Dòng sự kiện:
Top 10 ngân hàng đầu tư chứng khoán nợ đến cuối quý 1
02/05/2022 17:15:15
Những ngân hàng lớn nhất hệ thống không hẳn là những cái tên đứng đầu trong đầu tư ở mảng này…

Ảnh minh họa: Thanhnien

Đến thời điểm này các ngân hàng thương mại (NHTM) đã lần lượt công bố báo cáo tài chính quý 1/2022.

Ngày 28/4, một tổ chức nghiên cứu kinh tế đã hoàn tất bản báo cáo tập hợp dữ liệu top 10 NHTM đầu tư chứng khoán nợ tính đến cuối quý 1/2022, định hình quy mô mới nhất tại thời điểm này.

Theo lý thuyết chuyên ngành, chứng khoán vốn (Equity Security) là loại chứng khoán được công ty cổ phần phát hành ra thị trường. Sản phẩm này để xác nhận quyền sở hữu một phần tài sản, thu nhập của công ty. Điều này cũng có nghĩa là nhà đầu tư sở hữu chứng khoán vốn là người sở hữu một phần công ty và được hưởng lợi ích từ công ty đem lại.

Còn chứng khoán nợ (Debt Security) là loại chứng khoán để chứng nhận mối quan người cho vay và người đi vay giữa người sở hữu và công ty phát hành. Chứng khoán nợ có nhiều dạng như trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ, trái phiếu đô thị, trái phiếu chính quyền địa phương…

Loại chứng khoán này được mua hoặc bán giữa hai đối tượng và có các quy định điều khoản nhất định như số tiền đã vay, lãi suất, thời gian đáo hạn và gia hạn. Ở một số nước có nền kinh tế phát triển, chứng khoán nợ được giao dịch khá phổ biến trên thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, trái phiếu doanh nghiệp - là một loại chứng khoán nợ - đang ngày một trở nên phổ biến, gắn với một thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh những năm gần đây.

Vừa qua, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trở thành một chủ đề thời sự, khi phát sinh một số sự việc mà các cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc; rủi ro tiềm ẩn đối với nhà đầu tư có dấu hiệu bộc lộ, theo đó.

Tuy nhiên, như từng đề cập ở một bài viết gần đây, TPDN ở Việt Nam cần được phân biệt ở hai nhóm: TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành, và của các doanh nghiệp phi tín dụng. Việc phân biệt này cũng để xác định hệ số rủi ro liên quan.

Trước đây, TPDN do các TCTD phát hành có hệ số rủi ro thấp hơn, mà TCTD khác đầu tư (sở hữu) không phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro. Nhưng nay, Ngân hàng Nhà nước đã có quy định phải thực hiện trích lập, cũng như tách bạch trong việc xác định các loại vốn để kê tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Đây có thể là quy định có hàm ý hạn chế tình trạng bật tường vốn, đôn tỷ lệ CAR trong hệ thống…

Còn với TPDN do các tổ chức kinh tế phi tín dụng phát hành, như thể hiện rõ thời gian qua, nhiều đầu mối chức năng đã liên tục có cảnh báo rủi ro tiềm ẩn, thậm chí đã có những phát sinh.

Cập nhật mới nhất, theo tập hợp của tổ chức kinh tế nói trên, top 10 NHTM có số dư đầu tư chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế tính đến 31/3/2022 gồm: Techcombank, MB, SCB, VPBank, TPBank, PVcomBank, Sacombank, SHB, BaoVietBank, VietinBank và BIDV.

Top 10 trên cho thấy không hẳn NHTM có quy mô hàng đầu thị trường đều đầu tư mạnh vào chứng khoán nợ của tổ chức kinh tế. Và trong top 10 này, SHB có mức độ tăng trưởng so với đầu năm cao nhất.

Trong khi đó, với chứng khoán nợ do các TCTD phát hành, top 10 NHTM có số dư đầu tư đến 31/3/2022 lại ngược lại, các NHTM có quy mô hàng đầu có số dư lớn như: VietinBank, Vietcombank, BIDV, MB, VIB, HDBank, TPBank, Techcombank, VPBank, MSB…

Tác giả: Minh Đức

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến