Dòng sự kiện:
TP HCM chất vấn 'nảy lửa' về xây dựng sai phép, không phép
13/07/2019 15:09:13
Từ tình hình thực tế, nhiều vấn đề liên quan đến trật tự đô thị, cấp phép trong lĩnh vực xây dựng, quản lý nhà chung cư… được đại biểu đưa ra chất vấn.

Sáng 13/7, Kỳ họp thứ 15, HĐND TP HCM khóa 9 tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực đô thị trả lời chất vấn.

Các vấn đề liên quan đến xây dựng nhà ở làm nóng phiên chất vấn như: xây dựng không phép, giấy phép là xây nhà ở riêng lẻ nhưng lại thành xây để bán, tự thay đổi chiều cao công trình. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Xây dựng ban hành 774 quyết định xử phạt hành chính lỗi thay đổi chiều cao công trình.

Những căn biệt thự xây trái phép ở Quận 7, TP HCM (Ảnh: Cafef)

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề: Trong 6 tháng đầu năm nay, UBND TP ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm xây dựng sai phép, không phép, trong đó có 1.136 trường hợp tập trung ở các quận huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh vậy thì đâu là nguyên nhân.

“Vì sao ở các địa bàn này xảy ra xây dựng sai phép, không phép nhiều như thế. Có phải có vấn đề về quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch? Hay vấn đề về thủ tục cấp phép xây dựng cũng như thủ tục hoàn công cho người dân trong thực hiện xây dựng?”, đại biểu Tuyết Nhung nói.

Trả lời vấn đề này, ông Lê Hòa Bình- Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết, Sở Xây dựng phân chia các sai phạm thành các nhóm nhỏ, phân tích nguyên nhân của từng nhóm rồi từ đó đưa ra các giải pháp.

Khi phân tích thấy là thủ tục cấp phép còn rườm rà nên có những người dân đủ điều kiện nhưng vẫn không đi xin có phép xây dựng… Các Sở sẽ liên thông với nhau trong công tác cấp giấy phép xây dựng để người dân dễ dàng xin phép và điều chỉnh giấy phép.

Ông Lê Hòa Bình cũng thừa nhận: “Trật tự xây dựng sai phép có phần lớn xảy ra ở các quận huyện đang đô thị hóa, có phần do quy hoạch chưa phủ tới kịp, có phần do lực lượng phối hợp kiểm tra, thanh kiểm tra chưa tốt. Chúng tôi nhìn nhận để trong giải pháp tới đây sẽ khắc phục cơ chế phối hợp”.

Về những vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, trật tự đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan yêu cầu các địa phương, các ngành phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để xử lý cho hiệu quả, đặc biệt lưu ý đến những đối tượng cố tình vi phạm trật tự xây dựng trong quá trình mua bán sang nhượng đất đai.

Theo ông Võ Văn Hoan, trong quá trình phối hợp, có những nguyên tắc triển khai chưa tới nơi tới chốn tạo ra lỗ hổng. Cho nên, TP cần có mô hình liên kết thông tin các công trình cấp phép, như dự án cấp phép, dự án vi phạm và xử lý vi phạm, kết quả xử lý để từ TP đến phường xã đều biết và tham gia được.

Ông Hoan yêu cầu khi xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này phải thấy rõ bản chất của những trường hợp doanh nghiệp hoặc cá nhân không có chức năng kinh doanh bất động sản nhưng cố tình vi phạm về trật tự quản lý đất đai, phải nhận diện được.

“Những người đầu nậu, lôi kéo, mồi chài, những người làm cò là chúng ta chưa nhận diện, chưa chỉ đích danh và chưa xử lý họ. Chính điều đó tạo ra điểm nóng trên địa bàn, đưa người dân lương thiện của chúng ta đối diện với chính quyền. Cho nên, những trường hợp đó phải xử lý thật nghiêm minh. Ở phường xã biết những điều này không, biết hết, nhưng chưa có giải pháp xử lý một cách nghiêm túc”, ông Hoan nói.

Một vấn đề nữa cũng rất bức xúc trong xây dựng là vấn đề giấy chứng nhận nhà ở, quỹ bảo trì 2%, chưa nghiệm thu đã đưa dân vào ở...của nhà chung cư. Đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc muốn có câu trả lời cho việc người dân ở các chung cư, khu dân cư có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, nhà ở khi chủ đầu tư các khu này vướng vấn đề pháp lý hay không?

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng cũng thừa nhận, nhiều chung cư chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người dân với rất nhiều nguyên nhân mà phổ biến nhất là chủ đầu tư đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng…

Sở Xây dựng cũng phối hợp với các sở ngành liên quan có nhiều biện pháp xử lý như: hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp giấy, yêu cầu chủ đầu tư làm xong nghĩa vụ với ngân hàng để lấy giấy ra…nhưng chưa giải quyết hết được. Sở Xây dựng sẽ phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký nhà đất ở 24 quận huyện để thống kê đấy đủ, phân loại nguyên nhân chưa được cấp giấy và có giải pháp cụ thể. Còn việc giám sát quỹ bảo trì chung cư 2% đã có cơ chế phối hợp giữa ban quản trị chung cư, tổ dân phố, UBND phường…sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện.

Đại biểu Trương Lâm Danh phản ánh tình trạng chung cư tranh chấp diện tích sở hữu chung và sở hữu riêng, chưa hoàn thành nghiệm thu công trình, phòng cháy chữa cháy, đã đưa cư dân vào ở, quỹ bảo trì 2% quản lý lỏng lẻo…cần phải xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho biết: “Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ ban hành Sổ tay hướng dẫn công tác vận hàng nhà chung cư. Sở tiếp tục tăng cường công tác này để đảm bảo quỹ 2% đó chi đúng chi đủ cho hoạt động đúng nghĩa là bảo trì”.

Những vấn đề trong lĩnh vực xây dựng- trật tự đô thị mà nổi bật nhất là xây dựng sai phép, không phép và sở hữu chung cư đã được các đại biểu tại kỳ họp thẳng thắn chỉ ra và được Giám đốc Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM trả lời cụ thể. Quan trọng nhất vẫn là kết nối thông tin trong lĩnh vực này, kịp thời phát hiện sai phạm và xử lý đến nơi đến chốn.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến