Dòng sự kiện:
Toàn cảnh 9 loại phí dịch vụ thẻ tín dụng hạng chuẩn của hơn 20 ngân hàng hiện nay
23/08/2019 17:01:22
Thẻ tín dụng được cho là chìa khóa vạn năng và ngân hàng đua nhau mời chào khách mở thẻ, vậy phí thẻ của nhà băng nào đang rẻ nhất?...

Những năm trở lại đây, thu nhập của người dân ngày càng được cải thiện, đi cùng với đó là nhu cầu mua sắm, du lịch cũng tăng cao. Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cũng dần trở nên phổ biến với đa số người tiêu dùng ở thành thị. Có thể nói, đây là thời kỳ hoàn hảo cho sự lên ngôi của thẻ tín dụng bởi tính tiện lợi, linh hoạt, nhanh chóng và an toàn. Đây cũng là một trong những phân khúc mà các ngân hàng đang cạnh tranh khá khốc liệt, đặc biệt về các mức phí dịch vụ của thẻ.

Bên cạnh những tính năng của thẻ để đem ra cạnh tranh thì phí giao dịch cũng là yếu tố quan trọng tác động đến quyết định sử dụng của khách hàng.

Hiện nay, các loại phí mà chủ thẻ tín dụng thường hay phải chi trả là: Phí phát hành, phí thường niên, phí cấp lại mã PIN, phí thanh toán trễ hạn/phí chậm thanh toán, phí sử dụng vượt hạn mức tín dụng của thẻ, phí thay đổi hạn mức tín dụng, phí rút tiền mặt tại ATM và phí chuyển đổi ngoại tệ.

Để đem đến cái nhìn tổng quát cho người dùng, chúng tôi đã tiến hành khảo sát các loại phí nói trên đối với thẻ Visa hạng chuẩn đang được phát hành tại hơn 20 ngân hàng ở Việt Nam.

Phí phát hành

Phí phát hành lần đầu của thẻ tín dụng đang được nhiều ngân hàng miễn phí để thu hút khách hàng. Riêng Agribank và MBBank thu 100.000 đồng cho phí phát hành thẻ mới. Mức phí này tại OceanBank là 50.000 đồng.

Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, một số ngân hàng cung cấp dịch vụ phát hành thẻ nhanh, khách hàng sẽ được nhận thẻ ngay trong vòng 1- 3 ngày. Với dịch vụ này, các ngân hàng chủ yếu thu phí từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng. Cụ thể, mức phí phát hành thẻ nhanh của Vietcombank là 50.000 đồng, của VietinBank, HDBank, ABBank, OceanBank là 100.000 đồng; mức phí sẽ là 200.000 đồng tại các ngân hàng như BIDV, SCB, DongA Bank.

Với việc phát hành lại, mức phí cũng dao động trong khoảng từ 50.000 - 250.000 đồng. Riêng VietinBank đang miễn phí phát hành lại thẻ.

Phí thường niên

Không như phí phát hành chỉ thu duy nhất một lần khi mở thẻ, phí thường niên là loại phí mà khách hàng phải nộp thường xuyên hơn. Chính vì vậy, việc cân nhắc xem ngân hàng nào đang áp dụng mức phí thường niên dễ chịu nhất cũng là điều mà khách hàng quan tâm.

Khảo sát cho thấy, mức phí thường niên hầu hết đang được các ngân hàng áp dụng riêng cho thẻ chính và thẻ phụ, trong đó, thẻ chính đang chịu mức phí cao hơn. Với thẻ chính, mức phí thường dao động từ 150.000 - 400.000 đồng. Chẳng hạn, ABBank, Agribank thu phí duy trì là 150.000 đồng/ năm. Ở mức cao hơn, VietABank đang thu phí thường niên thẻ chính là 200.000 đồng/năm, TPBank thu 288.000 đồng/năm, SCB thu 330.000 đồng/năm, ... Riêng thẻ tín dụng Visa Rewards tại Citibank có mức phí thường niên lên đến 700.000 đồng/năm.

Với thẻ phụ, mức phí phổ biến từ 75.000 – 250.000 đồng/năm. Hai ngân hàng đang miễn phí thường niên với thẻ phụ là Sacombank và Citibank.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng thu phí thường niên của cả thẻ chính và thẻ phụ với cùng một mức tương đương nhau. Cụ thể, mức phí thường niên của Vietcombank là 100.000 đồng, Shinhan Bank là 110.000 đồng, VietinBank là 150.000 đồng, Techcombank là 300.000 đồng,...

Phí cấp lại mã PIN

Có 3 ngân hàng miễn phí cho chủ thẻ khi yêu cầu cấp lại mã PIN là DongA Bank, HSBC, Shinhan Bank. Các ngân hàng còn lại thu phí dao động từ 22.000VND/lần/thẻ-55.000VND/lần/thẻ. Cụ thể OceanBank, Agribank, VietABank, HDBank thu phí 22.000VND; Vietcombank, ABBank, Vietinbank, Techcombank, NCB, BIDV, TPBank thu 30.000VND-33.000VND. Áp dụng mức phí cao hơn một chút từ 50.000VND–55.000VND là Eximbank, Sacombank, SCB và ACB.

Phí phát hành và phí thường niên của thẻ tín dụng quốc tế Visa hạng chuẩn của một số ngân hàng

Phí thanh toán trễ hạn/Phí chậm thanh toán

Phí thanh toán trễ hạn được các ngân hàng tính theo nhiều cách khác nhau. Nhóm 6 ngân hàng là Vietcombank, OceanBank, DongA Bank, SCB, ACB, ABBank thu phí theo phần trăm số tiền nợ tối thiểu còn lại. Vietcombank là 3% các ngân hàng còn lại là 4% dư nợ tối thiểu còn lại. Thu phí trên tổng số tiền nợ tối thiểu phải trả là HSBC, Eximbank (4%) và VietinBank (3% nếu quá hạn dưới 30 ngày, 4% nếu quá hạn từ 30-60 ngày, 6% nếu quá hạn từ 60-90 ngày, 4% nếu quá hạn trên 90 ngày).

Nhóm 10 ngân hàng còn lại tính phí chậm thanh toán trên số tiền nợ còn lại dao động từ 1%-6% số tiền chậm trả. Đáng chú ý, VietABank chỉ thu 1%; Agribank là 3% trong khi HDBank, NCB, BIDV, Shinhan Bank, Citibank Vietnam là 4%; TPBank 4,4% và Sacombank, Techcombank có mức phí cao hơn là 6% số tiền chậm thanh toán.

Phí sử dụng vượt hạn mức tín dụng của thẻ

Với phí sử dụng vượt hạn mức tín dụng, mỗi ngân hàng cũng quy định các cách tính phí khác nhau. Dễ thấy, có những ngân hàng quy định 1 mức phí phạt cố định như DongA Bank, ABBank, HSBC là 50.000VND/lần và TPBank là 110.000VND/lần. Các ngân hàng còn lại chủ yếu thu theo % trên số tiền và số ngày vượt hạn mức. Chẳng hạn, Vietcombank thu 8%-15%/năm số tiền vượt hạn mức và tùy vào số ngày vượt hạn mức, HDBank là 5% số tiền vượt hạn mức.

Bảng so sánh phí dịch vụ thẻ tín dụng quốc tế Visa hạng Chuẩn của một số ngân hàng

Phí thay đổi hạn mức tín dụng

Với việc tăng hoặc giảm hạn mức thẻ tín dụng, nhiều ngân hàng sẽ tính phí thay đổi và xác nhận hạn mức thẻ tín dụng từ 50.000 đồng – 100.000 đồng/lần. Trong số 20 ngân hàng được khảo sát, chỉ có VietinBank, Sacombank và HSBC đang miễn phí cho khách hàng của mình.

Phí rút tiền mặt tại ATM

Nếu việc chi tiêu của khách hàng bắt buộc phải sử dụng tiền mặt thì việc rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng cũng được ngân hàng đáp ứng một cách dễ dàng tại các ATM trong và ngoài hệ thống.

Với phí rút tiền mặt tại các ATM cùng hệ thống, đa số các ngân hàng thu phí dựa trên số tiền giao dịch, tối thiểu là 50.000 – 100.000 đồng/lần. Khá nhiều ngân hàng có mức phí cao lên tới 4% bao gồm: Vietcombank, ABBANK, DongA Bank, VietABank, HSBC, Sacombank, NCB, ACB, Eximbank, Techcombank, TPBank. Mức phí 2% được áp dụng ở một số ngân hàng như: Woori Bank Vietnam, HDBank, Agribank, OceanBank. Riêng Vietinbank áp dụng mức phí chung 55.000 đồng cho mỗi giao dịch rút tiền mặt, Shinhan Bank thậm chí còn miễn phí rút tiền mặt tại các ATM trong hệ thống.

Với phí rút tiền mặt tại các ATM ngoài hệ thống, ngoại trừ 2 ngân hàng nước ngoài là Shinhan Bank và Woori Bank Vietnam quy định mức phí là 2% số tiền giao dịch, các ngân hàng còn lại đều thu phí 4% tính trên số tiền giao dịch, tối thiểu từ 50.000 – 100.000 đồng/lần.

Ngoài mức phí phải trả trên thì khoản tiền mặt lấy ra từ thẻ tín dụng sẽ còn phải chịu mức lãi suất rất cao và sẽ được tính ngay từ thời điểm rút tiền. Bởi vậy nếu không thật sự cần thiết thì khách hàng không nên rút tiền từ thẻ để chi tiêu.

Phí chuyển đổi ngoại tệ

Đối với việc sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các giao dịch bằng ngoại tệ tại nước ngoài, số ngoại tệ này sẽ được chuyển đổi và thể hiện bằng tiền VNĐ trên bảng sao kê và vì vậy, khách hàng phải trả thêm phí chuyển đổi ngoại tệ. Hầu hết các ngân hàng đang thu phí chuyển đổi ngoại tệ dao động từ 2-3,5% số tiền giao dịch, ngoài ra một số ngân hàng còn thu thêm phí xử lý chuyển đổi ngoại tệ với mức thấp hơn, từ 0.8% - 2.9% số tiền giao dịch.

Thẻ tín dụng ngày nay đã trở thành phương tiện thanh toán hữu ích, giúp ngăn ngừa nhiều rủi ro so với thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, nếu sử dụng không có sự kiểm soát, chủ thẻ có thể phải gánh chịu nhiều chi phí cao. Do đó, trước vô vàn những mức phí cạnh tranh của các ngân hàng, người dùng cần lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp với điều kiện bản thân đồng thời nắm bắt đầy đủ biểu phí dịch vụ của thẻ để có thể hạn chế tối đa các loại phí phát sinh. Ngoài ra, khách hàng cũng cần quan tâm tới biểu lãi suất, các chương trình ưu đãi đi kèm như hoàn tiền, bảo hiểm hay quà tặng mở thẻ... để gia tăng lợi ích khi sử dụng thẻ.

Theo Trí thức trẻ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến