Cần rút ngắn quy trình 6 bước
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, để thực hiện một dự án bất động sản có đất hỗn hợp, doanh nghiệp phải trải qua 6 bước.
Bước 1: Làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Bước 2: Trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.
Bước 3: Làm thủ tục giao thuê đất.
Bước 4: Quy định doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất.
Bước 5: Cấp “sổ đỏ” dự án
Bước 6: Công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp bất động sản cho rằng quy trình 6 bước quá dài, cần rút ngắn lại thành 4 bước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt nhất.
Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh giải đáp các thắc mắc của các doanh nghiệp bất động sản trong sáng 22/2.
Là 1 trong 36 đại diện doanh nghiệp bất động sản tham gia buổi đối thoại sáng 22/2, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát cho biết, quy trình 6 bước hiện nay quá dài và không hợp lý vì đến bước thứ 6 mới cho doanh nghiệp làm giấy phép xây dựng. “Đặc biệt, mới đến bước thứ 4 đã bắt doanh nghiệp phải lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; trong khi từ lúc nộp tiền sử dụng đất đến khi ra giấy phép xây dựng phải mất khá nhiều thời gian, mà thời gian này doanh nghiệp không làm được gì khiến tiền tiếp tục “ngâm” trong đất. Thực tế, đến lúc này doanh nghiệp đã phải bỏ ra khá nhiều tiền để đền bù giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất… Những khoản tiền này cũng là tiền đi vay từ ngân hàng. Nếu dự án “ngâm” quá lâu sẽ khiến chi phí vốn đội lên và toàn bộ chi phí này tính vào giá thành, khách hàng là người gánh chịu cuối cùng”, ông Lực cho biết.
Đồng quan điểm với ông Lực, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành cho biết, nếu áp dụng theo quy trình 6 bước, khi ra được thông báo tính tiền sử dụng đất, có khi mất cả chục năm chưa xong các thủ tục để cấp sổ đỏ nhà ở cho người dân.
Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng đưa ra ý kiến về tính chưa phù hợp ở bước 4, nộp tiền sử dụng đất, trong quy trình 6 bước vì chưa đúng với quy định hiện hành. “Hiện nay, pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh bất động sản không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này, mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước (tiền sử dụng đất) trong 2 trường hợp: một là để làm thủ tục cấp sổ đỏ; hai là để bán nhà, nền nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4 (riêng thời gian làm thủ tục phải mất trên dưới 2 năm hoặc lâu hơn), thì doanh nghiệp bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý... sẽ tăng lên, cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu”, ông Châu cho biết.
Không những vậy, ông Châu còn chỉ ra: nếu đến bước 6 doanh nghiệp mới được công nhận chủ đầu tư, mới được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và mới được thi công xây dựng các công trình của dự án (thời gian thi công mất trên dưới 2 năm mới đủ điều kiện huy động vốn) thì quy định này cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. Doanh nghiệp bị chôn vốn khoảng trên dưới 5 năm, làm tăng giá thành và cuối cùng người mua nhà lại phải gánh chịu.
Sẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Chủ tịch UBND TP HCM ông Nguyễn Thành Phong
Tiếp nhận và trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố cảm thấy trăn trở khi nghe Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh báo cáo rằng hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn, quy mô thị trường và nguồn cung giảm mạnh, hàng loạt doanh nghiệp giảm doanh thu và lợi nhuận, không đạt chỉ tiêu.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các Sở, ngành phải tập trung trả lời cụ thể, rõ ràng những phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp; hướng dẫn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để sớm triển khai thực hiện dự án. “Những vấn đề nào chưa thể trả lời ngay được, đề nghị trong 10 ngày làm việc phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, không để doanh nghiệp chờ lâu. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương hoặc những vấn đề cần có giải pháp chỉ đạo, điều hành tổng thể, UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Xây dựng tổng hợp đầy đủ các ý kiến, trên cơ sở đó tham mưu Thành phố xây dựng các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo môi trường thuận lợi để phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đồng thời khẳng định: Trong quý I/2020 TP HCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn trên 100 tỉ đồng, đồng thời cam kết là sẽ làm mọi cách để đảm bảo ổn định kinh tế, chính trị, tạo điều kiện để doanh nghiệp trên địa bàn làm ăn.
“TP.HCM luôn đồng hành và hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển theo hướng tốt đẹp, hướng đến việc xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ, bất động sản của cả nước. TP.HCM sẽ xây dựng phương án, hỗ trợ, tập trung phát triển doanh nghiệp đầu ngành thành những Tập đoàn lớn để nâng cao tính cạnh tranh. Đây là một trong những định hướng lớn trong thời gian tới”- Chủ tịch UBND TP.HCM nói.
Thu Trang (t/h)
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy