Dòng sự kiện:
Tổng cục Cảnh sát tập huấn phòng chống bạo lực gia đình cho CA miền Trung Tây Nguyên
04/11/2017 11:48:47
Sáng 4/11, Tổng cục Cảnh sát (BCA) cho biết vừa bế mạc lớp tập huấn phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ xây dựng lực lượng CA thuộc 10 tỉnh, thành phố và 6 đơn vị PCCC thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Sau 3 ngày làm việc (từ 1/11 - 3/11) tập trung, nghiêm túc tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), đợt tập huấn phòng chống bạo lực gia đình cho cán bộ xây dựng lực lượng thuộc các đơn thị khu vực miền Trung – Tây Nguyên diễn ra thành công tốt đẹp.

Tại buổi bế mạc, Thượng tá Chu Văn Phú, Phó cục trưởng Cục chính trị - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) bày tỏ sự cần thiết phải mở những khóa tập huấn cho khối xây dựng lực lượng của ngành Công an về công tác phòng chống bạo lực gia đình.

Ông Phú cho biết, bạo lực gia đình là một vấn đề liên quan đến quyền con người, xuyên suốt giữa các nền văn hóa, tôn giáo, ranh giới địa lý và mức độ phát triển kinh tế khác nhau. Đây cũng là thực tế tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác.

Theo báo cáo nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục thống kê cho thấy, bạo lực gia đình ở Việt Nam là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm: 32% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua bạo lực thể chất trong cuộc đời, 6% đã trải qua bạo lực thể chất trong vòng 12 tháng qua.

Thượng tá Chu Văn Phú, Phó cục trưởng Cục chính trị - Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) phát biểu tại buổi tập huấn công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo số liệu tạm thống kê từ năm 2011 đến năm 2015 có tổng 157.859 vụ bạo lực gia đình, trong đó 117.206 trường hợp nạn nhân là phụ nữ, chiếm 74,24%; 17.586 là trẻ em, chiếm 11,14% và 14.017 là người cao tuổi, chiếm 8,91%.

Kéo theo đó là những vụ án liên quan đến bạo lực gia đình những năm gần đây có xu hướng ngày càng gia tăng. Không hiếm những vụ án đau lòng xảy ra khi chúng ta phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình đã tước đoạt sinh mạng của người khác.

Từ thực tế trên cho thấy, bạo lực gia đình đã và đang rất phổ biến và cần sự quan tâm của các cấp các ngành, bên cạnh việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ còn thể hiện sự văn minh, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, trong đó có việc ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.

Ngày 6/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Trong đó quy định trách nhiệm của Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nạn nhân bạo lực gia đình, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình; phối hợp tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình thực hiện nhiệm vụ thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình.

Do đó, trong nhiều năm qua, lực lượng CAND đã và đang có những hành động tích cực trong việc triển khai các biện pháp nhằm chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại các địa phương trên toàn quốc.

Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan hành pháp và tư pháp trong chống bạo lực gia đình tại Việt Nam” giao cho Tổng cực Cảnh sát PCTP (nay là Tổng cục Cảnh sát) phối hợp với Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc hiện đã tổ chức được hơn 40 khóa tập huấn cho đội ngũ các bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án… cho 5 tỉnh, thành phố mà dự án triển khai thí điểm.

Đại tá Trần Đình Thư, Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại buổi bế mạc.

Và mới đây nhất, Lãnh đạo Bộ Công an ký ban hành Kế hoạch 157/KH – BCA về việc thực hiện Chương trình Quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020.

Trách nhiệm của lực lượng công an các cấp trong giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình là cần sớm phát hiện những nguy cơ xảy ra các vụ án nghiêm trọng; xây dựng gia đình văn hóa mới, khối phố, phường, xã an toàn về an ninh trật tự. Các vụ án gây bức xúc trong dư luận cần tập trung lực lượng điều tra khám phá nhanh và xử lý nghiêm.

Tiến hành công tác điều tra cơ bản để chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình. Đồng thời, áp dụng các biện pháp cưỡng chế, răn đe và phòng ngừa cá biệt nhằm tước bỏ các điều kiện mà đối tượng có thể lợi dụng để phạm tội.

Người có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng cần chủ động phòng ngừa, tránh những mâu thuẫn xung đột xô xát xảy ra, kịp thời can thiệp và xử lý dứt điểm, nghiêm mình đối với những người gây bạo lực, can thiệp kịp thời, có biện pháp bảo vệ phù hợp đối với nạn nhân của bạo lực gia đình.

Trong năm 2016 và 2017, Tổng cục Cảnh sát đã xây dựng kế hoạch tổ chức các khóa tập huấn về công tác phòng, chống bạo lực gia đình nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình để từ đó các đồng chí sẽ tiếp tục tham mưu trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo việc xử  lý các vụ việc bạo lực gia đình và là người trực tiếp truyền đạt kiến thức này đến các bộ, chiến sỹ ở đơn vị, địa phương mình nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn và giảm thiểu hậu quả của các hành vi bạo lực gia đình gây ra.

Thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã giao, C43 là cơ quan tham mưu chủ trì thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Với mong muốn trang bị cho các đồng chí những kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, nhận diện bạo lực gia đình, công tác phòng, chống bạo lực gia đình của lực lượng CAND để các đồng chí sẽ là những hạt nhân nòng cốt của công an các địa phương trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình.

Trực tiếp hướng dẫn cho Cxng an cơ sở và tham mưu cho chính quyền địa phương có những giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc làm giảm các vụ việc bạo lực gia đình ngay tại địa bàn, khu dân cư.

Cũng tại buổi bế mạc, Đại tá Trần Đình Thư, Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, trong thời gian qua, vấn đề bạo lực gia đình đã nhìn nhận được một cách thật sự như một vấn nạn của xã hội. Phòng chống bạo lực gia đình cần được các cấp các ngành và toàn xã hội quan tâm.

Lực lượng CAND đã chủ động giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, phối hợp với các cơ quan, tổ chức phòng ngừa ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, góp phần đảm bảo an toàn trật tự an ninh địa phương.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình không có chiều hướng thuyên giảm. Ngày càng có nhiều trường hợp bạo lực gia đình được phát hiện thậm chí có những vụ bạo lực gia đình phát hiện ngay trong lực lượng CAND.

Đại tá Thư đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị, đã khắc phục những khó khăn về sức khỏe, thời gian, bố trí công việc để tham dự đầy đủ các buổi học để tiếp thu trọn vẹn nội dung các chuyên đề, thẳng thắn trao đổi những vấn đề chưa rõ, những hạn chế bất cập trong hoạt động thực tiễn của đơn vị mình để cùng phối hợp làm rõ những vấn đề cùng quan tâm, tích lũy nhiều kinh nghiệm bổ ích trong đợt tập huấn này.

Đoàn Tân

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến