Dòng sự kiện:
TP.HCM giảm tỷ lệ nhân viên y tế nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập
11/08/2023 12:10:36
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1-10/8/2023, số lượng viên chức nghỉ việc là 547, trong đó có 202 bác sỹ và 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

(Ảnh minh họa: Đinh Hằng/TTXVN)

Chiều 10/8, tại cuộc họp cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế-xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Nhân dân Thành phố tổ chức, nhiều nội dung liên quan đến tình trạng bác sỹ, nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập; tình trạng "bát nháo" chợ tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối của Thành phố đã được đại diện cơ quan chức năng thông tin.

Từng bước khắc phục tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc

Về tình trạng bác sỹ, nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các cơ sở y tế công lập, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam cho biết năm 2021 là năm toàn hệ thống y tế Thành phố được huy động nhân lực tham gia chống dịch COVID-19.

Sau thời gian chống dịch, các cơ sở y tế công lập phải đối mặt với tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trong năm 2022 tăng 177% so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19).

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/1-10/8/2023, số lượng viên chức nghỉ việc là 547, trong đó có 202 bác sỹ và 239 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Số lượng viên chức nghỉ việc 8 tháng đầu năm 2023 có xu hướng giảm so với số lượng nghỉ việc năm 2022 (1.523 viên chức), trong đó có 362 bác sỹ; 816 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Qua khảo sát, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy các viên chức y tế nghỉ việc từ năm 2022 vì nhiều lý do khác nhau như áp lực công việc cao, không đảm bảo sức khỏe làm việc, sức khỏe suy giảm sau dịch COVID-19, đơn vị công tác xa nhà, tập trung thời gian học sau đại học, muốn thay đổi môi trường làm việc, mức thu nhập thấp so với nơi làm việc khác…

Bên cạnh những nhân viên y tế đã nghỉ việc là những người trẻ có thâm niên công tác dưới 5 năm, còn có một số nhân viên y tế có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm.

Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục thực trạng trên.

Theo đó, Sở Y tế đã tổ chức chương trình lắng nghe và trao đổi trực tuyến với nhân viên y tế thuộc các đơn vị theo từng nhóm đối tượng cụ thể nhằm kịp thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế; các khó khăn và đề xuất của nhân viên y tế về môi trường làm việc, thu nhập, tiền lương, khối lượng công việc, cơ hội được đào tạo, thăng tiến và mối quan hệ với lãnh đạo đơn vị, với đồng nghiệp.

Qua đó, Sở yêu cầu các cơ sở y tế tiếp thu, lắng nghe nguyện vọng của nhân viên và xây dựng môi trường làm việc công bằng, dân chủ, thân thiện, đoàn kết…

Bên cạnh đó, ngành Y tế Thành phố thực hiện khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác, khuyến khích; tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, năng lực ở trong nước và ngoài nước.

Ngoài ra, Thành phố xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 07/4/2022 của Hội đồng nhân dân Thành phố, đồng thời triển khai thí điểm chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế đối với bác sỹ đa khoa.

Chương trình này đã góp phần tăng cường nhân lực cho các trạm y tế thêm 1.093 người, trong đó bao gồm 502 bác sỹ nghỉ hưu và bác sỹ thực hành và 591 nhân viên khác.

Đến nay, 268 bác sỹ đã hoàn thành khóa đầu tiên của chương trình thực hành và được Sở Y tế giới thiệu về công tác tại các đơn vị y tế công lập trực thuộc có nhu cầu, góp phần bổ sung nhân lực bác sỹ trẻ cho hệ thống y tế công lập.

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cùng với các chính sách cải thiện thu nhập của Chính phủ và Thành phố đối với công chức, viên chức như tăng hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần tiền lương từ đầu năm 2023, tăng mức lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng từ tháng 7 năm 2023... đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế, giảm tỷ lệ nghỉ việc.

Số lượng người làm việc của đơn vị y tế công lập trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tính đến ngày 10/8 là 43.494 người (bao gồm Trung tâm Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức), tăng 2.070 người so với thời điểm 31/12/2022.

Giải quyết chợ tự phát xung quanh 3 chợ đầu mối

Về thực trạng tồn tại nhiều bất cập trong công tác quản lý chợ tự phát xung quanh các chợ đầu mối, ngày 21/7/2023, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 2964/QĐ-UBND về thành lập Tổ Công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Dương Anh Đức làm Tổ trưởng cùng với Tổ Giúp việc cho Tổ Công tác, qua đó giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường tại đây.

Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn. (Ảnh: TTXVN phát)

Nhiệm vụ của Tổ Công tác là tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân Thành phố giải quyết các vấn đề nảy sinh ở các chợ tự phát.

Về phía địa phương, Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, Quận 8 và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh trong thời gian qua đã triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp kéo giảm tình hình an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực xung quanh cả 3 chợ đầu mối của Thành phố gồm Chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8), Chợ đầu mối Nông sản Thực phẩm Thủ Đức (thành phố Thủ Đức) và Chợ đầu mối Nông sản, Thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn).

Các giải pháp này tập trung vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tiểu thương; vẽ vạch sơn để quy định khu vực kinh doanh của hộ kinh doanh có giấy phép; tăng cường kiểm tra, tuần tra, chốt chặn để xử lý vi phạm hành chính; ký kết liên tịch giữa các địa phương giáp ranh; thành lập các tổ công tác liên ngành…

Tuy nhiên, công tác quản lý chợ tự phát của Thành phố vẫn gặp rất nhiều khó khăn như tình trạng ùn ứ giao thông; một bộ phận người dân, các hộ kinh doanh vẫn cố tình vi phạm buôn bán lấn chiếm lòng đường với nhiều hình thức đối phó với lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, phần lớn các đối tượng buôn bán tự phát là dân nhập cư nên công tác tuyên truyền, xử lý vẫn còn hạn chế. Các đối tượng chuyển sang đối phó kinh doanh bằng nhiều hình thức như tập kết nhỏ lẻ, sử dụng xe 3 bánh, xe tự chế, xe đẩy để bày bán nhằm dễ lẩn tránh khi có lực lượng kiểm tra.

Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn chi tiết về tạm giữ phương tiện, dụng cụ, hàng hóa vi phạm, một số mặt hàng không rõ nguồn gốc cũng gây khó khăn cho đoàn kiểm tra, thiếu kho tạm giữ...

Tiểu thương nhiều nơi đổ về lấy hàng, sau đó xả rác thải bừa bãi xung quanh chợ, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Mặc dù các lực lượng thường xuyên ra quân kiểm tra nhưng vẫn còn một số hộ kinh doanh chưa bảo đảm vệ sinh./.

Tác giả: Hồng Giang

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến