Dòng sự kiện:
TP HCM báo cáo khẩn nhiều khó khăn về đấu thầu, thiếu thuốc đến Bộ Y tế
05/11/2022 10:29:45
Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế rà soát quy định liên quan công tác thanh quyết toán BHYT, xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu theo hướng công nhận thuốc là hàng hóa đặc biệt...

Ngày 4/11, Sở Y tế TPHCM cho biết đã gửi văn bản khẩn đến Bộ Y tế báo cáo về tình hình cung ứng thuốc tại địa phương.

Vì sao TPHCM thiếu thuốc?

Theo văn bản, trong giai đoạn 2010-2019, số lượt khám, chữa bệnh tăng dần mỗi năm. Dưới tác động của dịch Covid-19, số lượt khám, chữa bệnh năm 2020-2021 giảm nhiều nhưng đến năm 2022 đã bắt đầu phục hồi trở lại.

Sở Y tế TPHCM thông tin, về cơ bản các bệnh viện đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người dân. Nhưng một số thời điểm có xảy ra thiếu thuốc cục bộ do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, một số thuốc hiếm không tìm được nguồn cung ứng; thuốc phải kiểm soát đặc biệt (gây nghiện, hướng thần) do nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguyên liệu hoặc do các công ty trên thế giới đã ngừng sản xuất; thuốc bị gián đoạn do ảnh hưởng chiến sự trên thế giới; thuốc hết thời gian đăng ký lưu hành nhưng chưa được Bộ Y tế cấp gia hạn kịp thời...


Người dân lấy thuốc tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo Sở Y tế TPHCM, trước những tình huống phát sinh mới này, các bệnh viện đã chủ động có phương án điều trị hoặc sử dụng thuốc thay thế. Tuy nhiên, thực trạng cung ứng thuốc tại trạm y tế còn nhiều hạn chế, chưa đầy đủ. Danh mục thuốc được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tại trạm y tế chưa đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh mạn tính không lây nhiễm.

Sở Y tế TPHCM cũng cho biết, địa phương còn khó khăn, hạn chế trong cung ứng thuốc. Nguyên nhân khách quan do 9 tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 và sốt xuất huyết còn diễn biến phức tạp, khó lường nên công tác dự báo nhu cầu vaccine gặp khó khăn, nhu cầu thuốc tăng cao… Trong khi đó, nhiều thời điểm thuốc trúng thầu bị gián đoạn cung ứng đã ảnh hưởng đến công tác điều trị.

Công tác đấu thầu mua sắm thuốc, nhiều thuốc không lựa chọn được nhà thầu trong quá trình đấu thầu rộng rãi hoặc bị biến động trong cung ứng. Tại tuyến y tế cơ sở, do việc mua sắm riêng lẻ với số lượng nhỏ nên ít có nhà thầu quan tâm. Ngoài ra, các cơ sở y tế cũng gặp khó khăn trong công tác thanh quyết toán tiền thuốc, liên quan nhiều đến hoạt động thanh quyết toán BHYT.

Nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn trong hoạt động thanh quyết toán BHYT (Ảnh: Hoàng Lê).

Sở Y tế TPHCM cho rằng, tình hình biến động về sử dụng thuốc sau dịch khiến các cơ sở y tế chưa xác định được tiến độ mua sắm thuốc trong năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp cần phải có dự trù để lập kế hoạch sản xuất, dẫn đến sản xuất thuốc không kịp đáp ứng.

Tiến độ cấp số đăng ký lưu hành của thuốc còn chậm, vấn đề bất cập trong quản lý giá thuốc, xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu khiến giá thuốc bị đóng khung qua nhiều năm. Ngoài ra, còn có những bất cập trong quy định, hướng dẫn về công tác đấu thầu thuốc.

Nhiều kiến nghị về cung ứng thuốc, đấu thầu

Sở Y tế đã triển khai nhiều giải pháp như xây dựng phần mềm báo cáo thiếu thuốc, thành lập Tổ theo dõi tình hình cung ứng thuốc, Tổ tư vấn giải quyết các vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu, cung ứng và thanh toán công nợ thuốc…

Xây dựng danh mục thuốc dùng chung cho các trạm y tế để kiến nghị cho đấu thầu tập trung nhóm thuốc này, bên cạnh đề xuất thí điểm mở rộng danh mục thanh toán BHYT một số thuốc điều trị bệnh mạn tính không lây.

Quầy thuốc ngoại trú tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức (Ảnh: Hoàng Lê).

Từ thực trạng trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị Bộ Y tế rà soát các quy định trong công tác quản lý giá thuốc, xây dựng giá kế hoạch trong đấu thầu mua sắm thuốc, theo hướng công nhận thuốc là hàng hóa đặc biệt.

Kiến nghị Bộ Y tế rà soát quy định liên quan công tác thanh quyết toán BHYT, mở rộng danh mục đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương cũng như danh mục thuốc được thanh toán BHYT tại tuyến y tế cơ sở. Ngoài ra, bổ sung tiêu chí xây dựng danh mục thuốc đấu thầu tập trung, có cơ chế, chính sách dự trữ và điều phối thuốc hiếm, thuốc ít sử dụng trong công tác cấp cứu.

Kiến nghị Cục Quản lý Dược cải cách thủ tục hành chính trong quản lý cấp phép lưu hành thuốc, đảm bảo tiến độ cung ứng của các nhà thầu. Có chính sách đặt hàng thuốc cấp cứu, đặc trị, thuốc hiếm với các nhà sản xuất trong nước.

Kiến nghị Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung cấp Quốc gia thực hiện các gói thầu theo đúng tiến độ.

 Tác giả: Hoàng Lê

Theo: Dân trí
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến