với Vietjet nhưng không được phản hồi. Do không tin tưởng nên khi trường Ahart giục học viên đóng tiền đợt hai, không học viên nào đóng.

Cuối tháng 10.2014, Vietjet cử ông Chu Việt Cường (thành viên Hội đồng quản trị) sang làm việc với học viên. Tại đây, ông Cường thay mặt Vietjet thuyết phục các học viên đóng tiền, nếu có chuyện gì xảy ra hãng sẽ chịu trách nhiệm.

Phân nửa trong số 21 người chịu đóng thêm 10.000 USD, số còn lại không đóng. Sau khi ông Cường về, cuối tháng 10.2014, trường Ahart bị đóng cửa, niêm phong do những sai phạm kể trên.

Phí quản lý 4.000 USD mà Vietjet thu của mỗi học viên trong khóa đào tạo - Ảnh: Trung Hiếu chụp lại từ email học viên cung cấp

Lúc này học viên tiếp tục làm căng. Vietjet phải cử đại diện sang làm việc. Một phương án mới được đưa ra là học viên nào chưa đóng tiền đợt hai sẽ được giới thiệu sang trường mới để học.

Còn số học viên đã đóng tiền phải đến lần thứ ba, đại diện Vietjet cử người sang Mỹ mới có hướng giải quyết. Theo đó, Vietjet sẽ cho nhóm người này vay 10.000 USD trong vòng 5 năm để qua học lại từ đầu ở một trung tâm đào tạo bay khác.

Nhiều học viên cho hay chỉ với việc trường Ahart bị niêm phong, họ đã phải tốn gấp đôi chi phí theo học, thay vì 37.000 USD như dự tính ban đầu thì nay tốn hơn 74.000 USD. Chưa kể chi phí ăn ở, sinh hoạt ở Mỹ trung bình 1.000 USD/tháng/học viên cũng tăng lên do thời gian học bị kéo dài thêm.

“Thay vì tốn khoảng 50.000 USD cho 12 tháng học ở Mỹ thì nay muốn có đủ chứng chỉ tôi phải tốn gần 85.000 USD”, học viên D. tâm sự.

Điều đáng nói là trước khi cử học viên sang học, Vietjet đã cử người sang khảo sát trường Ahart nhưng không phát hiện ra sai phạm. Trong email của ông Đinh Việt Phương (người sang khảo sát trường Ahart) gửi cho lãnh đạo hãng khẳng định mọi tiêu chí về đào tạo của trường Ahart đều tốt. Được biết, chủ sở hữu trường Ahart là ông Trần Đức Thành.

Tháng 6.2015, sau khi hoàn tất chương trình học, các học viên liên hệ Vietjet thì ở đây yêu cầu học viên phải trải qua đào tạo bay (line training cost) và tiến hành chuyển loại phi công thương mại lên cơ phó A320 thì hãng mới ký hợp đồng.

Việc chuyển loại lên cơ phó A320 thay vì học ở Toulouse và được Vietjet hỗ trợ như lời hứa thì nay hãng lại giới thiệu học viên qua học ở Philippines hoặc Nga với giá 25.000 USD và không được bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Ngoài số tiền trên, học viên còn bất ngờ nhận được văn bản do Giám đốc điều hành Vietjet Lưu Đức Khánh ký ngày 2.11 quy định chi phí chương trình huấn luyện bay trên máy bay A320. Chương trình huấn luyện bay này dành cho học viên đã có bằng lái phi công thương mại (CPL). Theo đó, phí đào đạo bay (line training cost) dành cho trường hợp học viên thuộc chương trình đào tạo phi công khóa 1 là 35.000 USD, sau khi được miễn giảm 10.000 USD. Học viên phải đóng toàn bộ số tiền trên trước khi đào tạo. Vietjet cho biết sẽ hỗ trợ học viên bằng cách cho vay 1/2 chi phí đào tạo, tương đương 17.500 USD và sẽ cấn trừ vào tiền lương tháng.

 Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được nhận lương 200 USD/tháng. Sau khi hoàn thành đào tạo bay, học viên sẽ được Vietjet ký hợp đồng 3 năm. Thời gian đầu, người lao động chỉ nhận 75% mức lương của cơ phó người Việt lái máy bay A320 và sẽ nhận 100% lương khi đạt 500 giờ bay trở lên.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online về quyết định trên, một học viên nói: “Sau khi quyết định này ban hành, tôi phải trả chi phí chuyển loại 25.000 USD cộng với chi phí line training 17.500 USD, sau khi được cho vay. Tổng cộng tôi phải bỏ ra 42.500 USD, chưa kể số tiền vay phải trả dần. Đây là số tiền không tưởng với gia đình tôi lúc này sau khi đã bỏ hơn 1,6 tỉ đồng sang Mỹ học và giờ đành thất nghiệp ở nhà”, anh D. buồn rầu nói.

Vietjet sẵn sàng giải quyết khúc mắc của học viên

Đó là khẳng định của ban giám đốc Vietjet gửi báo Thanh Niên sau khi nhận được phản ánh của học viên mà báo chuyển tới.

Về sự cố của trường Ahart, Vietjet cho biết đây là tình huống bất khả kháng và ngoài sự kiểm soát của Vietjet. Tại thời điểm trường Ahart bị đóng cửa, ngoài 21 học viên Vietjet còn có khoảng 80 học viên Việt Nam học ở đây.

 Ngay sau khi sự cố xảy ra, Vietjet cử 4 đoàn sang hỗ trợ học viên. Đồng thời, hãng có thông báo hỗ trợ bằng cách cho học viên vay 10.000 USD để học tiếp. Vietjet cho hay hãng chỉ giới thiệu các cơ sở đào tạo bay, trong đó có Ahart để học viên lựa chọn. Do đó hãng không có ràng buộc về mặt pháp lý trong việc ký kết này.

Theo Vietjet, tính đến hết tháng 11.2015, trong 21 học viên do hãng giới thiệu, có 8 học viên hoàn thành khóa huấn luyện phi công tại Mỹ, trong số này có 3 học viên hoàn thành chuyển loại A320 (Type Rating),  2 học viên đang hoàn tất thủ tục để hãng tiếp nhận. Số học viên còn lại dự kiến sẽ tốt nghiệp vào quý I/2016.

“Chúng tôi thấy rằng một số học viên gửi đơn thư mang tính chất đơn lẻ, không đại diện cho nhóm học viên trên. Với những người đang liên hệ với quý báo, chúng tôi đề nghị quý báo giới thiệu tới làm việc trực tiếp với hãng. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe để giải quyết mọi khúc mắc”, trích thư Vietjet trả lời báo Thanh Niên .

Để làm rõ thêm vấn đề, PV Thanh Niên đã gặp 4 học viên đã hoàn tất chương trình học phi công ở Mỹ của Vietjet. Trong đó, đáng chú ý có học viên T. mới từ Mỹ về TP.HCM. Anh T. cho hay mình hoàn tất khóa đào tạo phi công vào tháng 8.2015 nhưng sau sự cố trường Ahart, chi phí tăng thêm, gia đình đủ tiền trả khiến anh phải ở lại Mỹ làm thêm để trang trải chi phí.

“Tôi đã tốn hơn 76.000 USD cho chi phí đào tạo chưa kể chi phí 18 tháng sinh sống bên Mỹ. Đến thời điểm này, để lo cho tôi đi học, gia đình đã phải vay gần 100.000 USD kể cả vay của người thân, thế chấp nhà ngân hàng lẫn 10.000 USD vay của Vietjet”, anh T. nói.

Trao đổi với PV Thanh Niên, các học viên cho hay vì tin khóa đào tạo này do Vietjet giới thiệu, tuyển chọn và cử người sang Ahart kiểm tra nên họ mới đóng tiền cho chủ Ahart. Trước khi qua học, do có thông tin trường Ahart sai phạm, nhiều học viên kiến nghị Vietjet gửi sang trường khác học nhưng không được đồng ý. Chưa kể Vietjet còn thu mỗi học viên 4.000 USD gọi là phí quản lý.

Bốn học viên này cho hay trước khi tham gia khóa đào tạo phi công, họ có công việc ổn định, lương cao 20-30 triệu đồng/tháng nhưng vì đam mê nghề phi công nên bỏ để theo học. Đến nay, do thông tin của nhà tuyển dụng không rõ ràng nên khi học xong, cầm chứng chỉ phi công về mà không sử dụng được vì hết tiền trang trải.

Theo Thanh niên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến