Theo văn bản về việc tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi đợt 2, do Sở Y tế TP HCM ban hành, Thành phố sẽ tập trung thực hiện tiêm chủng từ 22/11 - 28/11. Đối tượng tiêm là tất cả trẻ trong lứa tuổi trên, đang sinh sống và học tập trên địa bàn TP HCM, đã được tiêm mũi một đủ thời gian.
Ngoài ra, nhóm trẻ chưa được tiêm mũi đầu do phải hoãn tiêm, do mới tròn 12 tuổi, mới đồng thuận tham gia tiêm chủng, mới trở về TP HCM cũng sẽ tiếp tục được tiêm mũi một.
TP HCM chuẩn bị tiêm vắc-xin mũi 2 cho học sinh (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).
Hàng chục điểm tiêm đã sẵn sàng
Ghi nhận của PV Dân trí, ngành y tế nhiều quận huyện đã có kế hoạch triển khai chi tiết việc tiêm vắc-xin Covid-19 mũi 2 cho trẻ theo chỉ đạo từ Sở Y tế TP HCM.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn cho biết, trong ngày 22/11, huyện có 8 điểm tiêm tại các trường THPT trên địa bàn. Mỗi điểm sẽ tiêm cho khoảng 600-800 học sinh lớp 11-12. Sau khi tiêm xong nhóm tuổi này, các nhóm tuổi thấp hơn sẽ được tiến hành.
Tại huyện Cần Giờ, bác sĩ Ninh Trần Bảo Thy, Phó Giám đốc trung tâm y tế địa phương thông tin, ngày 22/11 huyện có 4 điểm tiêm ở các trường cấp ba Bình Khánh, Cần Thạnh, An Nghĩa và Thạnh An, với số lượng học sinh dự kiến là 2.400 em. Các em học sinh chủ yếu thuộc các khối lớp 10-11-12, ngoài ra có một số ít học sinh cấp 2 từ xã đảo Thạnh An.
Thống kê trong đợt tiêm vắc-xin mũi một cho trẻ vừa qua, có tổng cộng khoảng 7.500 em học sinh từ 12-17 tuổi tại Cần Giờ đã được tiêm, đạt tỉ lệ 99%. Ngoài một trường hợp trẻ bệnh tim nặng phải hoãn tiêm, huyện vẫn tổ chức tiêm vét cho các trường hợp chưa tiêm, vì không có mặt ở địa phương trong thời điểm triển khai, tại các điểm tiêm cộng đồng.
Còn ở quận 1, lãnh đạo ngành y tế địa phương cho biết, ngày 22/11 quận sẽ tổ chức 5 điểm tiêm, là các điểm trường như THPT Tenlơman, THPT Lương Thế Vinh, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THCS Minh Đức và THPT Trưng Vương. Theo nguồn tin, vì đã quen với việc tiêm vaccine trong đợt một nên công tác chuẩn bị tiêm diễn ra khá thuận lợi.
Trường THPT Lương Thế Vinh, một điểm tiêm vắc-xin cho học sinh của quận 1 (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo bác sĩ Trần Quốc Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, ngày 22/11 địa phương triển khai đến 21 điểm tiêm vắc-xin mũi 2 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Điểm tiêm có số lượng thấp nhất là THPT Thủ Thiêm (phường An Phú) với 495 học sinh. Điểm dự kiến có số lượng tiêm nhiều nhất là THPT Đào Sơn Tây (phường Linh Xuân) với 1075 học sinh. Chiến dịch tiêm đợt 2 này của TP Thủ Đức kéo dài từ ngày 22-27/11.
Chuyên gia: Cân nhắc việc chỉ cần tiêm một mũi cho trẻ
Trao đổi với PV xoay quanh câu chuyện tiêm vaccine cho trẻ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM nhận định, không nhất thiết phải tiêm đủ hai mũi vắc-xin mới cho phép học sinh đi học lại.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã có kinh nghiệm mở lại trường học từ trước khi tiêm chủng. Có thể kể đến như Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, đã cho học sinh đi học lại cách đây hơn một năm, mặc dù chưa tiêm chủng.
Ở hai nước Anh và Pháp, Chính phủ cũng cho trẻ đi học tháng 3-4, thời điểm trẻ em chưa được chủng ngừa.
Thống kê tại Australia, cả mùa dịch vừa qua không có trường hợp học sinh từ 10-19 tuổi tử vong. PGS Dũng thừa nhận, vẫn sẽ có một nguy cơ nào đó nhiễm bệnh khi học sinh đi học lại, tuy nhiên những mối nguy hiểm xã hội khác cho trẻ (như tai nạn giao thông) nếu so với Covid-19 còn cao gấp nhiều lần. Việc để trẻ học online quá thường xuyên, quá dài sẽ ảnh hướng đến sự phát triển trí tuệ.
Chuyên gia cho rằng nếu có đủ nguồn cung vaccine, chỉ cần tiêm cho trẻ một mũi là đủ. Vì ở trẻ em cho dù nhiễm bệnh, nguy cơ trở nặng và tử vong là rất thấp. Việc tiêm ngừa cho nhóm này chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ cho xã hội. Nếu tiêm mũi 2 (với vắc-xin Pfizer), kháng thể sẽ cao hơn một chút, nhưng nghiên cứu chỉ ra trẻ sẽ có nguy cơ nhất định bị viêm cơ tim, dù tỉ lệ là nhỏ.
"Nhà nước muốn tiêm 2 mũi thì tôi vẫn đồng ý. Nhưng xét về mặt lợi ích thì tiêm một mũi cho trẻ sẽ có lợi hơn. Nếu được bỏ phiếu thì tôi không bỏ phiếu tiêm 2 mũi" - PGS Đỗ Văn Dũng nói.
Chuyên gia cho rằng, có thể cân nhắc việc chỉ tiêm một mũi vắc-xin cho trẻ em (Ảnh: Hoàng Lê).
Theo ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh, Phó trưởng Bộ môn Nhiễm, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), để có một vắc-xin đưa ra cộng đồng sử dụng có hiệu quả và an toàn, nhà sản xuất phải mất khoảng 10 năm. Trong đó, nhà sản xuất thực hiện các khảo sát trên rất nhiều nhóm dân cư, nhiều lứa tuổi và theo dõi một thời gian dài.
Đối với tất cả các vắc-xin Covid-19 được cho phép sử dụng khẩn cấp hiện nay đều rất mới mẻ, nên không thể nói chắc chắn về tính an toàn hay một nguy cơ nào đó. Tùy nguồn lực của mỗi quốc gia, gánh nặng bệnh tật do Covid-19 gây ra cho các nhóm tuổi mà chính quyền sẽ đề ra chiến lược tiêm chủng phù hợp.
ThS.BS Vân Anh khẳng định, vắc-xin Covid-19 có tác dụng làm giảm nhẹ tình trạng bệnh khi người được tiêm nhiễm bệnh, và qua đó làm giảm tỷ lệ tử vong. Vaccine gián tiếp làm cho số ca cần can thiệp xử trí không quá nhiều để gây quá tải cho y tế.
"Vắc-xin ngừa Covid-19 không ngăn chặn việc bị nhiễm SARS-CoV-2, nhưng nhiễm nhẹ quá, mất cảnh giác thì vô tình mang virus đi gieo rắc khắp nơi. Vì vậy, người dân phải "song kiếm hợp bích", giữa tiêm vắc-xin và 5K" - chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Tác giả: Hoàng Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy