Dòng sự kiện:
Tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt bao nhiêu trong 7 tháng đầu năm?
25/07/2019 06:01:50
Uớc tính tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2019 (tính đến ngày 23/7), đạt gần 5,43 tỷ USD.

Số liệu trên do Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 tổng hợp. Trong đó, có gần 2,8 tỷ USD từ các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam và khoảng 2,64 tỷ USD nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam.

Con số này đã tính cả thuơng vụ ngân hàng KEB HANA Bank (Hàn Quốc) chi 885 triệu USD mua 15% cổ phần ngân hàng BIDV được công bố ngày hôm qua (22/7). Đây là thương vụ M&A có yếu tổ nước ngoài lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. 

Với mức giá trên, mỗi cổ phiếu của BID đã được đối tác mua lại với giá 33.640 đồng. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, kiêm Cố vấn cấp cao HĐQT BIDV đánh giá, đây là mức giá rất tốt cho cả 2 bên.

BIDV là ngân hàng TMCP nhà nước cuối cùng bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài. Trước đó, năm 2012, VietinBank bán 20% vốn cho Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJgiá 743 triệu USD. Năm 2011, Vietcombank bán 15% vốn cho Mizuho với giá 567,3 triệu USD.

Như vậy, tổng cộng cả ba thương vụ trên, các ông lớn quốc doanh đã thu về gần 2,2 tỷ USD nhờ phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược nước ngoài.

Quá trình bán vốn của BIDV khá chậm so với hai ngân hàng còn lại, chủ yếu do IPO ngay vào thời điểmkinh tếrơi vào khủng hoảng (IPO năm 2011 và niêm yết đầu năm 2014), việc chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược khó đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo BIDV cho hay, đã có hàng chục nhàđầu tưnước ngoài tìm đến nhưng mãi đến năm 2018, BIDV mới “chốt” sẽ bán cổ phần cho KEB Hana. Việc hoàn tất thương vụ sẽ giúp BIDV thoát hiểm hệ số an toàn vốn (CAR), có thêm nguồn lực phát triển kinh doanh, xóa nợ xấu.

Sau khi hoàn tất thương vụ này, BIDV đã giảm tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước xuống 80% thay vì trên 95% như hiện tại. Room sở hữu nước ngoài tại ngân hàng này vẫn còn trống 15%.

Trong khi đó, Vietcombank sau khi hoàn tất thương vụ bán 15% cho Mizuho năm 2011 đã xin Chính phủ được bán thêm 10% cho nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, cuối năm 2018, ngân hàng này mới chào bán thành công 3% vốn cho GIC và cổ đông hiện hữu Mizuho, 7% còn lại đang được ngân hàng này hoàn tất thủ tục để sớm chào bán.

Trong số ba ngân hàng kể trên, chỉ có VietinBank là đã kín room vốn ngoại và đang vất vả để tăng vốn.

10 thương vụ M&A tiêu biểu 2019 theo bình chọn của Diễn đàn M&A 2019 gồm: SK Group mua cổ phần Vingroup và Masan, Saigon Coop mua lại Auchan, Thaco mua cổ phần của Hoàng Anh Gia Lai; các thương vụ của Vingroup thâu tóm Achos và Fivimart; Mitsui của Nhật Bản trở thành cổ đông chiến lược của Minh Phú; Taisho thâu tóm Dược Hậu Giang; Vinamilk thâu tóm GTN Foods; Sojitz mua cổ phần của PAN Group, SonKim Land phát hành cho đối tác chiến lược, Gelex thâu tóm Viglacera.

Diễn đàn M&A 2019 nhận định, các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào khai thác thị trường hơn 97 triệu dân của Việt Nam bao gồm sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục… 

Nếu như 2017 là năm của Thái Lan, thì năm 2018 đánh dấu sự khởi sắc của dòng vốn từ Hàn Quốc với những thương vụ đầu tư lớn. Khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động M&A tại Việt Nam.

Tham gia vào các thương vụ này nổi bật là các nhà đầu tư Hàn Quốc (SK Group, Hanwha), Vingroup (tổng giá trị thương vụ liên quan đến Vingroup, cả vai trò bên mua và vai trò bên bán lên đến 2,41 tỷ USD, chiếm 25,64% tổng giá trị M&A giai đoạn 7/2018 – 7/2019).

Có 2 thương vụ thoái vốn đáng chú ý là An Quý Hưng – Vinaconex, thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn và Saigon Coop – Auchan, thương vụ một doanh nghiệp Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam.

Tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 dù có những nỗ lực và kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Theo Diễn đàn M&A, cần tháo gỡ các rào cản và làm quyết liệt thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như  các nhà đầu tư. 

Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỷ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỷ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỷ USD, tuy nhiên để đạt mốc 10 tỷ USD thì sẽ cần sự nỗ lực lớn hơn.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt những chuyển động chính sách gần đây như dự thảo sửa đổi, bổ sung một số luật quan trọng (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán), Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới lần đầu tiên dự kiến được Bộ Chính trị ban hành, việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA… được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có dòng vốn đầu tư thông qua hình thức M&A.

Song để thị trường bứt phá đòi hỏi Chính phủ và các bên liên quan phải có sự quyết tâm và thay đổi mạnh mẽ nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư – kinh doanh, khơi thông dòng vốn chảy trong nước và quốc tế vào lĩnh vực M&A.

Ngoài ra, vẫn còn đó những thách thức phải đối mặt đến từ các yếu tố khách quan cũng như nội tại nền kinh tế Việt Nam. Đó là sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Hay như các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến