Tội phạm tham nhũng, tham ô: “Tử hình không răn đe được”
26/08/2015 17:22:29
ANTT.VN – Phiên thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sáng nay (26/8), nhận được rất nhiều ý kiến từ các Đại biểu về việc quy định bỏ hình phạt tử hình ở 7/22 tội danh.

Tin liên quan

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, bên cạnh 7 tội danh tại dự thảo luật, một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị cần bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác: tham ô, nhận hối lộ, sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh vì thực tế việc truy tố, xét xử các tội này từ trước đến nay rất ít.

Trong khi khá nhiều đại biểu cho rằng không thể bỏ tử hình với tội phạm tham nhũng, thì riêng đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lại cho rằng, cần phải có đổi mới trong áp dụng hình phạt. Với tội tham nhũng, theo ông Nam thì “cần gì bắn, cứ làm cái lồng thật đẹp ở nhà cho vợ nuôi để cảm thấy xấu hổ”.

Ý kiến đề nghị cân nhắc việc bỏ án tử hình, ĐB Trần Văn Độ (đoàn Đại biểu An Giang, nguyên Phó chánh án TAND tối cao) cho rằng: “Trên góc độ của người nghiên cứu luật hình sự nhiều năm tôi cho rằng không phải cứ áp dụng hình phạt tử hình thì giảm tội phạm. Tử hình không răn đe được, tác dụng răn đe không nhiều. Thực tế khi chúng tôi đi xét xử các vụ án hình sự có hình phạt tử hình, hỏi bị cáo phạm tội giết người có nghĩ đến án tử hình khi gây án không thì bị cáo đáp lúc ấy điên lên không nghĩ cái gì cả. Một số tội phạm ma túy thì nói mua bán 100 gr heroin cũng án dựa cột rồi nên 1 kg hay 10 kg cũng vậy nên cứ thế mà phạm tội”.

Theo Đại biểu Độ, các tội phạm lĩnh vực kinh tế, tham nhũng, tham ô từ trước đến nay xử lý được rất ít, hầu như chưa tử hình được ai nên có quy định tử hình thì cũng không hiệu quả. Mục đích của hình phạt không nên là trừng trị mà là giáo dục phòng ngừa.

Đại biểu Trần Văn Độ.

Trái ngược với quan điểm trên, Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) lại cho rằng, tham nhũng làm lũng đoạn đất nước, nếu bỏ án tử hình với tham nhũng, xã hội tất loạn. “Chúng ta cần tiền, rất nhiều tiền nhưng không vì thế mà đánh mất đi niềm tin của người dân vào cơ quan thực thi pháp luật”.

Ngoài ra theo Đại biểu Niễn, quy định về không thi hành hình phạt tử hình đối với các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả hành vi phạm tội được nhiều ĐB thảo luận. “Điều này sẽ tạo kẽ hở để tội phạm tham nhũng lợi dụng dùng tiền để đổi mạng. Làm như vậy chẳng khác nào khuyến khích, dung túng, bao che cho tham nhũng”.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã phản đối mạnh mẽ quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 70 tuổi trở lên.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu lý do là những người này biết rất rõ hậu quả của hành vi phạm tội. Với tuổi này nếu được hưởng nhân đạo mà giảm án thì bên cạnh việc nhà nước phải bỏ tiền ra cai quản quản còn làm khổ cả con cháu thăm nuôi. Vì thế 70 tuổi mà phạm tội đáng phải tử hình “thì chết là xứng đáng”.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm là quy định người đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào có thể bị xử thì cải tạo không giam giữ đến 7 năm tù.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp.HCM) góp ý: Nên bỏ tội danh đánh bạc, chỉ giữ lại tội tổ chức đánh bạc. "Đánh bạc có từ lâu đời rồi, người ta tự nguyện, có tiền thì đánh, không nên tư duy là sợ đánh bạc dẫn đến tội phạm khác, mà phải quản lý cho chặt thôi".

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cũng đồng tình vời đề xuất bỏ tội này vì theo ông, tội đánh bạc được quy định trong luật từ rất lâu nhưng thực tế xử lý rất yếu. Giờ đi bất kỳ ở đâu, cơ quan nhà nước đến đền chùa miếu mạo thì đều có đánh bạc, đặc biệt là dịp hội hè, lễ Tết, nhưng chỉ bắt được một số vụ và tính giáo dục không hiệu quả.

Đại biểu Thường đặt vấn đề: “Xổ số cũng là đánh bạc, tại sao không tổ chức cho dân chơi cho hợp lý và quản lý được?”.

Đại biểu Lê Đình Khanh (đoàn Hải Dương) cũng đề nghị nên bỏ tội này vì cái mất nhiều hơn cái được. “Ta cho người nước ngoài đánh, chỉ là chưa cho người Việt Nam đánh thôi. Rồi thực tế chơi xổ số, lô tô cũng là hình thức đánh bạc. Đánh bạc xưa nay vẫn diễn ra, có khi chỉ là đánh chơi”.

Một số tội danh khác cũng được đề xuất bỏ, như tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng, tội tổ chức tảo hôn, tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội lây truyền HIV cho người khác vì HIV đang tiến tới chữa được.

Diệu Ly (th)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến