Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TPHCM vừa báo cáo với UBND thành phố về việc thực hiện công tác hỗ trợ, tái định cư dự án xây dựng vành đai 3 TPHCM. Đơn vị này cũng kiến nghị UBND TPHCM xin ý kiến Thủ tướng chấp thuận cho địa phương thí điểm chính sách tái định cư đặc thù cho dự án.
Qua tính toán nhu cầu nguồn vốn, sau tháng 6/2023, TPHCM cần hơn 27.600 tỷ đồng phục vụ dự án vành đai 3. Trong đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm phần lớn với hơn 25.600 tỷ đồng.
Một đoạn vành đai 3 TPHCM mới được đưa vào khai thác (Ảnh: N.Q.).
Trong giai đoạn 2021-2025, Trung ương dự kiến bố trí cho TPHCM khoảng 18.000 tỷ đồng, thành phố có thể cân đối thêm 1.000 tỷ đồng từ vốn địa phương. Như vậy, nguồn ngân sách địa phương của TPHCM chưa đảm bảo được hơn 6.600 tỷ đồng bố trí cho dự án vành đai 3.
Bên cạnh đó, dự án vành đai 3 TPHCM ảnh hưởng đến khoảng 32 đồ án quy hoạch thuộc TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Để đảm bảo đúng tiến độ đề ra, những địa phương có vành đai 3 TPHCM cần rà soát, đề xuất hướng điều chỉnh nếu có.
Về các chính sách tái định cư đặc thù cho dự án, Sở TNMT TPHCM đưa ra phương án khẩn trương vận động nhận nhà, đất tái định cư đối với những hộ đã được xác nhận pháp lý. Về giá căn hộ, nền đất tái định cư, sở đề xuất UBND TPHCM phê duyệt trước khoảng 6 tháng so với thời điểm phê duyệt giá đất tính bồi thường, hỗ trợ.
Nếu đất, công trình, vật kiến trúc của người dân cao hơn giá trị đất tái định cư, hội đồng bồi thường của dự án có thể tạm ứng trước tiền chênh lệch đối với trường hợp người dân nhận tái định cư bằng nền đất. Hộ dân nhận tái định cư phải cam kết sử dụng tiền tạm ứng để xây nhà mới.
Đền bù, giải phóng mặt bằng là khâu khó nhất của dự án vành đai 3 TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).
Về công tác chuẩn bị, Sở TNMT đã làm việc với những nơi có tuyến vành đai 3 đi qua gồm huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, TP Thủ Đức. Đến nay, huyện Hóc Môn đã lấy ranh dự kiến thực hiện dự án, trích lục hồ sơ 60% số lượng và xây dựng xong kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Sở TNMT đề nghị các địa phương khác cần chủ động thực hiện như huyện Hóc Môn mới có thể đáp ứng được tiến độ. Sở cũng kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các địa phương huy động toàn hệ thống chính trị để xây dựng kế hoạch chi tiết phần việc này.
Bên cạnh đó, Sở TNMT TPHCM cũng kiến nghị thành lập Ban Chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án vành đai 3 TPHCM. Ban Chỉ đạo sẽ do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, làm trưởng ban.
Ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư dự án vành đai 3 TPHCM. Dự án được thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Tuyến vành đai 3 TPHCM có chiều dài 76,34km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư là gần 75.400 tỷ. Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là hơn 61.000 tỷ đồng, bao gồm gần 31.400 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương, gần 29.700 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương (TPHCM gần 19.450 tỷ, Đồng Nai gần 1.600 tỷ đồng, Bình Dương hơn 7.800 tỷ đồng và Long An hơn 850 tỷ đồng). |
Tác giả: Q.Huy
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy