Dòng sự kiện:
Tổng thống Pháp triệu tập cuộc họp khẩn cấp mới về tình hình New Caledonia
20/05/2024 18:50:22
Đây là cuộc họp thứ 3 của hội đồng này trong vòng chưa đầy một tuần thảo luận về tình hình New Caledonia, 2 cuộc thảo luận trước đó đã dẫn đến quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp.

Một công trình bị thiêu rụi trong cuộc biểu tình bạo lực tại Noumea, New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp, ngày 15/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron triệu tập một cuộc họp hội đồng quốc phòng và an ninh trong ngày 20/5 để thảo luận tình hình bạo loạn ở New Caledonia, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp ở Thái Bình Dương.

Đây là cuộc họp thứ 3 của hội đồng này trong vòng chưa đầy một tuần thảo luận về tình hình New Caledonia, 2 cuộc thảo luận trước đó đã dẫn đến quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp và triển khai lực lượng tiếp viện nhằm lập lại trật tự tại vùng lãnh thổ này.

Ngày 17/5, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cũng đã gặp lãnh đạo các đảng trong Quốc hội để thảo luận về tình hình tại New Caledonia, đặc biệt là khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp sau khi hết thời hạn 12 ngày ban đầu áp đặt tình trạng này. Việc gia hạn tình trạng khẩn cấp cần được cả Hạ viện và Thượng viện Pháp thông qua.

New Caledonia đang chứng kiến tình trạng biểu tình bạo lực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Người biểu tình đốt cháy xe cộ, trường học, các cơ sở kinh doanh và các tòa nhà công cộng, đồng thời chiếm quyền kiểm soát con đường chính dẫn đến Sân bay Quốc tế La Tontouta khiến sân bay này phải đóng cửa.

Theo giới chức trách, khoảng 230 người đã bị bắt giữ, trong khi 3.200 người đang bị mắc kẹt ở New Caledonia hoặc không thể trở về quần đảo này do sân bay quốc tế đóng cửa. Pháp đã điều động thêm 1.000 thành viên lực lượng an ninh đến quần đảo này để lập lại trật tự.

Biểu tình và bạo lực bùng phát tại New Caledonia liên quan kế hoạch của Pháp áp dụng quy định mới về bầu cử tại vùng lãnh thổ này, theo đó cho phép cư dân Pháp đã cư trú 10 năm tại New Caledonia có quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử cấp tỉnh tại đây.

Một số lãnh đạo địa phương cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến phiếu bầu của người Kanak bản địa - chiếm khoảng 41% dân số tại vùng lãnh thổ này./.

Tác giả: Linh Tô

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến