Dòng sự kiện:
Toàn cảnh thể thao thế giới 2017: Neymar, CR7 và màn so găng bạc tỷ
31/12/2017 13:20:30
Vụ chuyển nhượng Neymar, Quả bóng vàng của Cristiano Ronaldo hay màn so găng của Mayweather và McGregor chính là những sự kiện thể thao đáng chú ý nhất của năm 2017 vừa qua.

2017 là một năm đại thành công với Real Madrid. Đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha vô địch La Liga sau nhiều năm sống dưới cái bóng của đại kình địch Barcelona, và cũng giành luôn chức vô địch UEFA Champions League danh giá vào tháng 5/2017.

Danh hiệu của Real tại châu Âu sẽ không có gì đặc biệt nếu như đây không phải là lần thứ 2 liên tiếp thầy trò Zidane vô địch Champions League. Kể từ khi Cúp C1 châu Âu đổi tên thành Champions League, vẫn chưa có một đội bóng nào trong lịch sử có thể vô địch 2 năm liên tiếp.

Đây cũng là một lời nguyền và là một áp lực không hề nhẹ với các nhà đương kim vô địch của Champions League. Tuy nhiên, Real Madrid đã xuất sắc vượt qua những áp lực đó để bước lên ngôi cao nhất toàn cõi châu Âu. Hơn thế nữa, chức vô địch của họ càng thêm vẻ vang khi Real lần lượt đánh bại các đối thủ mạnh như Atletico Madrid, Bayern Munich và cả Juventus.

Nhìn vào đội hình Real, người ta thấy toàn những hảo thủ đang ở đỉnh cao phong độ đã giúp Kền kền trắng lên ngôi tại Champions League. Những Sergio Ramos, Marcelo, Dani Carvajal ở hàng hậu vệ, Kroos, Modric, Isco ở hàng tiền vệ hay Benzema, Bale ở hàng tiền đạo sẽ mãi lưu danh lịch sử châu Âu khi góp mặt trong đội hình lần đầu tiên vô địch Champions League 2 năm liên tiếp.

Và nổi bật trong số họ, chính là siêu sao Cristiano Ronaldo. Champions League mùa giải ấy chứng kiến Ronaldo ghi 12 bàn, trở thành vua phá lưới và cũng là chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử giải đấu. Đặc biệt, CR7 cũng đập tan những chỉ trích nói rằng anh chỉ biết ghi bàn vào lưới đội bóng nhỏ khi nã 5 bàn vào lưới Bayern, một hat-trick vào lưới Atletico và 1 cú đúp vào lưới Juventus trong trận chung kết.

Ở La Liga, Ronaldo cũng có 25 pha lập công, góp phần vào chức vô địch của thầy trò Zidane. Cũng trong năm 2017, Ronaldo đã vượt qua cột mốc ghi 600 bàn thắng khi thi đấu chuyên nghiệp.

Với những thành tích ấy, không có gì khó hiểu khi cái tên Cristiano Ronaldo được xướng lên ở mọi lễ trao giải. Cuối năm 2017, anh nhận danh hiệu cao quý nhất Quả bóng vàng châu Âu tại tháp Effel, qua đó lần thứ 5 nâng cao giải thưởng danh giá này và cân bằng thành tích với đại kình địch Lionel Messi. Có thể khẳng định, không một ai xứng đáng hơn CR7 để trở thành cầu thủ hay nhất năm.

Năm 2017 đánh dấu sự điên rồ chưa từng có trên thị trường chuyển nhượng, khi những điều tưởng chừng như không thể xảy ra lại được hiện thực hóa. Dĩ nhiên, vụ chuyển nhượng Neymar sang PSG ngày 3/8 là những gì chúng ta nói đến.

Neymar là một trong những tiền đạo hay nhất thế giới, được coi là người kế thừa Messi tại Barca và là chủ nhân tương lai của Quả bóng vàng. Nhưng Paris Saint Germain không nghĩ thế. Đội bóng nhà giàu nước Pháp thậm chí không thèm gõ cửa hỏi mua cầu thủ người Brazil mà “lạnh lùng” chi ra 222 triệu euro – số tiền phá vỡ hợp đồng để đưa Neymar về nước Pháp.

Barcelona gần như bất lực trong vụ chuyển nhượng này. Họ nghĩ rằng đặt ra mức phá vỡ hợp đồng cao để làm chùn chân các đội bóng nhóm ngó Neymar, nhưng không tính đến chuyện PSG lại chịu chơi đến thế. Họ cố gắng thay đổi mọi thứ, tố cáo PSG, khẳng định đội bóng này vi phạm luật công bằng tài chính… Nhưng PSG lách luật, đưa Neymar số tiền 222 triệu bảng ấy để cầu thủ người Brazil mua lại sự tự do thay vì đứng ra trả số tiền này.

Nguyên nhân được cho là chân sút người Brazil muốn tìm cho mình nơi anh được là số 1, được là ông hoàng và quan trọng hơn là có cơ hội lớn hơn để trở thành số 1 thế giới. Barca không thể giữ được Neymar là vậy.

Thương vụ chuyển nhượng Neymar cũng kéo theo hệ quả là một loạt vụ chuyển nhượng với giá trị không tưởng được “nổ” ra tại châu Âu. Sau khi mua Neymar, PSG tiếp tục đưa về Mbappe với cái giá được cho là 180 triệu euro. Barca nhận về cục tiền từ PSG đã ngay lập tức vá víu bằng 105 triệu euro chi cho Ousmane Dembele. Các đội bóng khác ở châu Âu cũng vung tiền mua sắm khi MU chi 75 triệu bảng cho Lukaku và Chelsea cũng bỏ ra chừng ấy để đưa về Alvaro Morata.

Một cuộc chạy đua “vũ trang” đang diễn ra trên toàn châu Âu, khiến người ta lập tức quên đi cái giá 89 triệu bảng của Paul Pogba – mới một năm trước còn là kỷ lục thế giới. Câu hỏi đặt ra là, trong những năm tới cuộc chạy đua này còn căng thẳng tới mức nào, và cái giá cho các cầu thủ sẽ còn điên rồ ra sao?

Năm 2017 chứng kiến rất nhiều huyền thoại của làng túc cầu giã từ sự nghiệp đỉnh cao. Thậm chí có những cái tên từ bỏ bóng đá khi vẫn đang là những trụ cột của đội bóng.

Xabi Alonso và Philipp Lahm là hai trong số này. Họ là những trụ cột của Bayern Munich, đóng góp rất nhiều vào chức vô địch của Bayern tại Bundesliga. Lahm là đội trưởng, là chốt chặn không thể thay thế ở hai cánh (không thể nói ở cánh trái hay cánh phải bởi Lahm chơi tuyệt vời ở cả 2 cánh). Trong khi đó, Xabi Alonso là bộ não nơi tuyến giữa của Bayern.

Nhưng cả hai đã quyết định giã từ sự nghiệp ở đỉnh cao, cùng với rất nhiều huyền thoại bóng đá khác cũng chia tay sân cỏ trong năm 2017 này. Steven Gerrard, Frank Lampard và Kaka sau khi dành những năm cuối trong sự nghiệp tại MLS cũng quyết định chia tay bóng đá. Ở Hà Lan, Dirk Kuyt nói lời từ biệt, sau khi dẫn dắt Feyenoord vô địch Hà Lan sau 18 năm.

Nhưng tiếc nuối và cảm xúc nhất có lẽ là Francesco Totti. Tiền đạo người Italy từ giã bóng đá sau 24 năm thi đấu đỉnh cao. Cái đặc biệt của Totti, có lẽ nằm ở việc anh chỉ thi đấu cho một đội bóng duy nhất là AS Roma. Kể từ khi ra mắt đội một năm 1993, Totti đã cống hiến cho màu áo bã trầu suốt cả sự nghiệp của mình mà không màng tới bất kỳ lời mời gọi nào khác, kể cả nó có thể cho anh tiền và những danh hiệu cao quý.

Ở thời điểm Totti giải nghệ, anh là chân sút vĩ đại thứ 2 Seria A với 250 bàn thắng cùng 617 lần ra sân cho chỉ Roma mà thôi. Ngày Totti chơi trận đấu cuối cùng cho AS Roma, anh đã khóc nức nở như một cậu bé và khiến cả thành Rome rơi nước mắt theo.

Năm 2017 cũng chứng kiến một biểu tượng đã không thể giải nghệ ở chính đội bóng làm nên tên tuổi anh: Wayne Rooney. Phong độ suy giảm của Wayne Rooney khiến anh không thể cạnh tranh nổi một suất đá chính trong đội hình MU. Rooney quyết định chia tay MU để trở về Everton. Quyết định này của Rooney để lại sự tiếc nuối với các cổ động viên Quỷ đỏ khi suốt bao năm qua anh là thần tượng của họ, và họ muốn nhìn thấy R10 giải nghệ trong màu áo đỏ.

Không chỉ có những huyền thoại giã từ sự nghiệp đỉnh cao mà năm 2017 còn chứng kiến những huyền thoại hồi sinh và tìm lại phong độ của mình. Rafa Nadal và Roger Federer – hai cái tên tưởng chừng đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp bất ngờ trỗi dậy mạnh mẽ, gần như thống trị làng banh nỉ trong năm qua và đưa là lời tuyên bố rằng họ vẫn chưa hết thời.

Sự trỗi dậy của Nadal và đặc biệt là Federer thậm chí khiến người ta phải gọi đây là những câu chuyện cổ tích. Năm 2016 là một năm đáng quên với “Tàu tốc hành” người Thụy Sĩ. Khởi đầu năm ấy, Federer lần lượt thất bại ở các giải đấu từ nhỏ tới lớn: Brisbane, Úc mở rộng, Monte Carlo, Italian, Stuttgart… Nỗi buồn thất bại lên đến đỉnh điểm khi Federer để thua Raonic ở bán kết Wimbledon và nghỉ cả phần còn lại của mùa giải vì chấn thương.

Không ai nghĩ Federer, ở tuổi 36 và chịu nhiều chấn thương, sẽ làm được điều gì đó trong năm 2017. Nhưng anh đã chứng minh cho tất cả thấy họ đã sai. Năm 2017 khởi đầu không thể tuyệt vời hơn với FedEx khi anh vô địch Australian Open, sau đó chinh phục tiếp 2 danh hiệu Master 1000 nữa tại Mỹ. Tay vợt người Thụy Sĩ bỏ lỡ Roland Garros vì chấn thương, nhưng nó giúp anh tích lũy thể lực để tiếp tục vô địch thêm một giải Grand Slam nữa là Wimbledon. Cuối năm ấy Federer đã không thể vô địch US Open và ATP Final, nhưng cũng kịp bỏ túi một danh hiệu Master nữa tại Thượng Hải.

Bại tướng của Federer tại Thượng Hải – Rafa Nadal cũng có một năm không thể nào quên. Trải qua năm 2016 với hầu hết thất bại và chỉ vô địch được 1 Masters và 1 ATP 500, Nadal bước vào năm mới với đầy hoài nghi về phong độ cũng như cái đầu gối hay gặp chấn thương của anh. Nhưng ông vua sân đất nện đã gây bất ngờ với phong độ bền bỉ đến đáng kinh ngạc khi cùng Federer thống trị quần vợt thế giới.

Nếu như FexEx vô địch Australian Open và Wimbledon thì Nadal giành nốt 2 giải Grand Slam còn lại là Roland Garros và US Open. Đặc biệt, Nadal đã trở lại là một ông vua trên sân đất nện khi anh vô địch thêm 3 giải đấu lớn ở mặt sân này gồm Monte Carlo, Barcelona Open và Madrid Open. Giờ đây khi năm thi đấu 2017 kết thúc, Nadal chễm trệ ở ngôi số 1 bảng xếp hạng ATP, và người đứng thứ 2 không ai khác là Roger Federer.

Niềm vui của Nadal và Federer là nỗi buồn của Andy Murray và Novak Djokovic – 2 tay vợt tưởng như sẽ soán ngôi của các tượng đài kể trên. Djokovic sau chức vô địch Roland Garros 2016 đã sa sút không phanh, một cách vô cùng khó hiểu. Kể từ đó đến nay, anh đã không thể vô địch thêm một giải Grand Slam nào nữa và việc Nole bị loại sớm ở các giải đấu lớn đã trở nên quen thuộc. Trong khi đó Murray cũng trải qua một năm thi đấu rất thất vọng khi chỉ giành được duy nhất một ATP 500 tại Dubai.

Trong một năm lẻ như 2017 – một năm không có World Cup hay Euro thì sự kiện bóng đá quốc tế đáng chú ý nhất mùa hè lại là Confederations Cup – giải đầu tiền World Cup được tổ chức tại Nga từ 17/6 đến 2/7. Confed Cup 2017 mang tới sức hút lớn khi quy tụ Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo, những đội bóng tên tuổi như Chile, Mexico và đặc biệt là đội tuyển Đức – nhà đương kim vô địch World Cup.

Thầy trò HLV Joachim Low chứng minh họ vẫn là đội bóng số 1 thế giới khi thể hiện phong độ ấn tượng để lên ngôi tại Confed Cup. Bất bại trong cả giải đấu, tuyển Đức lần lượt đánh bại Australia, Cameroon, Mexico và Chile trên hành trình giành chức vô địch. Cả giải, ĐT Đức ghi tới 12 bàn và để thủng lưới 5 lần.

Điều đáng nói nằm ở đội hình tham dự giải đấu của những “Cỗ xe tăng”. Không Neuer, không Mueller, không cả Oezil, Khedira, Boateng, Hummels… ĐT mang đến nước Nga một đội hình trẻ trung với nhiều cầu thủ lần đầu được thi đấu một giải đấu quốc tế. Độ tuổi trung bình của tuyển Đức tại giải chỉ là 22,4 với tổng số lần khoác áo đổi tuyển trung bình mỗi cầu thủ chỉ là 17.

Thậm chí, người mang băng đội trưởng của tuyển Đức ở giải đấu ấy là Julian Draxler – tiền vệ thường không chắc suất đá chính tại tuyển Đức và cũng ở hoàn cảnh tương tự tại Paris Saint Germain. Nhưng những Draxler, Kimmich, Timo Werner hay Leon Goretzka đã thể hiện phong độ rất ấn tượng khiến người hâm mộ quên đi những Boateng, Hummel, hay Ozil.

Có thể nói, ĐT Đức đang sở hữu những cầu thủ vô cùng tài năng ở cả đội hình chính và băng ghế dự bị. Với những cái tên đang ở độ chín, sẽ không bất ngờ nếu Đức một lần nữa lên ngôi tại World Cup 2018 tại Nga.

Cách đây 3 năm, Nga từng có vinh dự đăng cai thế vận hội mùa đông Sochi 2014. Giải đấu được đánh giá cao về công tác tổ chức và sự thân thiện của nước chủ nhà, nhưng những ấn tượng ấy nhanh chóng bị lãng quên bởi bê bối doping được phanh phui sau đó.

Sau những cuộc kiểm tra của Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA), đoàn thể thao Nga đã bị tước 4 HCV ở Olympic Sochi và tụt từ vị trí đứng đầu bảng tổng sắp xuống thứ 4. Tồi tệ hơn, những báo cáo sau đó hé lộ những dấu hiệu bao che và dung túng việc sử dụng doping của chính quyền và ngành thể thao Nga, cùng việc sử dụng doping tràn lan của các vận động viên nước này.

Bê bối này khiến Ủy ban Olympic quốc tế IOC đưa ra một quyết định chưa từng có: ban hành lệnh cấm tham dự Thế vận hội với một quốc gia vì doping. Cụ thể, Nga không được tham dự Thế vận hội mùa đông được tổ chức tại Pyeongchang, Hàn Quốc vào năm 2018. Bộ trưởng bộ thể thao Nga – ông Vitaly Mutko và Thứ trưởng Yuri Nagornykh cũng bị cấm tham dự bất cứ kỳ Thế vận hội nào trong tương lai.

Bên cạnh đó, Nga cũng bị IOC phạt 15 triệu USD và số tiền này sẽ được sử dụng cho hoạt động phòng chống doping. Ủy ban Olympic của Nga cũng bị dừng hoạt động

Đương nhiên, phía Nga phản đối dữ dội phán quyết này của IOC. Alexei Kurashov - Chủ tịch liên đoàn trượt tuyết tự do Nga - và Alexei Kravtsov - Chủ tịch Liên đoàn trượt băng Nga - đều cho rằng án phạt trên mang tính xúc phạm, sỉ nhục và hoàn toàn không có căn cứ.

Tin vui với các vận đông viên Nga trong sạch là họ vẫn có thể tham dự Olympic mùa đông 2018 với tư cách cá nhân và không đại diện cho quốc gia nào.

Một trong những sự kiện gây chấn động nhất bóng đá thế giới năm vừa qua là việc Italy – một đội tuyển giàu thành tích và là “khách quen” tại sân chơi Wolrd Cup không thể tham dự giải đấu sau khi thất bại ở vòng loại.

Rơi vào bảng đấu có Tây Ban Nha, với việc chỉ đội đứng đầu mới được dự thẳng World Cup, Italy đã bất lực trong việc đánh chiếm một suất đi thẳng với đội bóng đến từ bán đảo Iberia. Vị trí thứ 2 buộc đội bóng xứ mỳ ống phải chơi trận play-off với Thụy Điển. Sau khi nhận thất bại ở trận lượt đi, Italy đã bất lực trong trận lượt về hôm 14/11 để rồi phải ngồi nhà xem World Cup 2018 qua tivi.

Đây quả thực là một bi kịch với bóng đá Italy – những người vẫn luôn tự hào là một trong những đội bóng giàu thành tích nhất tại sân chơi World Cup. Ngay sau trận play-off với Thụy Điển, tờ báo thể thao nổi tiếng của Italy – Gazzetta dello Sport đã giật dòng tít “Dấu chấm hết”, để nói lên sự thất vọng của cả đất nước với đội tuyển. Lần đầu tiên sau 60 năm, Italy không được tham dự World Cup.

Cũng ở thất bại đó, người ta thấy được giọt nước mắt của Gianluigi Buffon. Người đội trưởng mẫu mực, điểm tựa của “Thiên thanh” trong nhiều năm qua đã bất lực trong việc đưa đội tuyển tham dự World Cup. Người ta sẽ nhớ đến Buffon với tư cách là thủ môn giúp Italy đăng quang năm 2006, nhưng cũng với tư cách là đội trưởng đã dẫn dắt tuyển Italy lần đầu không được tham dự World Cup sau 60 năm.

Tiếc nuối nhưng có lẽ đây là thất bại cần thiết cho bóng đá Italy. Kể từ chức vô địch World Cup gần nhất, đã 2 kỳ World Cup tiếp theo Italy đều bị loại ngay từ vòng bảng. Rõ ràng đội bóng xứ Mỳ ống không đủ mạnh để tiến xa tại World Cup vì nếu đã như vậy, Italy cần phải có một lần không được tham dự đấu trường này để nhìn lại, từ đó trở lại mạnh mẽ hơn trong những World Cup tới.

Sẽ thật lạ với người hâm mộ, không chỉ của Italy mà còn cả fan bóng đá nói chung khi xem World Cup mà “thiếu đội Ý”. Sẽ là một khoảng trống, một sự hụt hẫng không hề nhỏ.

Cuộc so găng giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor diễn ra ngày 26/8 là một trong những sự kiện thể thao được trông đợi nhất năm 2017. Thậm chí khi tìm kiếm trên Google, cụm từ “Mayweather McGregor” chỉ sau 0,62 giây đã xuất hiện tới hơn 3 triệu kết quả trên trang tìm kiếm lớn nhất thế giới.

Nguyên nhân bởi đây đều là 2 cái tên đình đám thế giới trong hệ thống các môn thể thao đối kháng. Mayweather là độc cô cầu bại trong boxing, bất bại trong cả sự nghiệp của mình và vô địch ở 5 hạng cân khác nhau. Trong khi đó Conor McGregor là nhà vô địch hạng lông và hạng nhẹ của UFC. Anh được mệnh danh là “gã điên”, là niềm cảm hứng về tinh thần chiến đấu cùng cái “ngông” đặc trưng của mình.

Một nguyên nhân nữa khiến màn so tài này được chờ đợi là vì người hâm mộ muốn được chứng kiến một võ sĩ MMA (Mixed Martial Arts) sẽ thi đấu thế nào với nhà vô địch boxing. Kết quả là Conor McGregor thua toàn diện. Thi đấu theo luật lệ của boxing, những chiêu tủ của McGregor như lên gối hay khóa đều không thể áp dụng. Anh liên tục bị trọng tài nhắc nhở khi ra đòn vào vùng gáy của đối thủ. Cùng với đó là lối di chuyển thiếu linh hoạt và lối đánh thiếu sự phòng thủ đã khiến McGregor nhận thất bại.

Phía bên kia chiến tuyến, Mayweather vẫn chứng minh cho tất cả thấy anh là số 1. Phòng thủ chắc chắn, ra đòn nhanh như điện, Mayweather khiến “tay mơ” McGregor nhận thất bại bằng knock-out, qua đó có trận thắng thứ 50 trong sự nghiệp (vẫn chưa thua một lần nào).

Đáng chú ý là trận so găng giữa 2 võ sĩ phải mất đến 2 năm mới có thể trở thành hiện thực. Với sự kỳ vọng cao từ người hâm mộ, không khó hiểu khi doanh thu của nó lên đến hàng trăm triệu đô la. Hàng loạt các tờ báo của Anh và Mỹ đều cho rằng doanh thu của màn so găng này lên đến 700 triệu USD, trong số đó 300 triệu USD chảy vào túi Mayweather và McGregor thì nhận được 70 triệu USD. Con số 300 triệu USD mà Mayweather nhận được cao hơn nhiều so với 180 triệu USD tiền thưởng khi anh so găng với Manny Pacquiao trước đó.

Để so sánh với bóng đá – môn thể thao được yêu thích nhất trên thế giới thì người đang được nhận mức lương cao nhất là Carlos Tevez với 45,5 triệu USD một năm. Như vậy, Tevez phải thi đấu liên tục gần 7 năm nữa mới có thể bằng Mayweather thượng đài một trận đấu với McGregor.

Thực tế, sự chênh lệch và tẻ nhạt về chuyên môn đã được dự báo trước khi McGregor vốn không phải là một võ sĩ boxing. Tuy vậy, với sức hút của cả 2 cùng sự tò mò của người hâm mộ, màn so găng giữa Mayweather và McGregor vẫn thu về cả tấn tiền và xứng đáng là trận đấu đắt giá nhất lịch sử quyền anh.

Bóng đá Anh thường phải nhận những thất bại tại các giải đấu quốc tế thời gian gần đây, nhưng 2017 là năm mà người Anh được nở nụ cười chiến thắng. Không phải những Rooney, Harry Kane hay Sterling giúp tuyển Anh tiến sâu tại một giải đấu nào đó mà chính những cầu thủ U20 Anh đã lập chiến tích vô địch giải U20 thế giới tổ chức tại Hàn Quốc vào tháng 6/2017.

Chiến tích của các chú “Sư tử non” khiến không chỉ người Anh mà cả thế giới bất ngờ. World Cup U20 thế giới năm 2015, U20 Anh thậm chí còn không góp mặt ở vòng chung kết. Hai năm trước cũng ở vòng chung kết U20 thế giới tại Thổ Nhĩ Kỳ, U20 Anh tham dự nhưng cũng bị loại ngay từ vòng bảng dù đối thủ chỉ là những Iraq, Ai Cập và Chile.

Chức vô địch của U20 Anh cho thấy xứ Sương mù đang có một thế hệ cầu thủ trẻ rất tài năng. Bằng chứng là chỉ vài tháng sau, U17 Anh tiếp tục lên ngôi tại World Cup U17 tại Ấn Độ.

World Cup U20 cũng chứng kiến chiến công lịch sử của bóng đá Đông Nam Á, và đáng tự hào là nó được xác lập bởi các cầu thủ U20 Việt Nam. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trở thành đội bóng Đông Nam Á đầu tiên có điểm tại sân chơi World Cup cho bóng đá sân 11 người. U20 Việt Nam kết thúc giải với 1 điểm có được từ trận hòa U20 New Zealand – trận đấu mà nếu may mắn hơn Quang Hải và các đồng đội đã có thể chiến thắng.

Trước đó, Đông Nam Á từng có 3 đại diện tham dự World Cup U20 nhưng chưa thể giành được bất cứ điểm nào. Năm 1979, U20 Indonesia tham dự giải nhờ tấm vé vớt và thua toàn diện. Sau đó đến lượt U20 Malaysia dự giải với tư cách là đội chủ nhà nhưng cũng không thể có nổi một điểm. Mới đây, U20 Myanmar cũng tham dự giải sau khi lọt vào bán kết U19 châu Á, nhưng cũng thua cả 3 trận vòng bảng.

Không chỉ có các ngôi sao bóng đá chia tay sân cỏ, thể thao thế giới năm 2017 chứng kiến huyền thoại trên đường chạy Usain Bolt giã từ sự nghiệp đỉnh cao của mình ở tuổi 31. Anh đã đưa ra quyết định này từ lâu và chính thức giã từ môn thể thao nữ hoàng sau giải Vô địch điền kinh thế giới năm 2017 diễn ra hồi tháng 8.

Rất đáng tiếc là Bolt lại không thể có lời chia tay đẹp với điền kinh khi anh thi đấu không thành công ở giải này và thất bại ở nội dung sở trường 100 m. Ở nội dung này, “Tia chớp đen” người Jamaica đã mắc lỗi khi xuất phát và những nỗ lực sau đó đã không giúp anh cải thiện được tình hình. Chung cuộc, anh cán đích ở vị trí thứ 3 với 9 giây 95 sau hai vận động viên của Mỹ là Justin Gatlin (9 giây 92) và Christian Coleman (9 giây 94).

Quyết định giải nghệ của Bolt khiến nhiều cổ động viên cảm thấy tiếc nuối khi họ không được chứng kiến những bước chạy thần tốc của anh nữa. Tuy nhiên, Bolt có lý do của mình khi chấm dứt sự nghiệp đỉnh cao ở tuổi 31. Bolt biết rằng anh đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Thành tích của chính anh trong năm 2017 cũng khá tệ khi Bolt chạy 100 m nhanh nhất chỉ là 9 giây 95, xếp hạng 6 thế giới và thua xa kỷ lục 9 giây 58 do chính anh thiết lập.

Hơn hết, Bolt cảm thấy sự nghiệp của anh đã mãn nguyện. Với những gì đã giành được trong suốt cả sự nghiệp, Bolt biết rằng thế là đủ để anh dừng lại.

Theo Tri thức trực tuyến

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến