Tổng công ty 36: Sau IPO là... thua lỗ
24/11/2016 15:01:46
Thành lập năm 1998, Tổng công ty 36 (TCT 36) có kinh nghiệm hơn 18 năm trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, cũng là doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Quốc phòng thí điểm mô hình quản lý công ty TNHH MTV. TCT 36 cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Bộ Quốc phòng thực hiện cổ phần hóa.

Tin liên quan

Trong 9 tháng năm 2016, Tổng công ty 36 đã lỗ 24,3 tỷ đồng sau thuế

Thông tin hoạt động của Tổng công ty vì vậy được công bố tương đối đầy đủ, ít nhất là so với các doanh nghiệp nhà nước cùng thuộc Bộ Quốc phòng.

Chi phí lãi vay tăng đột ngột

TCT 36 vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và 9 tháng đầu năm 2016 với kết quả không mấy khả quan. Như vậy, sau IPO, TCT 36 không những chưa có tín hiệu cải thiện về mặt kinh doanh, mà còn xuất hiện dấu hiệu đi xuống.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016 TCT 36 đã lỗ 24,3 tỷ đồng sau thuế. Cùng kỳ 2015, TCT 36 vẫn lãi ròng 46,4 tỷ đồng. “Tội đồ” của kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay chính là chi phí tài chính vượt trội, 117,7 tỷ đồng so với mức 19,8 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015. Toàn bộ chi phí tài chính của TCT 36 đều là chi phí lãi vay.

TCT 36 không đưa ra giải trình về việc tăng đột ngột chi phí lãi vay trong kỳ. Tuy nhiên, ở báo cáo bán niên, TCT 36 cho biết, đơn vị bị vướng khoản chi phí phí tài chính do chủ đầu tư chậm trả không thu hồi được vốn 34,6 tỷ đồng. Ngoài ra, do chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần nên chi phí tài chính không treo và đánh giá lại khoản đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH BOT 36.71 (thực hiện Dự án BOT Quốc lộ 19) là 10,3 tỷ đồng.

Chi phí tài chính của TCT 36 trong nửa đầu năm là gần 57 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số chỉ ở mức 14 tỷ đồng. Sau đó 3 tháng, chi phí lãi vay của TCT tiếp tục tăng hơn gấp đôi. Nguyên nhân cụ thể có thể sẽ được giải trình đầy đủ ở báo cáo kiểm toán năm 2016.

Như vậy, sau khi IPO thành công với mức giá bình quân 15.102 đồng/CP, cao hơn gấp rưỡi mức giá khởi điểm, TCT 36 đã thua lỗ ngay trong kỳ hoạt động đầu tiên.

Nợ phải trả chiếm gần 94% tổng tài sản

Cơ cấu tài sản của TCT 36 tính đến cuối quý III/2016 cực kỳ mất cân đối. Nợ phải trả chiếm tới 93,6% tổng tài sản, một tỷ lệ đáng báo động với bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong tổng số 6.418 tỷ đồng nợ phải trả, có gần 2.100 tỷ đồng là khoản mục người mua trả tiền trước, bằng 2,8 lần con số đầu năm.

Tuy nhiên, mặc dù được người mua trả tiền trước hàng nghìn tỷ đồng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TCT 36 vẫn âm 293 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Khoản chi lớn nhất bằng tiền trong 9 tháng của TCT 36 được hạch toán vào khoản mục Chi khác cho hoạt động kinh doanh, lên tới 6.428 tỷ đồng.

Tổng nợ vay ngắn và dài hạn của Tổng công ty cuối quý III là 1.937 tỷ đồng, tăng 379 tỷ đồng so với số dư đầu năm.

Không chỉ vay nợ gần 2.000 tỷ đồng, một số khoản vay của TCT 36 đã và đang vướng các vụ kiện cáo. Đến thời điểm lập báo cáo bán niên là 29/9/2016, TCT 36 vẫn chưa giải quyết rốt ráo xung đột giữa TCT với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Phía SHB cho rằng, tính đến cuối quý II năm nay, tổng số tiền TCT 36 phải trả cho SHB là 171 tỷ đồng, bao gồm nợ gốc, lãi vay và phạt lãi quá hạn. Tuy nhiên, phiên tòa sơ thẩm ngày 26/6/2016 đưa ra phán quyết số nợ còn lại chỉ trên 131 tỷ đồng. Hai bên đang tiếp tục làm việc để giải quyết ở cấp xét xử cao hơn.

Trong một vụ kiện cáo khác, TCT 36 cho biết, công trình Thủy điện Nậm Mô (chủ đầu tư là Công ty CP Tổng công ty Phát triển năng lượng nghệ An) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhưng Chủ đầu tư không thực hiện thanh quyết toán công trình. Theo bản án sơ thẩm, Chủ đầu tư phải thanh quyết toán công trình xây dựng (sau khi khấu trừ số tiền phạt chậm tiến độ) 51,2 tỷ đồng. Hai bên cũng đang xem xét giải quyết ở cấp xét xử cao hơn.

Hàng tồn kho cuối quý III của TCT 36 tăng 1.052 tỷ đồng so với đầu năm, lên 1.950 tỷ đồng. Dự án dở dang lớn nhất của TCT 36 là Metropolitan CT36 tại phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội với giá trị dở dang 526,6 tỷ đồng. Dự án Nhà ở tái định cư và văn phòng cho thuê tại B6 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội cũng có giá trị dở dang tương đối lớn, gần 328 tỷ đồng, con số tính đến cuối quý II, dự kiến sẽ không biến động nhiều cho đến cuối quý III năm nay.

Tồn kho lớn, nợ phải trả cao cộng với những vụ kiện cáo đặt TCT 36 trước những tình huống khó khăn trong tương lai gần.

Báo Đấu thầu sẽ tiếp tục thông tin về ĐHDCĐ và quá trình tăng vốn của TCT này.

Không chỉ có vay nợ các tổ chức tín dụng với giá trị lớn, TCT 36 còn vay nợ hàng loạt cá nhân. Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến hết quý III, doanh nghiệp này vay nợ 24 cá nhân tổng số tiền hơn 36,5 tỷ đồng. Báo cáo tài chính quý III không nêu cụ thể thời hạn vay và lãi suất vay. Dự kiến, 30/11/2016, TCT 36 sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Mức tăng, tỷ lệ tăng vốn chưa được công bố công khai.

Theo Báo Đấu thầu 

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến