Dòng sự kiện:
Tin thế giới nổi bật trong tuần (18/7 – 24/7)
25/07/2015 07:51:03
ANTT.VN - Tổng hợp những sự kiện quốc tế nổi bật trong tuần từ ngày 18/7 đến ngày 24/7.

1. Các ngân hàng ở Hy lạp mở cửa trở lại lần đầu tiên sau ba tuần (20/7)

Người dân Hy Lạp xếp hàng chờ rút tiền (ảnh sbs)

Việc mở cửa trở lại hệ thống ngân hàng sau ba tuần đóng cửa và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với đồ ăn trong nhà hàng và phí giao thông công cộng bắt đầu từ ngày 20/7 tại Hy Lạp được xem là những nỗ lực của Athens nhằm khôi phục niềm tin trong và ngoài nước. Trong lần mở cửa trở lại này, người dân Hy Lạp sẽ được rút số tiền 420 Euro mỗi tuần trong 1 lần rút, thay vì mức 60 Euro mỗi ngày được áp dụng trước đó.

2. Mỹ và Cuba lần đầu tiên mở cửa trở lại các đại sứ quán sau 54 năm (20/7)

Quốc kỳ Cuba tung bay trên nóc nhà Đại sứ quán ở thủ đô Washington, Mỹ (ảnh: telegraph)

Mỹ và Cuba sẽ chính thức bình thường hóa quan hệ với việc mở cửa trở lại Đại sứ quán tại mỗi nước sau 54 năm. Lần đầu tiên kể từ năm 1961, khi hai nước quyết định cắt đứt các mối quan hệ, cờ Cuba lại tung bay trên nóc tòa nhà Đại sứ quán ở thủ đô Washington và trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ bên cạnh quốc kỳ những nước mà Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Cũng trong ngày 20/7, tại thủ đô La Habana, Đại sứ quán Mỹ cũng mở cửa lại, tuy nhiên buổi lễ chính thức đánh dấu sự kiện này sẽ được tổ chức vào tháng 8 tới khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến có chuyến thăm Cuba.

3. Giá vàng thế giới giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong năm năm (20/7)

Giá vàng thế giới ngày 20/7 có lúc giảm tới 4% xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua kể từ cuối tháng 3/2010. Nguyên nhân do đồng USD tăng khiến giới đầu tư không còn thấy vàng là công cụ phòng ngừa rủi ro. Thêm vào đó, lực bán tăng mạnh ngay sau khi sàn vàng Trung Quốc mở cửa.

4. Hàng loạt lãnh đạo TOSIBA Nhật Bản từ chức sau bê bối thổi phồng lợi nhuận 1,2 tỷ USD (21/7)

Lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Toshiba cúi đầu xin lỗi vì vụ bê bối. (Ảnh: AFP)

Chủ tịch kiêm CEO Toshiba - Hisao Tanaka, Phó chủ tịch - Norio Sasaki và cố vấn - Atsutoshi Nishida đã xin từ chức sau scandal thổi phồng 1,2 tỷ USD lợi nhuận. Xuất phát từ việc các nhà điều hành của Toshiba đặt ra những mục tiêu lợi nhuận phi thực tế đã dẫn đến những sai lệch trong kế toán, theo bản tóm tắt từ cuộc điều tra do một bên thứ ba độc lập tiến hành và được công bố ngày 20/7 cho biết, Toshiba đã phóng đại lợi nhuận lên thêm 151,8 tỷ yen (1,2 tỷ USD) trong 6 năm. Các sai lệch bất thường đã được che dấu “một cách khéo léo” để tránh khỏi các quan sát từ bên ngoài. Scandal thổi phồng lợi nhuận của TOSIBA được coi là vụ bê bối kế toán lớn nhất của doanh nghiệp Nhật Bản kể từ vụ bê bối 1,7 tỷ USD của tập đoàn Olympus vào năm 2011.

5. Bắc Triều Tiên nâng cấp tháp phóng tên lửa, có thể sẽ phóng tên lửa tầm xa vào tháng 10 (22/7)

Tên lửa Unha-3 (Milky Way 3) mang theo phiên bản thứ hai của vệ tinh Kwangmyongsong-3, được phóng tại trạm phóng tên lửa ở Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan hôm 12/12/2012. (Ảnh: KCNA)

Ngày 22/7, hãng tin Yohap của Hàn Quốc thông báo: Bắc Triều Tiên đã lắp đặt và dựng lên một tháp phóng tên lửa mới, cao hơn trên căn cứ tên lửa của nước này, có thể nhằm chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa tầm xa để đánh dấu một lễ kỷ niệm quan trọng của quốc gia vào tháng 10 tới. Tháp phóng tên lửa cao 67m có thể sẽ thực hiện một vụ phóng tên lửa tầm xa hơn tên lửa bắn thử vào tháng 12, 2012. Yohap dẫn lời một nguồn tin chính phủ Hàn Quốc cho biết: “Đánh giá của chúng tôi là Bắc Triều Tiên sẽ sử dụng bệ phóng tên lửa mới được nâng cấp Tongchang-ri để phóng một tên lửa tầm xa hơn Unha-3”. Unha-3 được đề cập ở đây là tên lửa tầm xa được phóng đi vào năm 2012 từ các căn cứ gần bờ biển phía tây của Bắc Triều Tiên. Vụ phóng tên lửa sắp tới được cho là có thể sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 10/10.

6. NASA tìm thấy “Trái Đất thứ hai” (23/7)

Trái Đất và Mặt Trời (trái) so với “Trái Đất phiên bản 2.0” và mặt trời của nó. (Ảnh: NASA)

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 23/7 cho biết tàu thăm dò vũ trụ Kepler đã phát hiện ra "Trái Đất thứ hai"!

"Trái Đất thứ hai" được đặt tên là Kepler-452b, cách chúng ta khoảng 1.400 năm ánh sáng, trong chòm sao Cygnus. Theo NASA, nó to hơn địa cầu 60%, và quay quanh ngôi sao mẹ ở khoảng cách phù hợp, khiến nước có thể duy trì ở trạng thái lỏng trên bề mặt của hành tinh. Các nhà khoa học dự đoán Kepler-452b có lực hấp dẫn gấp hai lần Trái Đất, và khả năng có đá trên bề mặt là rất cao. Khoảng cách từ Kepler-452b đến ngôi sao mẹ của nó xa hơn so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Tuy nhiên, sao mẹ của nó sáng hơn nên nhận được năng lượng tương tự như Trái Đất nhận từ Mặt Trời. Ánh mặt trời đó cũng giống với Mặt Trời của địa cầu.  Kepler-452b mất 385 ngày để quay quanh sao mẹ, tương tự như Trái Đất quay quanh Mặt Trời trong 365 ngày và nó đã bay trong quỹ đạo này 6 tỷ năm. Kepler-452b được xem là hành tinh có nhiều đặc điểm giống trái đất nhất được phát hiện từ trước đến nay.

7. Thái Lan truy tố 72 nghi can liên quan đến hoạt động buôn người, bao gồm cả quan chức (24/7)

Cảnh sát Thái Lan đo hố chôn tập thể ở Padang Besar, tỉnh Songkhla, Thái Lan hôm 2/5. (Ảnh: AP)

Ngày 24/7, Chính phủ Thái Lan đã quyết định truy tố 72 nghi can, trong đó bao gồm 15 quan chức được cho là liên quan đến các hoạt động buôn người. Văn phòng tổng chưởng lý Thái Lan cho biết các đối tượng bị truy tố lần này liên quan tới 16 cáo trạng như buôn người, vận chuyển lao động trái phép và tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức.

Cảnh sát cho biết cho đến nay họ đã bắt giữ 72 người và đã phát lệnh bắt giữ đối với 45 nghi can khác. Văn phòng Tổng chưởng lý cho biết sẽ làm việc với cảnh sát quốc tế để truy bắt những đối tượng lẩn trốn ra nước ngoài. Trước đó Bangkok đã phát động một chiến dịch điều tra sâu rộng về nạn buôn bán người vào tháng 5 khi phát hiện 26 thi thể tại một hố chôn tập thể gần trại buôn người trong một khu rừng gần biên giới Thái Lan - Malaysia.

Phương Phương (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến