Phun hóa chất để diệt trừ nguồn gây các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Baochinhphu.
Thông tin được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết tại Hội nghị giao ban sơ kết hoạt động trọng tâm 6 tháng đầu năm của ngành y tế thành phố chiều 12/7.
Cụ thể, tình hình bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trong năm nay được kiểm soát tạm ổn so với cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên, ngành y tế không nên lơ là cảnh giác vì mùa mưa đang đến, thông thường giai đoạn này sẽ gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Sắp đến, khi trẻ em tựu trường thì bệnh tay chân miệng có thể tăng lên.
Trong khi đó, một số dịch bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine lại có nguy cơ quay trở lại. TP.HCM đã có 53 trường hợp mắc bệnh sởi ở 11 quận huyện, 27 trường hợp ho gà ở 14 quận, huyện.
Những ngày qua, ở các địa phương khác đã xuất hiện ca bạch hầu tử vong, TP.HCM chưa ghi nhận ca nào. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, ngành y tế phải chú ý phòng dịch ở hai nhóm.
Đầu tiên là dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Nhóm thứ hai là tập trung vào phòng chống các bệnh phòng ngừa được bằng vaccine, có nguy cơ quay trở lại như sởi, bạch hầu, ho gà.
Để thực hiện, các cơ sở y tế cần tập trung giám sát, phát hiện sớm thông qua mạng lưới giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần cảnh giác với những ca bạch hầu, ho gà. Khi phát hiện thì thông báo cho Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC). Từ đó, HCDC sẽ điều tra trong cộng đồng và xử lý nếu phát hiện ổ dịch.
Một vấn đề đáng lưu ý là công tác tiêm chủng mở rộng ở thành phố bị gián đoạn một thời gian. Vì vậy, độ bao phủ miễn dịch hiện nay trong cộng đồng đã giảm thấp. Ngành y tế đang triển khai nhiều giải pháp, nhưng nguy cơ bùng dịch do các bệnh trong tiêm chủng sẽ quay trở lại, khi mức độ miễn dịch cộng đồng giảm.
"6 tháng cuối năm, thành phố sẽ tổ chức tiêm bù các mũi vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng để đạt tiêm chủng đầy đủ", bác sĩ Châu nói.
Theo khảo sát thực tế của Sở, bên cạnh danh sách trẻ em trên hệ thống quản lý tiêm chủng Quốc gia thì có 20-30% trẻ ở các quận, huyện không có trong danh sách, do đặc thù biến động dân cư của thành phố. Đây là những trẻ đi theo ba mẹ đến thành phố làm việc, nên không cập nhật trên hệ thống.
"Dịch bệnh không xảy ra theo giới hạn địa giới, một khu vực có mầm bệnh sẽ lan khắp nơi. Nguy cơ năm nay các dịch bệnh như bạch hầu, sởi sẽ xuất hiện ở khu vực phía nam", bác sĩ Châu nhận định.
Khi các tỉnh lân cận xuất hiện dịch, TP.HCM sẽ là nơi tiếp nhận điều trị. Do đó, các bệnh viện, cơ sở y tế phải chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận bệnh nhân từ các tỉnh.
Chỉ đạo tại hội nghị, PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh các bệnh viện, trung tâm y tế không được lơ là, chủ quan để dịch bệnh phòng ngừa được bằng vaccine quay trở lại.
Tác giả: Nguyễn Thuận
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy