Tòa nhà cổ ở số 42 Bạch Đằng hướng mặt ra sông Hàn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) vốn là Tòa thị chính Đà Nẵng thời Pháp thuộc, sau đó là trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Thời điểm chia tách địa giới hành chính năm 1997, tòa nhà tiếp tục là trụ sở của UBND TP Đà Nẵng. Tháng 6/2014, bộ máy chính quyền chuyển vào Trung tâm hành chính, tòa nhà trở thành trụ sở của HĐND thành phố.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, khối nhà ba tầng chính giữa được chính quyền thực dân Pháp xây năm 1898 và hoàn thành hai năm sau đó. Công trình do chính người Pháp thiết kế, thi công. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền Ngô Đình Diệm cũng chọn nơi đây làm Tòa thị chính.
Trước cổng chính đặt hai linh vật là sư tử đá - mẫu linh vật của Việt Nam với ý nghĩa mang lại may mắn.
Bên hông cửa chính của khối nhà cổ là bia đá ghi nội dung: "Tại đây tháng 2/1937, hàng ngàn người kéo về gặp đại diện Chính phủ Pháp đòi quyền dân sinh dân chủ. Ngày 26/8/1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tòa nhà. Toàn bộ chính quyền về tay nhân dân...".
Cầu thang ở giữa tòa nhà được thảm nhựa vàng. Dọc cầu thang và hành lang phía trong bố trí hệ thống phòng cháy chữa cháy. Dù trải qua hơn 100 năm khối nhà vẫn còn chắc chắn.
Lối đi bên trong tòa nhà đều có ánh sáng tự nhiên khi mở lớp cửa bảo vệ bên ngoài. Phòng làm việc thoáng mát.
Từ chính giữa tầng ba của khối nhà cổ nhìn ra cầu chữ T trên sông Hàn. Do trụ sở lớn nên số nhân sự của HĐND thành phố Đà Nẵng không sử dụng hết các phòng.
Dưới thời Việt Nam Cộng hòa, chính quyền đã xây thêm hai khối nhà ba tầng bên cạnh, kết nối với nhau tạo thành khối liền mạch như ngày nay. Tổng diện tích của ba khối nhà là 2.421 m2, chưa kể khuôn viên rộng rãi.
Giữa các khối nhà có một khoảng cách nhất định, nối liền sàn với nhau và hai bên có cửa kính bảo vệ, che mưa nắng. Dù được xây ở hai thời điểm nhưng kiến trúc vẫn có nhiều nét tương đồng.
Cuối năm 2016, Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng đã đề xuất chuyển Bảo tàng Đà Nẵng (vốn được xây dựng trong vùng lõi di tích quốc gia Thành Điện Hải) về trụ sở số 42 Bạch Đằng sau khi HĐND thành phố dời đi nơi khác, và được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý.
Trong văn bản gửi Thường trực Thành ủy mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Đà Nẵng cho biết trong giai đoạn 2019-2020 sẽ sử dụng trụ sở HĐND ở 42 Bạch Đằng để cải tạo thành Bảo tàng lịch sử. Đến năm 2021-2022, thành phố sẽ mở rộng bảo tàng sang số 44 Bạch Đằng (trụ sở của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, cũng là tòa nhà cổ thời Pháp) và 31 Trần Phú để nối liền với thư viện tổng hợp.
Hai văn phòng HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng sẽ về làm việc tập trung tại toà nhà Trung tâm hành chính thành phố từ tháng 1/2019.
Thành phố cũng sẽ tổ chức thi quốc tế thiết kế Bảo tàng lịch sử thành phố để lựa chọn phương án tối ưu làm cơ sở đầu tư, trong đó thiết kế thêm những khu trưng bày ngoài trời. Kinh phí Sở Văn hoá Đà Nẵng đề xuất để cải tạo tòa nhà làm bảo tàng là 150 tỷ đồng.
Bảo tàng Đà Nẵng trong tương lai sẽ kết nối với quảng trường Thành Điện Hải, cạnh Trung tâm hành chính Đà Nẵng (hình tròn). Sau khi bảo tàng Đà Nẵng chuyển về, dãy nhà hội trường cấp 4 lợp ngói đỏ vẫn sẽ là nơi diễn ra các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng.
Theo VnExpress
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy