Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng Sáu vừa qua dự kiến đạt 81.423 tỷ đồng, giảm gần 8% so với tháng trước và giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải nguyên nhân tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng này giảm, đại diện Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho hay từ ngày 31/5 vừa qua, toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tại quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, quận 12, nên một số đơn vị kinh doanh dịch vụ, vui chơi, giải trí trên địa bàn tạm thời đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, lượng khách mua sắm tại đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm đáng kể do quan ngại dịch COVID-19 đã kéo doanh thu từ những hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn trong tháng Sáu vừa qua giảm ở tất cả các nhóm ngành so với tháng trước.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn Thành phố tháng Sáu vừa qua đạt 48.355 tỷ đồng, giảm 4,7% so với tháng trước và tăng nhẹ ở mức 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Việc giãn cách xã hội đã làm hạn chế hoạt động bán lẻ trực tiếp do người dân e ngại dịch bệnh, chuyển dần qua hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi.
Vì vậy, doanh thu ở nhiều nhóm hàng đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, nhóm mặt hàng có tỷ trọng cao như lương thực, thực phẩm chiếm 17,4%, có mức giảm là 2,6% so với tháng trước; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 15,1%, giảm 4,2%...
Tương tự, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng Sáu đạt 3.905 tỷ đồng, so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước có mức giảm lần lượt là 20% và 25%. Lượng khách và doanh thu của nhóm ngành lưu trú hiện nay chủ yếu là từ hệ thống khách sạn làm điểm cách ly có thu phí.
Trong khi đó, người dân từ các tỉnh, thành khác cũng hạn chế đến và lưu trú tại hệ thống khách sạn trong thành phố vào thời gian này vì thực hiện cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà đối với người từ Thành phố Hồ Chí Minh và vùng dịch khác trở về. Tương tự, hoạt động ăn uống tháng Sáu đạt 3.743 tỷ đồng, chiếm đến 95,9% của nhóm ngành này cũng giảm đến 22,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng Sáu vừa qua, doanh thu dịch vụ lữ hành cũng chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm 71,5% so tháng trước và giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước. Thông thường tháng Sáu hàng năm là thời điểm bắt đầu hoạt động du lịch Hè, nhưng sự bùng phát phức tạp của làn sóng COVID-19 lần 4 tại Việt Nam đã làm cho doanh thu từ nhóm ngành lưu trú, lữ hành trên địa bàn Thánh phố Hồ Chí Minh tổn thất nghiêm trọng.
Ghi nhận ý kiến một số chuyên gia cho rằng, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đã trải qua hai làn sóng dịch COVID-19 thứ 3 và thứ 4. Tuy nhiên, với sự chủ động, quyết tâm trong phòng chống dịch bệnh của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, sự nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân, đơn vị kinh doanh linh hoạt xây dựng phương án hoạt động năm 2021 đã góp phần thích ứng với tình hình dịch COVID-19 tốt hơn so với thời điểm dịch mới xuất hiện vào năm 2020.
(Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Nhờ vậy, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tính chung 6 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố vẫn đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, dù có những tháng giảm như tháng Sáu vừa qua. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước.
Thành phố Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người dân, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hay khan hiếm hàng hóa cục bộ.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn đã rất tích cực phối hợp với ngành Công Thương thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động thương mại trên địa bàn. Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 có xu hướng diễn biến phức tạp nên ngành Công Thương đã thực hiện tạm ngưng hoạt động khoảng 100 chợ trên tổng số 234 chợ truyền thống để đánh giá lại điều kiện hoạt động và đảm bảo phòng, chống dịch.
Theo đó, đối với các chợ tạm đóng cửa do liên quan ca lây nhiễm, lực lượng liên ngành thực hiện cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm... và biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định của ngành Y tế. Còn chợ buộc đóng cửa do không đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19, lực lượng liên ngành khẩn trương đánh giá và hoàn chỉnh biện pháp phòng chống dịch cần thiết để đưa chợ hoạt động lại trong thời gian sớm nhất.
Hơn thế nữa, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương và duy trì chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu, Sở Công Thương đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và quận, huyện thực hiện báo cáo nhanh hàng ngày về diễn biến thị trường và nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Song song đó, chính quyền địa phương phát huy vai trò kết nối bán hàng lưu động, bán hàng đăng ký trước, khuyến cáo người dân không tụ tập mua hàng hóa tích trữ.
Tác giả: Mỹ Phương
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy